​Thu hút bạn đọc bằng sự trung thực, tử tế...

Báo in vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Báo in vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 26/12, tại TPHCM, Bộ TT&TT phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Nhiều vấn đề nóng bỏng của báo chí được phân tích, bàn luận và định hướng.

“Vuốt đuôi” mạng xã hội

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, trong năm qua, báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của báo chí, đặc biệt là thông tin trong nhiều vấn đề quan trọng chậm hơn so với mạng xã hội đã và đang phát triển một cách nhanh chóng. Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.

Nhiều tờ báo đối phó bằng cách “theo đuôi”, bị cuốn theo mạng xã hội đăng tải những chuyện nhảm nhí, giật gân, các thông tin chưa kiểm chứng... Thậm chí, một số báo điện tử khai thác thông tin từ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội để viết bài, trong khi môi trường truyền thông xã hội đầy rẫy tin giả, tin xấu.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, sự chi phối ngày càng mạnh của các ông lớn Google, Facebook, Ad Network (chiếm khoảng 93% thị phần quảng cáo trực tuyến) dẫn đến nguy cơ các cơ quan báo chí không thu hút được quảng cáo, không tự chủ được chi phí hoạt động, ảnh hưởng tới chất lượng nội dung như câu khách bằng các thông tin phản cảm, giật gân, rẻ tiền...

Thừa nhận cơ quan báo chí không nuôi sống được bộ máy thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn Trần Minh Hùng cho biết, số lượng phát hành báo in ngày càng sụt giảm, kéo theo quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng.

“Nguồn thu của cơ quan báo chí hơn 80% là từ quảng cáo. Tập trung tài lực chuyển sang phát triển báo trực tuyến cũng không sáng sủa vì đang bị mạng xã hội cạnh tranh. Quảng cáo phần nhiều rơi vào tay các đại gia Google, Facebook”, ông Hùng cho hay.

Bà Đặng Thị Thu Hương, Trưởng khoa Báo chí (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết, số lượng nhật báo trên thế giới đã giảm 24% trong 10 năm qua.  Bà chỉ ra một số sai lầm dẫn đến việc tờ báo uy tín ở Mỹ phải đóng cửa. Đó là chạy theo xu hướng “gây sốc” khiến độc giả tẩy chay.

​Thu hút bạn đọc bằng sự trung thực, tử tế... ảnh 1 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trò chuyện với Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn và các đại biểu. Ảnh: Huy Thịnh.

Nói “không” với giật gân, câu khách

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong chia sẻ khi đặt câu hỏi “báo giấy có chết không?” với một cây bút nổi tiếng của tờ nhật báo Telegraph đang đứng thứ hai trong các nhật báo của nước Anh, đã nhận được câu trả lời: “Không! Không bao giờ!”. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng nói: Báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức bởi sự cạnh tranh của mạng xã hội nhưng có một điều chắc chắn là báo in không chết.

“Chất lượng thông tin tốt luôn luôn mang lại nhận thức tốt cho người đọc, người xem. Vì vậy, để công chúng có nhận thức tốt, yêu cầu những người làm báo phải có chất lượng thông tin báo chí thật tốt”.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo nhà báo Trần Minh Hùng, để tồn tại, các cơ quan báo chí phải bán được nội dung sản xuất trên mạng bằng cách cải tiến, nâng cao chất lượng thông tin và có biện pháp chống lại tình trạng vi phạm bản quyền. “Các tờ báo trong nước cần hợp sức xây dựng mảng quảng cáo trực tuyến, hạn chế công cụ quản lý quảng cáo của các ông lớn nước ngoài”, ông Hùng nói.

Theo bà Đặng Thị Thu Hương, một khi không cạnh tranh được với sự nhanh nhạy của mạng xã hội thì báo chí cần phát huy những lợi thế mà mạng xã hội không có. Đó là đề cao đạo đức báo chí, thông tin trung thực, chính xác, tức là cần quay trở lại giá trị gốc của báo chí. “Báo chí cần tập trung vào lợi thế phân tích, bình luận định hướng đúng đắn; tư duy logic, tư duy phản biện; thiết kế, trình bày cần đưa vào biểu đồ, đồ họa để diện mạo tờ báo hiện đại hơn nhằm thu hút bạn đọc”, bà Hương nói.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá đội ngũ những người làm báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở đầu sóng, ngọn gió; ở những nơi khó khăn gian khổ nhất, kịp thời đưa tin, phản ánh những sự kiện quan trọng của đất nước. “Có những nhà báo đã hy sinh mạng sống, vượt qua sự đe doạ của các thế lực xấu và sự đối xử không công bằng của các cơ quan chức năng và chính sự đố kỵ của tập thể mình đang công tác để làm tròn sứ mệnh”, ông Võ Văn Thưởng nói. Chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của báo chí trong thời gian qua, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong làng báo phải đấu tranh với nhau, không để “những con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Thưởng cho biết trong năm 2018, Quốc hội sẽ triển khai lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn. Theo quy định, Ban chấp hành Trung ương cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh đã bầu. Báo chí phải phản ánh trung thực, khách quan, đúng định hướng. “Cần tập trung biểu dương, cổ vũ lan toả những những điển hình tiên tiến, những giá trị tích cực, tốt đẹp…; đấu tranh không khoan nhượng đối với tham nhũng, tiêu cực, cái xấu, cái ác; phê phán, phản bác thông tin, quan điểm sai trái”, ông Thưởng nhấn mạnh. 

Tin giả như bệnh dịch khủng khiếp

Theo ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ban đầu, tin giả ở Việt Nam chỉ dừng ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang dân tộc này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sỹ A, người nổi tiếng B để vờ là người dùng uy tín. Rồi đến những dòng trạng thái trên mạng xã hội nói chuyện ô nhiễm tại một địa phương trong nước nhưng dùng hình ảnh tận bên kia bán cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ; video một đoàn xe nào đó nhưng gán câu chuyện về lãnh đạo cao cấp của nhà nước. Một bức hình của quan chức cao cấp được gắn với một phát ngôn gây sốc rất nhanh chóng phủ kín Facebook để rồi nhân vật trong hình nhận đủ loại “gạch đá” mà không một ai quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Đã có một số trường hợp đăng tải nội dung bịa đặt bị xử phạt, nhưng dường như tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Oái oăm thay, báo chí cũng mắc bẫy tin giả (fake news) – không chỉ ở Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng vậy. Đó là chưa kể nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các tin giả hoặc tin không rõ nguồn gốc, và góp phần phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí sai lệch đó. Tệ hại hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống, hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội.

Fake news không chỉ bóp méo thông tin theo kiểu vô thưởng vô phạt. Fake news đang làm gia tăng tình trạng nhục mạ các cá nhân, làm cho doanh nghiệp, tổ chức lao đao khốn khổ, fake news thậm chí còn được lợi dụng vào các âm mưu chính trị và làm rối loạn xã hội.

MỚI - NÓNG