Thống nhất bỏ bấm lỗ giấy phép lái xe

Thống nhất bỏ bấm lỗ giấy phép lái xe
Ông Thân Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho VTC News biết: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã thống nhất về việc bãi bỏ hình thức bấm lỗ GPLX.
Thống nhất bỏ bấm lỗ giấy phép lái xe ảnh 1

Bắn tốc độ thực sự trở thành nỗi kinh hoàng với các tài xế. Ảnh: Tiền phong

Ông Thanh cho biết, tháng 3/2006, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chỉnh lý, sửa đổi Nghị định 152/2005/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Việc bãi bỏ hình thức bấm lỗ giấy phép lái xe (GPLX) là một trong những nội dung đã được đại diện của tất cả các Bộ, ngành tham gia sửa đổi Nghị định thống nhất thông qua.

Nỗi kinh hoàng của các bác tài

Hình thức bấm lỗ GPLX xuất hiện lần đầu trong Nghị định 15/NĐ-CP được ban hành tháng 2/2003 và đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với các bác tài.

Việc đánh dấu số lần vi phạm pháp luật giao thông đường bộ trên GPLX được hướng dẫn trong Thông tư Liên tịch số 03/2003 của Bộ Công an và Bộ GTVT ban hành ngày 27/01/2003.

Theo đó,   "người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ mà theo quy định của pháp luật, hành vi đó có mức cao nhất của khung tiền phạt từ 200.000 đồng trở lên thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn bị đánh dấu vi phạm trên GPLX".

Việc bấm lỗ được áp dụng cả với người điều khiển ôtô và môtô. Lái xe bị bấm lỗ lần thứ 2, sẽ phải sát hạch lại Luật Giao thông mới được cấp đổi bằng. Bị bấm lỗ lần 3, GPLX sẽ hết giá trị sử dụng và các bác tài sẽ phải chờ thêm ít nhất 12 tháng mới được phép thi sát hạch để được cấp lại bằng lái.

Bấm lỗ GPLX là trở thành nỗi ám ảnh thường trực của các bác tài mỗi khi ra đường bởi trong Luật Giao thông đường bộ. Tổng cộng, có tới 59 hành vi vi phạm có thể bị bấm lỗ bằng lái.

Đến khi lực lượng CSGT được trang bị súng bắn tốc độ thì bấm lỗ GPLX thực sự trở thành nỗi kinh hoàng, khiến cho những người hành nghề lái xe lúc nào cũng phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Theo quy định, nếu điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quá 20%, lái xe sẽ bị phạt tiền 1 - 2 triệu đồng, bấm lỗ GPLX và tước quyền sử dụng GPLX trong vòng 90 ngày.

Nếu làm việc trong cơ quan Nhà nước, bị tước bằng trong 3 tháng, đồng nghĩa, lái xe sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế, thất nghiệp. Với các bác tài hành nghề tự do, bị bấm lỗ GPLX trong trường hợp này không chỉ khiến họ mất nguồn thu nhập trong vòng 3 tháng mà cũng khiến họ mất hết các mối hàng.

Vì vậy đã dẫn đến các hình thức đối phó, tiêu cực nhằm tránh bị bấm lỗ GPLX.

Những lái xe đường trường thường trang bị "bảo bối" trên xe là một thiết bị phát hiện súng bắn tốc độ. Khi bị bắn tốc độ, thiết bị này phát ra tín hiệu báo động và các bác tài sẽ lập tức quay xe để tránh bị CSGT kiểm tra.

Hình thức đối phó thứ hai là dùng GPLX giả. Bằng lái thường được scan để nhân thành nhiều bản, khi vi phạm, cánh lái xe chỉ đưa bằng rởm cho CSGT bấm lỗ. Trong nhiều trường hợp, dù bằng lái chưa bị mất, nhưng các bác tài vẫn làm đơn xin được cấp bằng "sơ cua" để dù có bị bấm lỗ, vẫn có GPLX khác để hành nghề.

Những biện pháp nêu trên không phải lúc nào cũng qua mặt được CSGT. Nếu bị CSGT nhớ biển số xe, các bác tài sẽ rất e sợ khi phải đi qua đoạn đường mà họ chốt giữ. Vì vậy, hình thức đối phó phổ biến hơn là khi bị xử lý, dù có mang theo bằng lái họ cũng không trình ra mà quay sang tìm cách "làm luật" để tránh bị bấm lỗ GPLX. Trường hợp không thể dùng tiền mua CSGT, cánh lái xe sẵn sàng để cho CSGT giam phương tiện rồi mang bằng đi lái thuê cho chủ hàng khác.

Ở nhiều nơi, đã xuất hiện cả những đường dây "chạy" bấm lỗ GPLX.

Đẻ thêm "Giấy phép con" - bất hợp lý

Trước những bức xúc của người dân về tình trạng bấm lỗ GPLX, ngay từ năm 2004, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 15/2003, trong đó có hình thức bấm lỗ GPLX.

Những quan điểm trái chiều giữa các bộ, ngành sau đó đã khiến cho Nghị định 15 (năm 2003) về cơ bản, đã được thay thế bằng Nghị định 152 (ban hành năm 2005), nhưng nỗi ám ảnh của các lái xe vì biện pháp bấm lỗ GPLX thì vẫn không được giải quyết.

Tại văn bản số 1960/BCA, Vụ pháp chế- Bộ Công an đã đề xuất bỏ bấm lỗ GPLX nhưng thay bằng... Phiếu kiểm soát lái xe do lực lượng CSGT đường bộ cấp.

Bộ GTVT không đồng ý với đề xuất của Bộ Công an vì cho rằng, việc ban hành thêm Phiếu kiểm soát lái xe- thực chất là một loại "giấy phép con"- sẽ trái với Luật Giao thông đường bộ; không phù hợp với Hiệp đinh về công nhân giấy phép lái xe cơ giới đường bộ giữa các nước ASEAN mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Việc cấp Phiếu Kiểm soát kèm theo 14 triệu GPLX, theo quan điểm của Bộ Giao thông, chắc chắn sẽ gây bức xúc trong xã hội, làm tăng thêm bộ máy quản  lý, ngân sách Nhà nước phải chi ra nhiều tỷ đồng để in ấn, cấp phát, xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc cho bộ máy kèm theo.

Hơn nữa, quy định về việc ngành GTVT sát hạch, cấp GPLX, ngành công an kiểm tra, xử lý vi phạm là nhằm tránh việc môt cơ quan "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Việc Bộ Công an đề xuất vừa cấp Phiếu kiểm soát lái xe, vừa kiểm tra là không phù hợp.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Giao thông đã đề xuất nếu cần thiết, sẽ ban hành mẫu GPLX mới khắc phục những hạn chế của việc đánh dấu số lần vi phạm của người điều khiển phương tiện và đổi dần khi GPLX hết hạn để tránh gây lãng phí, bức xúc cho xã hội.

Trước đề xuất của Bộ Công an về việc ban hành "giấy phép con" nêu trên, trong một văn bản về việc chỉnh lý, sửa đổi Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã tỏ thái độ khá gay gắt: "Nếu thấy cần thiết, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi điều 56, Luật Giao thông đường bộ để giao cho Bộ Công an vừa thực hiện chức năng cấp GPLX, vừa kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ GTVT sẵn sàng điều chỉnh nhiệm vụ của ngành".

Tháng 3/2006, dù Nghị định 152 mới chính thức có hiệu lực chưa đầy 3 tháng nhưng trước bức xúc của người dân, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì việc chỉnh lý, sửa đổi bổ sung, trong đó có vấn đề xử phạt bằng hình thức bấm lỗ GPLX.

Trao đổi với phóng viên VTC News ngày 30/11, Vụ trưởng Thân Văn Thanh, người trực tiếp tham gia việc sửa đổi Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho biết: Sau nhiều năm bất đồng về quan điểm, mới đây, các cơ quan tham gia chỉnh lý, sửa đổi Nghị định 152 gồm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã thống nhất về việc bãi bỏ hình thức bấm lỗ giấy phép lái xe.

Nỗi kinh hoàng của các bác tài về việc bấm lỗ GPLX sẽ được giải quyết triệt để, chứ không phải bỏ bấm lỗ bằng lái nhưng lại bổ sung "giấy phép con" là Phiếu kiểm soát như một cán bộ có trách nhiệm trong ngành công an trả lời phỏng vấn báo giới trong những ngày qua.

Dự thảo về việc chỉnh lý, sửa đổi Nghị định 152 sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi lần cuối trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Cần bỏ quy định bấm lỗ giấy phép lái xe 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô khẳng định, bỏ quy định bấm lỗ trên giấy phép là đúng, song tìm ra một biện pháp quản lý thay thế hiệu quả thì còn rất nhiều điều phải xem xét.

 
Theo VTC News

MỚI - NÓNG