> Hôm nay, thông xe hầm dìm Thủ Thiêm
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu tham dự lễ thông xe. |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương đến dự.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ thông xe. |
Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Đại lộ Đông Tây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 5-7-2000. Đại lộ có chiều dài 22km bắt đầu từ nút giao thông Tân Kiên (Bình Chánh) đi qua tám quận, huyện (1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân, Bình Chánh), kết thúc tại nút giao thông Cát Lái (xa lộ Hà Nội).
Phần đường phía quận một rộng từ 42 đến 60m, quy mô từ 8-10 làn xe; phía quận hai rộng trung bình 100m, quy mô từ 10-14 làn xe.
Riêng đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn dài 1.490m, rộng 33m với quy mô sáu làn xe và hai đường thoát hiểm. Toàn tuyến có 11 cây cầu phải xây mới. Tổng mức đầu tư của dự án là 16.000 tỷ đồng (tương đương 762 triệu USD), trong đó vốn vay ODA Nhật chiếm 65% tổng mức đầu tư.
Đại lộ Đông - Tây phía quận 2 rộng từ 10-14 làn xe. |
Dự án đại lộ Đông Tây có ba gói thầu xây lắp, gồm: Gói thầu xây dựng đường phía Tây và mở rộng đường ven kênh do nhà thầu Obayashi – PS Mitsubishi thực hiện; gói thầu xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm do nhà thầu Obayashi Corporation đảm nhận và gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị cơ –điện cho hầm, thiết bị Trạm thu phí và thiết bị vận hành bảo dưỡng do liên doanh nhà thầu Kawasaki Heavy Inductries – Gtech thực hiện.
Việc thi công đại lộ Đông Tây đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, đặc biệt là trong quá trình xây lắp đường hầm Thủ Thiêm, công nghệ xây dựng hầm dìm lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Tháng 9-2007, mẻ bê tông đầu tiên đúc bốn đốt hầm được đổ tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Lối thoát hiểm. |
Tủ chữa cháy khẩn cấp trong đường hầm. |
Tủ điện thoại khẩn cấp trong đường hầm. |
Từ ngày 7-3 đến ngày 4-6-2010, các đốt hầm số 1, 2, 3 và 4 với kích thước mỗi đốt dài 92m, rộng 33m, cao 9m và nặng 27 nghìn tấn, đã lần lượt được lai dắt theo đường sông suốt chiều dài 22km từ bể đúc đến vị trí lắp đặt và dìm xuống đáy sông an toàn
Có trên 11 nghìn hộ dân, hơn 370 cơ quan đơn vị trên địa bàn tám quận, huyện đã hy sinh một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà đất, chấp nhận di dời, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện dự án, các nhà thầu đã sử dụng khoảng 61 nghìn tấn sắt thép, 450 nghìn mét khối bê tông, đào đắp ba triệu mét khối đất, hơn 1 triệu m2 mặt đường. Hơn 1500 cán bộ và trên 400 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thực hiện dự án trong gần 10 năm ròng.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại lộ Đông Tây kết nối với đường cao tốc TPHCM – Trung Lương ở phía Tây và đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây ở phía Đông tạo ra trục giao thông, hành lang kinh tế nối TPHCM với hai vùng kinh tế trọng điểm phía Đông phía Tây, tạo động lực phát triển toàn vùng.