Thử bàn việc sống chung với số đề

TP - Hiện nay chính phủ đang vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp để thu thuế GTGT. Vậy thay vì bắt buộc các hộ kinh doanh chuyển đổi hình thức, chính phủ chỉ cần in các hóa đơn giá trị gia tăng dạng vé, to bằng tấm vé số, bán cho các tiệm phở…

Những hành vi được một số lớn cư dân trong một cộng đồng hào hứng tham gia, miệt mài qua năm này tháng khác vẫn thực hiện, chịu nhiều chi phí tốn kém vẫn chơi, thậm chí bị phê bình mắng chửi vẫn chơi, thì cơ hồ có thể được xem là một nét văn hóa của cư dân trong cộng đồng ấy.

Nếu theo tiêu chí thẩm định trên, thì chơi đề đối với người Việt có thể được xem là một nét văn hóa hay không? Các cụ hồi đầu thế kỷ 20 mà sống lại những năm tháng đầu thế kỷ 21 này chắc cũng phải thất kinh vì mức độ phổ biến và sự hấp dẫn của chơi đề so với chơi tổ tôm hồi đó. Nhiều người sạt nghiệp vì chơi đề. Nhiều gia đình tan nát vì chơi đề. Lại còn có câu “chơi đề ra đê mà ở”. Chơi đề trăm đường bại hoại. Nhà nước cấm chơi đề, công an bắt người chủ đề nữa.

Mạng lưới đề vô cùng tinh vi và rộng lớn, khắp thôn cùng ngõ hẻm chỗ nào cũng có đề. Đề là một nền kinh tế ngầm vô cũng mạnh mẽ. Không ai có thể đánh giá được phần trăm GDP của đề, vì nó là kinh tế ngầm. Ngầm nhưng mạnh mẽ. Có chuyên gia đoán giá trị GDP của đề còn lớn hơn cả ngành dầu khí.

Vậy ngầm mà mạnh thì chống lại thế nào đây? Chống đề như hiện nay có lẽ sẽ còn là câu chuyện muôn năm. Hay là, chả cần chống, mà hãy sống chung với đề. Mà hãy sống chung vui vẻ, tích cực, thân thiện, coi đề như một phần của cuộc sống hiện thực?

Sống chung như thế này nhé. Sáng ra ăn tô phở 30 ngàn, bạn chỉ ăn 27 ngàn thôi, còn để lại 3 ngàn mà chơi đề. Thế là dành ra 10% để chơi đề. Bạn vẫn sống khỏe, vẫn chơi đề thoải mái. Mà niềm hy vọng còn mãi tới chiều tối, mặc dù mấy sợi phở đã hết vèo từ 9 giờ sáng rồi. Nếu gặp may, con đề về trúng số, bạn lại kiếm bạc triệu ngon lành, lại có cơ đổi đời.  Uống ly cà phê cũng vậy. Ăn trưa cũng vậy. Đi taxi cũng thế. Đến sắm cái quần cái áo, mua cuốn sách, hoặc cái bánh sinh nhật, bó hoa hồng,… nghĩa là mọi giao dịch kinh tế nho nhỏ, bạn cứ dành 10% chơi đề. Bạn sẽ được sống chung với đề, mà không phải chống nó. Khi đó đề luôn mạng lại cho bạn niềm hy vọng đến tận tối, trước khi đi ngủ. Mà vợ con bạn sẽ không phàn nàn, càu nhàu, lại vui vẻ chi tiền. Vì chi cho bạn ăn phở sáng mà.

Nhưng tiệm phở nào sẽ bán một bát phở 27 ngàn cho bạn. Bạn sẽ tìm mỏi mắt mà không thấy. Mà cũng có thể rất nhiều, rất dễ, nếu các tiệm phở chuyển đổi hình thức kinh doanh từ phở “thường” sang thành phở “đề”. Phở “đề” là thế nào? Đó là một tiệm phở vẫn thu của bạn 30 ngàn, nhưng thay vì chỉ bưng cho bạn một tô phở, nay lại đưa thêm một vé đề nữa.

Bạn sẽ bảo “phở đề” là phạm pháp. Tất nhiên, hiện nay là như vậy. Nhưng ta đang thử bàn việc sống chung với nó cơ mà. Thực tế, chính phủ đang thu 10% thuế giá trị gia tăng của mọi doanh nghiệp. Hiện nay chính phủ đang vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp để thu thuế GTGT. Vậy thay vì bắt buộc các hộ kinh doanh chuyển đổi hình thức, chính phủ chỉ cần in các hóa đơn giá trị gia tăng dạng vé, to bằng tấm vé số, bán cho các tiệm phở. Rồi hàng buổi tối, mỗi khi đài Truyền hình công bố các giải xổ số thì ai mua phở tự so đề. Chính phủ cũng không nhất thiết bắt tất cả các tiệm phở phải mua hóa đơn giá trị gia tăng dạng vé đề. Nhưng chắc chắn rằng người dân sẽ đổ xô đến các tiệm phở đề, vì họ được ăn phở và ăn cả hy vọng trúng đề. Các tiệm còn lại tự khắc chuyển sang phở đề.

Bạn hãy thử ước tính doanh thu bán vé “phở đề” của một ngày mà chính phủ sẽ thu được xem sao. Giả sử cứ 9 người dân thì có 1 người ăn phở sáng, tức là mỗi ngày có 10 triệu người ăn phở đề. Vé phở đề là 3.000 đồng. Vậy chính phủ thu được 30 tỷ tiền vé phở đề trong một ngày. Một năm có thể thu được 10.000 tỉ đồng tiền vé “phở đề”. Chính phủ để lại 20% trong 30 tỷ để phát thưởng phở đề. Mức thưởng không phải 70/1, mà có thể là một chiếc xe hơi hoặc một căn hộ. Mà trong sinh hoạt của dân ta đâu chỉ có phở mới có thể “đề hóa”. Mọi hoạt động khác đều có thể “đề hóa” mà không cần phải chuyển các giao dịch đó sang dạng doanh nghiệp.

Câu chuyện “đề hóa” bát phở tưởng nhỏ nhưng thực chất đó là phép tích tụ nguồn lực quốc gia một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tự nguyện nhất, mà lại dựa trên “văn hóa đề” của nhân dân ta. Đây chính là một phép tích tụ nguồn lực kiểu Thánh Gióng, cả làng góp cơm gạo cho cậu bé ba tuổi lớn lên thành tráng sỹ trong vài ngày.

MỚI - NÓNG