Thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế khiến y tế cơ sở dần 'mất khách'

0:00 / 0:00
0:00
Với chính sách thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng mở rộng, người dân có xu hướng lên thẳng tuyến trên, khiến lượng người tới khám chữa bệnh tại y tế cơ sở ngày càng giảm. Điều này đang ảnh hưởng tới việc xây dựng hệ thống y tế cơ sở, Bộ Y tế dự kiến sẽ đánh giá toàn diện lại chính sách này.

Chi quỹ BHYT tăng mạnh

Năm 2022, với trên 91 triệu người tham gia BHYT, tổng số thu quỹ đạt hơn 113.700 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT trên 41.700 tỷ đồng (chiếm 37% tổng số thu trong năm). Tới hết năm, tổng số nợ đóng BHYT trên 700 tỷ đồng, chiếm 0,6% số phải thu. Dù năm 2022 còn ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 92% dân số, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Trong năm vừa qua, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ ngành, địa phương đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để phát triển BHYT bền vững, hướng tới BHYT toàn dân. BHXH Việt Nam đã phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức để thực tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Về chi quỹ BHYT, trong năm 2022, dự toán Thủ tướng giao hơn 109.601 tỷ đồng, ước chi trong năm hơn 107.599 tỷ đồng, gồm cả chi phí khám chữa bệnh và chi chăm sóc sức khoẻ ban đầu (thấp hơn 2.000 tỷ đồng so với dự toán được giao). Tới hết năm vừa qua, quỹ BHYT còn kết dư hơn 55.900 tỷ đồng.

Năm 2022, số lượt khám bệnh BHYT hơn 150,4 triệu lượt (tăng19% so với năm 2021), trong đó khám chữa bệnh ngoại trú BHYT trên 134,9 triệu lượt; điều trị nội trú BHYT trên 15,5 triệu. Tổng chi khám chữa bệnh BHYT trong năm hơn 105.752 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021.

Thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế khiến y tế cơ sở dần 'mất khách' ảnh 1

Với chính sách thông tuyến, người dân lên bệnh viện tuyến trên ngày càng nhiều, y tế xã/phường ngày càng ít khách tới.

Bộ Y tế đánh giá, trong năm vừa qua, tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi, người dân đi khám chữa bệnh bình thường trở lên, nên số lượng khám chữa bệnh BHYT cũng tăng theo.

Cơ cấu người dân khám chữa bệnh BHYT cho thấy, trong năm vừa qua, tuyến bệnh viện trung ương có khoảng 5 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tổng chi BHYT trên 20.715 tỷ đồng; bệnh viện tuyến tỉnh hơn 32,6 triệu lượt, tổng chi BHYT trên 48.775 tỷ đồng; bệnh viện tuyến huyện hơn 91 triệu lượt, tổng chi BHYT hơn 34.431 tỷ đồng; bệnh viện tuyến xã khám chữa bệnh hơn 21,9 triệu lượt, tổng chi BHYT hơn 1.832 tỷ đồng.

Qua thống kê cho thấy, các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều có số lượt khám chữa bệnh và chi BHYT tăng, riêng tuyến xã giảm 8% về số người tới khám chữa bệnh và giảm nhẹ về số chi quỹ BHYT.

Y tế cơ sở đang “mất khách”

Thông kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2022, y tế tuyến xã đã khám chữa bệnh BHYT cho trên 21,9 triệu lượt người, giảm hơn 1,9 triệu lượt so với năm trước đó. Giai đoạn 2018-2022, số lượt bình quân khám chữa bệnh tại y tế tuyến xã giảm rõ rệt so với các năm trước đó (giảm lên tới gần 50%). Nguyên nhân tình trạng giảm này, theo Bộ Y tế, do người dân ít sử dụng dịch vụ y tế tuyến xã, do hạn chế về chất lượng dịch vụ, thuốc men, và chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT.

Bộ Y tế đánh giá, năng lực cung ứng dịch vụ y tế của tuyến cơ sở hạn chế bằng các số liệu: Chỉ có hơn 42% cơ sở y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật tuyến huyện được làm; các trạm y tế xã chỉ thực hiện được 60-70% danh mục dịch vụ kỹ thuật được phép, và cung ứng được khoảng 40% số thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản. Ở nhiều nơi, trạm y tế xã chưa thực sự trở thành cánh tay nối dài của y tế huyện, chưa phát huy được vai trò là tuyến y tế ban đầu, gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Nhân lực y tế tuyến cơ sở còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, như: Thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao; hầu hết các tỉnh đều thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở y tế, đặc biệt tuyến xã; thiếu nhân viên y tế trường học. Trình độ, năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở, y tế trường học còn hạn chế, nhất là năng lực ứng phó với tình huống khẩn cấp (dịch bệnh, thảm họa, thiên tai). Tình trạng trên một phần do khó khăn liên quan tới nguồn lực và tài chính cho đầu tư cơ sở vật chất, đãi ngộ cán bộ, viên chức y tế tuyến cơ sở…

Việc triển khai công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, sinh phẩm y tế... đối mặt với nhiều thách thức, như quy trình thủ tục kéo dài, tâm lý e ngại của cán bộ thực hiện thầu, nguồn cung thuốc… dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm y tế tại một số địa phương.

Bộ Y tế đánh giá, quy định thông tuyến huyện (người có thể BHYT có thể tới bất kể bệnh viện tuyến huyện nào để khám, điều trị không cần giấy chuyển tuyến), điều trị nội trú tuyến tỉnh (điều trị nội trú được BHYT thanh toán không cần chuyển tuyến) đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Trên cùn tỉnh, cơ sở y tế tư nhân có tỷ lệ người bệnh khám chữa bệnh thông tuyến rất cao hơn bệnh viện công.

Chính sách thông tuyến tỉnh nội trú cho phép người dân bỏ qua các tuyến y tế cơ sở để đến thẳng tuyến tỉnh. Thời gian tới, khả năng gia tăng khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh là rất cao, làm gia tăng chi phí, gây áp lực lên quỹ BHYT; khó tránh khỏi một bộ phận bác sỹ có chuyên môn tốt tại tuyến huyện dịch chuyển lên làm việc tại bệnh viện tỉnh, càng làm thiếu hụt nhân lực tại tuyến cơ sở.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, cơ chế chuyển tuyến, phân tầng điều trị đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng. Bộ Y tế đang tổ chức đánh giá toàn diện việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, sẽ bổ sung trong hồ sơ trình Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để kiến nghị những giải pháp trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG