Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Để khai thác, sử dụng đất hiệu quả nhất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 18/1, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cùng hai nội dung quan trọng khác.

Nhà nước thu hồi đất với 31 trường hợp

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Để khai thác, sử dụng đất hiệu quả nhất ảnh 1

Quốc hội biểu quyết thông qua các nội dung tại phiên bế mạc. Ảnh: Như Ý

Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội ấn nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, luật quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo, hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế. Luật cũng quy định UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Về chuyển nhượng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, theo ông Thanh, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các trường hợp được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác. “Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết”, ông Thanh nêu.

Tại cuộc họp báo sau đó, trả lời về việc cấp sổ đỏ cho những trường hợp không có giấy tờ trước năm 2014 và không có tranh chấp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, cho biết, nội dung này được quy định tại Điều 138 của Luật Đất đai, quy định một số nguyên tắc cơ bản, giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này. Theo ông Hiếu, thống kê sơ bộ cho thấy, dự án luật này có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, và Chính phủ sẽ phải ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể.

Điểm đáng lưu ý khác, theo Điều 79, Nhà nước sẽ thu hồi đất trong 31 trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc này nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Riêng trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc 31 trường hợp trên, Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bảo đảm sự an toàn, minh bạch của hệ thống ngân hàng

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức; đồng thời giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Để khai thác, sử dụng đất hiệu quả nhất ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Như Ý

Về biện pháp hỗ trợ TCTD được can thiệp sớm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, Điều 154 dự thảo Luật đã quy định việc công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp TCTD đang được kiểm soát đặc biệt. Do vậy, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu theo hướng quy định về dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ.

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, được chỉnh lý theo hướng quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tại Khoản 3 Điều 200 và về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày luật có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ. Luật Các TCTD gồm 15 chương, 210 điều và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua luật này sẽ góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các TCTD, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng XHCN và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chú trọng công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành; khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật về ngân hàng nhà nước, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của Luật Các TCTD (sửa đổi).

Khẩn trương ban hành các quy định chi tiết

Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực…

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.