Thủ khoa 'vật vã' 3 năm mới có việc, lương thấp

Thủ khoa 'vật vã' 3 năm mới có việc, lương thấp
Câu chuyện có thực về gương thủ khoa đầu vào nhưng ba năm mới kiếm được việc làm, hay tốt nghiệp đại học với số điểm đáng nể 8,77 vẫn chấp nhận đi làm với mức lương thấp.

> “Ông chủ” tuổi 24 khởi nghiệp từ 1 triệu đồng

Thủ khoa đầu vào: 3 năm mới kiếm được việc làm

Dự thi đại học khối C vào một trường sư phạm, tuy không phải là thủ khoa của trường nhưng với số điểm 25,5 Nguyễn Bích Ngọc (*) đã trở thành thí sinh có số điểm cao nhất chuyên ngành mà mình đăng ký. Niềm vui này khiến cho ngày nhập trường cách đây đã 7 năm vẫn luôn in đậm trong tâm trí cô gái trẻ.

Vốn sẵn thông minh, chăm chỉ, trong suốt bốn năm đại học, Ngọc vẫn cố gắng duy trì phong độ học tập của mình. Ngày cầm tấm bằng loại khá trên tay, cô vui mừng vì sắp hoàn thành mong ước bấy lâu đó là được trở thành cô giáo.

Là sinh viên ngoại tỉnh, gia cảnh chẳng mấy khá giả, lại không có quan hệ gì nên những ngày tháng tiếp theo đối với Ngọc không hề dễ dàng.

Ngọc nhớ lại: “Ban đầu, mình muốn được về quê dạy học nhưng năm đó tỉnh mình lại thông báo không có chỉ tiêu tuyển giáo viên chuyên ngành mình học. Sau đó, mình trở lại Hà Nội và bắt đầu rải hồ sơ khắp các nơi đăng tuyển để mong sớm được đi làm”.

Dẫu biết rằng kiếm việc làm trên thành phố lớn rất khó, nhưng Ngọc không nản chí, hàng chục bộ hồ sơ với mọi loại công việc từ giáo viên, nhân viên văn phòng, tư vấn, trực tổng đài, đến bán hàng cô gái trẻ đều nộp hồ sơ và đi phỏng vấn. Nhưng nơi thì yêu cầu kinh nghiệm, nơi lại đòi hỏi phải có ngoại hình ưa nhìn, nên cô vẫn chưa tìm được cho mình công việc ưng ý.

Thương bố mẹ vất vả suốt bốn năm nuôi mình ăn học, nên từ khi ra trường, Ngọc không dám xin tiền gia đình mà tự trang trải cuộc sống bằng việc đi gia sư – công việc cô đã làm từ khi còn là sinh viên. Một tháng, thu nhập của Ngọc cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng.

Nửa năm trời chạy vạy khắp nơi, phỏng vấn hàng chục lần mà không được nhận, Ngọc quyết định chuyển hướng tiếp tục ôn thi cao học. Cô hy vọng, với tấm bằng thạc sĩ sẽ có nhiều cơ hội xin việc làm hơn.

Ngọc chia sẻ: “Để có tiền đi học và trang trải cuộc sống hàng ngày, ngoài làm gia sư, mình còn đi bán hàng trong siêu thị, phát tờ rơi và rất nhiều công việc thời vụ khác”.

Nhớ lại quãng thời gian đã qua, Ngọc ngậm ngùi: “Nhiều lúc nộp đến hàng chục bộ hồ sơ mà chẳng được tuyển dụng, mình nản chí và bi quan về bản thân đến mất ngủ và gầy đi trông thấy. Nhưng rồi mình lại tự động viên là sinh viên mới ra trường, khó khăn ban đầu là không thể tránh khỏi. Điều đó giúp mình kiên trì tiếp tục học thêm bổ sung kiến thức còn thiếu và tìm cơ hội mới”.

Sau gần ba năm trời chật vật, cô sinh viên ngoại tỉnh ngày nào vừa thông báo đã trúng tuyển giáo viên vào một trường cấp hai ở Hà Nội. Dù mới chỉ là nhân viên hợp đồng, nhưng đó vẫn là niềm vui lớn đối với cô. Bởi để có điều đó, cô thủ khoa thửa nào đã trải qua không ít gập ghềnh, khó khăn.

Thủ khoa đầu ra: Lương 3,5 triệu đồng/tháng

La Văn Ngọ - thủ khoa đầu ra của đại học Giao thông Vận tải năm nay với tổng điểm trung bình toàn khóa đạt 8,77 cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trên con đường tìm kiếm việc làm.

Sinh ra ở vùng Quế Phong (Nghệ An) xa xôi, chàng trai người dân tộc Thái chia sẻ: “Mình mong muốn được ở lại trường làm giảng viên và tiếp tục công việc nghiên cứu nhưng các thầy cô thông báo chưa có đợt tuyển, có lẽ phải đợi đến năm sau”.

Dù mới ra trường hơn 2 tháng nhưng Ngọ đã “rải” khoảng 10 hồ sơ xin việc đến khắp các công ty lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội.

Thủ khoa ĐH Giao thông Vận tải La Văn Ngọ
Thủ khoa ĐH Giao thông Vận tải La Văn Ngọ.

Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư an toàn giao thông nên Ngọ mong ước khi ra trường được làm ở viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải hoặc Tổng công ty xây dựng công trình 4, dù đã nộp hồ sơ nhưng đến thời điểm hiện tại, chàng trai này cũng vẫn chỉ biết chờ đợi.

Gia đình khó khăn, ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, Ngọc đã phải làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Từ những công việc như gia sư, làm biển hiệu, đèn LED, tổ chức quảng cáo đến phát tờ rơi, chạy bàn với thu nhập từ 80.000-150.000 đồng, Ngọ đều đã làm qua.

Bên cạnh đó, là sinh viên xuất sắc của trường, Ngọ còn được các thầy giáo đưa đi làm khảo sát giao thông. Dù thù lao khá cao, nhưng đây là công việc khảo sát theo các dự án nên không phải lúc nào cũng có.

Từ khi ra trường, do chưa xin được việc ngay, Ngọ vẫn phải duy trì công việc làm thêm để trang trải cuộc sống với thu nhập khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/tháng.

Đáng nhớ nhất đó là cách đây gần một tháng, Ngọ và các bạn cùng phòng đã nhận khuân vác bàn ghế từ mặt đất lên một tòa nhà cao tầng từ 22h đến 6h ngày hôm sau. Công việc vất vả trong suốt 8 tiếng này đã giúp mỗi thành viên trong nhóm được 280.000 đồng. Nhưng nhớ lại kỷ niệm này, Ngọ vẫn vui vẻ: “Vì được làm việc với bạn bè nên mặc dù vất vả nhưng mình thấy rất vui”.

Với tấm bằng đẹp, chàng thủ khoa cũng gặp thuận lợi hơn khi được các nhà tuyển dụng xem xét, cân nhắc nhưng đa số các công ty đi xin việc đều đòi hỏi kinh nghiệm, vì vậy cũng như bao sinh viên mới ra trường, đây là điều mà Ngọ chưa thể đáp ứng được ngay.

Nhận thức được điều đó, chàng thủ khoa đã chấp nhận thử việc tại một công ty quy mô nhỏ với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, để có thể đi học, gia đình Ngọ đã phải vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền lên đến gần 30 triệu đồng. Vì vậy, chàng trai này chia sẻ: “Mình mong sớm tìm được việc làm ổn định để nhanh chóng trả hết nợ”.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Tri Thức trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG