Đồng Tháp:

Thông xe cầu Cao Lãnh, miền Tây đi Sài Gòn giảm 20km

Khi cầu Cao Lãnh và tuyến nối Cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn khoảng cách và tiết kiệm nhiều thời gian cho các phương tiện lưu thông từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp về TP HCM. Ảnh: VnExpress.
Khi cầu Cao Lãnh và tuyến nối Cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn khoảng cách và tiết kiệm nhiều thời gian cho các phương tiện lưu thông từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp về TP HCM. Ảnh: VnExpress.
TPO - Sáng 27/5, tại tỉnh Đồng Tháp, diễn ra buổi lễ khánh thành Dự án xây dựng cầu Cao lãnh và tuyến nối Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng MêKông với tổng kinh phí xây dựng 7.500 tỉ đồng.

Dự án cầu Cao Lãnh được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền có chiều dài 2,01km và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống dài 21,45km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, Thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp.

Thông xe cầu Cao Lãnh, miền Tây đi Sài Gòn giảm 20km ảnh 1 Cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh.

Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu, được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây: nhịp chính dài 350m; chiều cao thông thuyền 37,5m; trụ tháp hình chữ H cao 123,4m; mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80km/h.

Ông Nguyễn Văn Dương  - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, cầu Cao Lãnh chính thức khánh thành, nối nhịp bờ vui, hiện thực hoá giấc mơ từ bao đời nay của người dân đồng bằng Sông Cửu Long. Đất sen hồng Đồng Tháp xoá dần lời nguyền “khuất nẻo" bằng công trình thâm tình hữu nghị.

Kể từ hôm nay, cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được khánh thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy giao thương khu vực nội tỉnh mà còn rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa các tỉnh Tây Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, góp phần thu hút đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, về du lịch… của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

MỚI - NÓNG