Phải nhận diện được người tài
- Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội. Từng làm công tác nội vụ, ông đánh giá như thế nào về chính sách này?
Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài. Trước đây là Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn đang áp dụng theo Nghị định 140.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thu hút được cũng có, nhưng không nhiều; thu hút được rồi nhưng người trụ lại không nhiều. Đó là vấn đề thực tế. Như ở TPHCM trước đây, lúc thí điểm lương cả trăm triệu thì họ ở lại, nhưng khi không còn mức lương đó nữa, họ ra đi nhiều.
Hà Nội tôn vinh thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố năm 2024. Ảnh: PV. |
Nghị định 179/2024 có nhiều chính sách mới, đặc biệt đã nêu "thu hút, trọng dụng người có tài năng", tức là mở rộng hơn đối tượng của Nghị định 140 với nhiều ưu đãi vượt trội về lương, thu nhập, các cơ hội thăng tiến... Nhưng thu hút được người có tài năng thực sự không mới là vấn đề.
- Vậy cần định danh tài năng là người như thế nào?
Ngoài đánh giá về mặt đạo đức, tinh thần, thì về mặt chuyên môn, nghiệp vụ anh phải khẳng định bằng sản phẩm. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chỉ có kết quả học tập cao thì không hẳn, phải có sản phẩm, phải có công trình nghiên cứu khoa học, đề xuất áp dụng vào thực tiễn.
Thực tế chỉ ra, có những người học tập rất xuất sắc nhưng không làm được việc, trong khi có những người chỉ học khá nhưng lại rất xuất sắc, tài năng trong thực tiễn. Như các nhà khoa học thì phải có công trình nghiên cứu ứng dụng được, chứ không phải chỉ để trong ngăn kéo. Vì thế, cần thực sự nhận diện đúng tài năng để thu hút, mà tiêu chí cần cả về đạo đức, tinh thần, thái độ, kết quả chuyên môn.
Thứ hai, cùng với chế độ đãi ngộ, lương, thu nhập... thì vấn đề được "nhân tài" quan tâm nhiều nhất là môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến. Điều này có vai trò rất quan trọng của người đứng đầu cơ quan.
Người đứng đầu phải thực sự tài năng để biết sử dụng người tài. Nếu anh không tài năng, lại đố kỵ, ghen ghét, không muốn có người tài năng hơn mình thì không thể thành công được. Sử dụng người tài là phải biết bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện cho họ cống hiến.
Như trong nghiên cứu khoa học, phải tạo điều kiện để họ tiếp cận các đề tài, công trình nghiên cứu, phòng thí nghiệm... Chứ nếu thu hút về mà lại coi họ là "trẻ, người mới", không xếp việc mà bắt đi "đun nước, pha trà" thì không được. Phải thực sự tôn trọng người tài, tạo điều kiện cho họ cống hiến. Cùng với đó, cũng phải đơn giản hóa các thủ tục liên quan, giảm bớt các quy trình hành chính xơ cứng - điều dễ làm cho người tài chán nản, mệt mỏi.
Thứ ba là, với nhân tài, nhiều khi cái tôi, cá tính của họ mạnh, việc cần làm là tôn trọng sự khác biệt, không vì những cá tính đó mà ghét bỏ, ác cảm. Phải tạo môi trường thực sự thuận lợi để người ta phát huy năng lực. Khi đánh giá người ta làm được việc thì phải có khen thưởng, tạo cơ hội thăng tiến.
Riêng chỗ thăng tiến, tôi thấy rằng, không nhất thiết cứ phải thăng tiến lên làm quản lý, bởi với nhiều người, họ chỉ giỏi chuyên môn chứ không có năng lực quản lý. Nếu lên làm quản lý, nhiều khi không đáp ứng được cả công tác quản lý lẫn chuyên môn.
Phải có tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân
- Thưa ông, trong các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, dường như không có sự phân biệt liên quan đến người trong hay ngoài Đảng?
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Trường Phong. |
Về nguyên tắc, không phân biệt người trong hay ngoài Đảng. Nhân tài nói chung thôi. Quan trọng là nhận diện đúng người tài. Chúng ta thu hút nhân tài về trước hết là để làm việc tại các cơ quan, đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ chứ không phải thu hút về để làm ngay giám đốc, phó giám đốc sở hay vụ trưởng, vụ phó...
Nếu nhân tài thực sự, có kết quả công việc thì theo cơ chế sẽ được đề bạt vị trí công tác. Nhưng tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất vẫn là nhận diện đúng người tài. Chỉ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc thì chưa chắc là người tài, bởi có thể không áp dụng được gì vào thực tiễn. Có những người không có trình độ giáo sư, tiến sĩ, chỉ là kỹ sư, công nhân... nhưng có nhiều công trình ứng dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích rất lớn.
Nghị định 179 quy định, căn cứ kết quả công tác, sau tuyển dụng từ 1 đến 2 năm, người được thu hút về nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương ở cấp huyện trở lên (theo phân cấp), kể cả cán bộ đó chưa là đảng viên (trừ các cơ quan tham mưu của cấp ủy, tổ chức đảng).
Trong chuyện bổ nhiệm, tôi nghĩ cũng không đặt nặng vấn đề làm tốt chuyên môn thì "nhấc" lên làm quản lý. Ví dụ, giám đốc bệnh viện hiện nay có thể không phải là bác sĩ, nhưng những người đứng đầu chuyên ngành, phòng ban phải là những bác sĩ giỏi. Nếu bác sĩ giỏi chuyên môn đưa lên làm quản lý, chưa chắc đã thành công.
Sử dụng người tài cần nhấn mạnh yếu tố chuyên môn, đừng quan trọng chuyện chức vụ này kia. Cũng có những người tài họ xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng cũng có những người có mong muốn tiếp tục cống hiến nhưng không vào Đảng. Điều đó phải tôn trọng, không nên nặng nề.
- Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số... như hiện nay, theo ông, cần làm gì để thu hút những tài năng trẻ, nhà khoa học đầu ngành về một số lĩnh vực?
Hiện nay, chúng ta nhắc nhiều về công nghệ lõi, công nghệ bán dẫn... Chính sách cần vượt trội, ưu đãi, nhưng cũng khó bởi đất nước còn đang khó khăn. Như tôi vẫn nói, phải nhận diện được người tài. Chính sách ưu đãi có rồi, nhưng thực ra cũng "chưa thu hút lắm", bởi so với mặt bằng khu vực tư nhân, so với nước ngoài thì còn rất thấp. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng thu nhập trong nước thì đã khá cao.
Quan trọng hơn, phải tính tới yếu tố tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Nếu anh chỉ nghĩ vì đồng tiền, thì nên đi làm thuê cho nước ngoài, hoặc làm riêng. Còn nếu vào khu vực công, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân thì tôi nghĩ chế độ, chính sách như vậy là "chấp nhận được". Điều quan trọng hơn nữa là cần có môi trường thực sự tôn trọng nhân tài, tạo điều kiện để họ phát triển.
Thu hút nhân tài về rồi, cũng cần có thời gian để đánh giá kết quả, không thể nóng vội 1 - 2 tháng, 6 tháng - 1 năm đã cho kết quả như mong đợi, nhưng cũng không thể chờ mãi, kéo dài 10 - 20 năm. Vì thế, cần có đánh giá phù hợp. Tất nhiên, ở lĩnh vực trí tuệ, sáng tạo, nghiên cứu khoa học sẽ có những rủi ro nhất định. Khi đó, cần xem xét "mục đích, động cơ" của họ, như dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì cái chung ... để bảo vệ họ.
- Xin cám ơn ông!