Thông qua việc mở rộng cửa cho Việt kiều mua nhà

Thông qua việc mở rộng cửa cho Việt kiều mua nhà
Sáng nay 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 của Luật đất đai điều chỉnh theo hướng mở rộng các đối tượng và điều kiện cho người VN định cư ở nước ngoài (Việt kiều) được mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại VN.

Cụ thể, Việt kiều thuộc các đối tượng: người có quốc tịch VN; người gốc VN thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại VN theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống trong nước được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép cư trú tại VN từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại VN.

Riêng người gốc VN không thuộc các đối tượng quy định nêu trên, được cơ quan có thẩm quyền của VN cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại VN từ ba tháng trở lên, thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại VN để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại VN.

Như vậy so với quy định trước đây thì luật vừa được QH thông qua bổ sung thêm ba nhóm đối tượng, đó là: “người có quốc tịch Việt Nam”, “người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.

Bà con Việt kiều được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại VN, bên cạnh các quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong Luật hiện hành, còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người VN định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở  tại VN để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa...

Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại VN thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở; Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại VN; Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật VN; Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc QH thông qua luật này có thể có tác động đến thị trường bất động sản ở trong nước. Nhưng hiện nay nguồn cung về nhà ở trong nước là khá lớn, qua thống kê về tình hình phát triển nhà ở trong năm năm trở lại đây cho thấy bình quân mỗi năm cả nước xây dựng khoảng 37 triệu m2 nhà ở, riêng năm 2008 cả nước xây dựng được khoảng 50 triệu m2, trong đó tại đô thị là 28 triệu m2, riêng tại TP.HCM và TP.Hà Nội mỗi năm xây dựng được 5-6 triệu m2 và gần 2 triệu m2.

Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy khi luật này được ban hành thì không phải tất cả hơn 3 triệu người VN định cư ở nước ngoài đều có thể mua nhà ở tại VN, mà chỉ có số đối tượng có nhu cầu, thật sự có năng lực tài chính và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới có thể mua được nhà ở tại VN.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2009.

Theo V.V.Thành
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Đề xuất tăng 'sếp phó' cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đề xuất tăng 'sếp phó' cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
TPO - Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết có 1 đơn vị đủ vị trí pháp lý (tương tự như cơ quan đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM trước đây) để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, bộ này đề xuất bổ sung thêm 1 phó chủ tịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.