Thủ khoa Mỹ, thủ khoa Việt và cánh cửa cơ hội

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Năm nay, gia đình tôi đón nhận thông tin khác nhau về các thủ khoa ở Việt Nam và Mỹ, khiến phải suy nghĩ khá nhiều. Bài toán đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không tìm ra cơ chế tốt hơn cho trọng dụng và bồi dưỡng hiền tài?

Con trai tôi năm nay vào lớp 11 tại Mỹ, như vậy chỉ còn 2 năm nữa cháu học xong trung học. Đại học đang là cái đích lớn không chỉ cho cháu mà cho cả gia đình tôi. Vì thế, mọi thông tin về thi cử ở cả Mỹ và VN đều được chúng tôi rất quan tâm, đặc biệt là về các thủ khoa đại học.

Năm nay, gia đình tôi đón nhận những thông tin khác nhau về các thủ khoa ở VN và Mỹ, khiến  chúng tôi phải suy nghĩ khá nhiều.

Từ chuyện thủ khoa trung học Mỹ...

Vào tháng 5/2014, trường trung học Riverside Milotary Academy của con tôi tại Mỹ làm lễ tốt nghiệp cho các học sinh lớp 12 và long trọng thông báo về các trường hợp xuất sắc, bao gồm cả Thủ khoa và Á khoa.

Á khoa của trường năm nay là  một học sinh Mỹ, tên là Harrison Summerour. Cậu là một học sinh toàn diện. Thành tích học tập của cậu luôn đạt điểm 4.0 (điểm 10/10 theo thang điểm Mỹ). Không những vậy, cậu còn là một nhà lãnh đạo trẻ tài năng, là chỉ huy trưởng của 470 học sinh trong trường. Cậu còn là một cầu thủ bóng bầu dục và một đô vật "đáng gờm", cậu cũng biết lái máy bay (vì trong trường có dạy).

Mong muốn trở thành thủy thủ hay phi công chuyên nghiệp, cậu nộp đơn vào Học viện Hải quân và Học viện Không quân Mỹ. Đây là những trường đại học rất khó vào, vì ngoài hàng loạt tiêu chuẩn cao còn cần có thư đề cử của một đại biểu Quốc hội Mỹ. Mỗi năm, một đại biểu sẽ chỉ viết thư giới thiệu tối đa cho 5 trường hợp. Harrison đã vượt qua được vòng này và cả hai đại học đều nhận cậu với học bổng toàn phần. Cuối cùng cậu chọn theo học Học viện Không quân Mỹ, với học bổng lên đến 500.000 USD.

Thủ khoa của trường là Do Yeun Kim, một cậu bé đến từ Seoul, Hàn Quốc. Ba năm liền cậu luôn là Thủ khoa với thành tích học tập xuất sắc. Cậu luôn đạt điểm 4.0 và theo học tất cả các lớp khó nhất trong trường như lớp Honor, AP (dự bị đại học). Cậu cũng đoạt học bổng danh giá của Mỹ là National Merit Scholarship, bởi ngoài khoản tiền do quỹ trao tặng, học sinh còn có thể được nhận thêm học bổng từ các đại học và các công ty bên ngoài.

Ngoài thành tích học tập, Do Yeun Kim còn là một nghệ sĩ kèn Oboa tài năng và là ứng viên Chương trình Danh dự của Thống đốc tiểu bang Georgia. Với tấm bằng thủ khoa và thành tích lừng lẫy, cậu chỉ còn việc đau đầu suy nghĩ chọn trường đại học nào để vào học với học bổng toàn phần hàng vài trăm ngàn USD. Bởi hàng loạt trường danh tiếng hàng đầu nước Mỹ đã gửi thư chấp thuận cho cậu theo học.

Đây chỉ là các thủ khoa của một trường trung học. Vì ở Mỹ không có học sinh thủ khoa đại học như ở VN nên thật khó so sánh. Nhưng chỉ có một điều rất dễ nhận thấy, người Mỹ coi trọng tài năng. Và hễ có tài năng có thể cống hiến cho xã hội là sẽ rất dễ có tiền đi học, đi nghiên cứu, và có thu nhập cao khi đi làm. Vì vậy, cạnh tranh để đạt tiêu chuẩn thủ khoa trung học và vào được các đại học danh tiếng là một cuộc đua tranh để chứng tỏ năng lực bản thân của các học sinh trung học Mỹ.

Và đây cũng là cách thức hữu hiệu để gia đình các học sinh đang khó khăn thoát khỏi gánh nặng chi phí đại học (khoảng 50.000 USD/năm). Tiền học phí này là do các đại học cấp. Tiền do trường tự quyên góp từ các cựu học sinh và phụ huynh cũng như các nhà hảo tâm. Càng là trường danh tiếng, số tiền này lại càng lớn. Chẳng hạn, những trường như Harvard đảm bảo có đủ tiền cấp cho tất cả những sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn đậu vào trường có thể theo học.

...đến chuyện chuyển thủ khoa đại học Việt Nam

Trong khi đó, thông tin về nhiều em học sinh trung học của VN năm nay đậu thủ khoa mà gia đình không có tiền cho đi học khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Ví như tình cảnh của em Nguyễn Thùy Dương - học sinh chuyên Sử trường chuyên Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng) trở thành thủ khoa khối C, ĐH  Luật Tp. HCM hay cháu Trần Văn Cường, THPT Trần Phú, Hà Tĩnh vừa trở thành thủ khoa của ĐH Bách khoa Tp. HCM với 28,25 điểm.

Nhận được tin con đậu thủ khoa, chưa hết vui mừng, gia đình các em đã phải lo chạy tiền cho con đi học. Họ đã phải nghĩ đến cách đem sổ đỏ đi cầm cố, vay mượn tiền. Tình trạng này không phải chỉ năm nay, mà nhiều năm đã tái diễn, ngay cả với thủ khoa các trường cực kỳ khó thi đậu như đại học Y khoa HN, đại học Dược HN, v.v...

Mặc dù theo tôi biết, sau khi báo chí đưa tin, nhiều người kêu gọi, cuối cùng nhiều thủ khoa đại học nghèo cũng sẽ có được những khoản quyên góp, từ thiện từ các nhà hảo tâm, và chật vật co kéo để đi học. Nhưng bài toán đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không tìm ra một cơ chế tốt hơn cho trọng dụng và bồi dưỡng hiền tài?

Chẳng hạn, thay vì hàng năm kêu gọi lòng hảo tâm, tại sao các trường đại học không chủ động tìm kiếm, phát hiện và dành học bổng cho các học sinh có thành tích xuất sắc? Bởi đó thực ra cũng là một cách đầu tư hiệu quả cho tài năng.

Một số tiền chừng 2 tỷ đồng đã có thể đủ cho 10 học sinh nghèo đậu trong top 10 của một đại học có đủ chi phí học tập. Nếu mỗi trường đại học VN hiện nay có một cơ chế tốt trong việc thu hút các khoản tiền tài trợ học phí tương tự cách của các đại học Mỹ, hàng năm chúng ta sẽ không còn thấy những trường hợp đau lòng đỗ thủ khoa đại học danh tiếng bậc nhất mà vẫn có nguy cơ... thất học.

Theo Nguyễn Anh Thi

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.