Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 3/3, đại diện NHNN cho biết, hiện NHNN và Bộ Xây dựng đã thống nhất triển khai một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho cả chủ đầu tư và người dân mua nhà ngay trong năm 2023.
"Gói tín dụng này không cấp bù lãi suất giống như gói 30.000 tỷ đồng trước mà hoàn toàn do các ngân hàng thương mại triển khai. Lãi vay chỉ thấp hơn lãi vay bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 1,5-2%", vị này nói.
Nhà ở xã hội, công nhân và giá rẻ sẽ được vay gói 120.000 tỷ đồng lãi suất thấp hơn thương mại. |
Liên quan đến tiêu chí, đối tượng và lãi suất, vị này cho biết, NHNN sẽ làm việc với Bộ Xây dựng.
Trước đó, ngày 2/3, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp với NHNN triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong thời gian tới.
Chia sẻ về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, lãnh đạo một ngân hàng trong nhóm Big 4 cho biết đang chờ cuộc họp của NHNN liên quan đến đối tượng, tiêu chí cho vay gói này.
"Ngân hàng chúng tôi cũng dành 30.000 tỷ đồng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà vay và lãi suất thấp hơn thị trường. Lãi suất thấp được ngân hàng tính toán cụ thể giờ chỉ cần có tiêu chí chúng tôi cho vay", vị đại diện nói và cho biết ngoài đối tượng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại sẽ nằm trong gói này. Với căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng có khả năng nằm trong đối tượng được vay.
Với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trên thị trường dao động từ 12-15%/năm hiện nay, lãi suất ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước dự kiến khoảng từ 11,5%.
Trong khi với quy định phát triển nhà ở xã hội hiện tại của Chính phủ, lợi nhuận định mức của các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chỉ khoảng 10%.
Như vậy, với lãi vay của các ngân hàng thương mại cao như hiện nay, gói vay ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đề xuất của NHNN sẽ có lãi vay "ưu đãi" cao hơn lợi nhuận định mức 10% của các dự án nhà ở xã hội.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, với lãi suất cho vay dự kiến gói 120.000 tỷ đồng là 10% sẽ không khác gì thương mại. "NHNN nên tính toán cấp bù lãi suất khoảng 3,5%. Như vậy, người dân và doanh nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi giá rẻ", ông Quê nói.
Ông Quê cho rằng, 120.000 tỷ đồng không nhiều, bởi một dự án chung cư thương mại lên tới 500 tỷ đồng/tòa với chủ đầu tư. Còn đối với dự án nhà ở xã hội tập trung, giải ngân cho chủ đầu tư vài dự án là hết.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, với doanh nghiệp bất động sản lúc này có được gói vay ưu đãi là tốt, lãi vay sẽ nằm trong chi phí đầu tư dự án. Vấn đề hiện nay là không có nhiều dự án bất động sản đủ điều kiện vay vốn.
"Ngay cả các dự án nhà ở thương mại hiện nay cũng không có nhiều dự án đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, chứ chưa nói tới các dự án nhà ở xã hội", ông Thanh nhấn mạnh.
Để gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội, theo ông Thanh, điều quan trọng nhất là phải gỡ vướng đầu ra, trong đó không nên quy định cứng nhắc từng đối tượng được mua nhà ở dự án nào. Bộ Xây dựng chỉ cần quy định nếu thuộc đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội có thể mua nhà ở tất cả các dự án.