Sáng ngày 31/7, Bộ Giao thông Vận tải và Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ thông hầm đường bộ Đèo Cả nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, sớm trước 2 tháng so với kế hoạch.
Đến dự lễ có nhiều vị lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà và các tỉnh bạn, đại diện các Bộ, Ban, Ngành liên quan và các đối tác, nhà thầu của Dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương Cty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cùng các nhà thầu đã phấn đấu, nỗ lực suốt 5 năm qua để hoàn thành việc thi công khoan hầm – tiền đề quan trọng để sớm đưa dự án vào khai thác vận hành trong tháng 7/2017.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền và nhân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ngân hàng VietinBank đã hỗ trợ dự án triển khai toàn bộ các hạng mục đáp ứng tiến độ và yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, đảm bảo thi công an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho Bộ Giao thông Vận tải làm đầu mối làm việc với các Bộ liên quan, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Vietinbank tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo cho nhà đầu tư triển khai và hoàn thành Dự án.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm công trường hầm Đèo Cả, ngày 3/5/2016 - ảnh tư liệu.
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1A, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT và BT được thực hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa. Điểm đầu của dự án tại lý trình Km 1353 + 500 thuộc thôn Hảo Sơn (Hòa Xuân Nam, Đông Hòa, Phú Yên), điểm cuối dự án tại lý trình Km 1374 + 525 thuộc thôn Cổ Mã (Vạn Thọ, Vạn Ninh, Khánh Hòa).
Cửa hầm Đèo Cả phía tỉnh Phú Yên.
Cửa hầm Đèo Cả phía tỉnh Khánh Hòa.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với vận tốc thiết kế là 80 km/h, có chiều dài toàn tuyến là 13,4 km với mặt cắt ngang phần tuyến gồm 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,75 m với 2,5m dải phân cách, tổng bề rộng mặt cắt ngang là 24m. Trên tuyến có tổng cộng 5 cây cầu với tổng chiều dài cầu 396 m, được thiết kế theo tiêu chuẩn 22TCN 272-05, các kết cấu cầu trên tuyến chủ yếu là kết cấu dầm I 33 BTCT DUL, ngoại trừ cầu vượt ngay khi ra khỏi cửa hầm Cổ Mã sử dụng kết cấu nhịp liên tục để đạt yêu cầu về thẩm mỹ.
Dự án có 2 hầm: Hầm Đèo Cả có chiều dài 3.900 m, gồm 2 hầm đơn, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng; Hầm đèo Cổ Mã có chiều dài 500m, gồm 2 hầm đơn, tổng vốn đầu tư 874 tỷ đồng.
Những chiếc xe đầu tiên chạy vào hầm Đèo Cả.
Đường hầm Đèo Cả
Xe chạy trong hầm Đèo Cả.
Mặt cắt ngang tuyến đoạn qua khu vực hầm gồm 2 làn xe, bề rộng mỗi làn là 3,5m, tổng chiều rộng của mặt cắt ngang tuyến ở trong hầm là 8,5m; Trong hầm chỉ sử dụng hệ thống thông gió dọc nhờ vào hệ thống quạt phản lực ở phía trên, có bố trí các thiết bị quan sát và là các thiết bị đo đạc nồng độ khói bụi, hệ thống báo cháy, camera quan sát giao thông lưu thông trong hầm.
Bên trong hầm có bố trí các hầm ngang cho công tác thoát nạn cho người đi bộ và cho xe cộ, với khoảng cách 300m cho hầm thoát nạn cho người đi bộ và 900 m cho hầm thoát nạn cho xe cộ qua hầm.
Tổng mức đầu tư dự án ban đầu được tính toán là 15.603 tỷ đồng, nhưng sau đó do điều chỉnh hướng tuyến và điều chỉnh thiết kế đã giảm mức vốn đầu tư còn 11.300 tỷ đồng. Hơn 4000 tỷ đồng dư ra được dùng để đầu tư dự án Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, nối liền hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Niềm vui của nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp khi hầm Đèo Cả được đào thông, lúc 16h55 ngày 21/6/2016 - ảnh tư liệu.
Niềm vui của những người thợ công trường hầm Đèo Cả, sáng ngày 31/7.
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả.
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1A được khởi công ngày 18/12/2012, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2017. Hầm đèo Cổ Mã đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 16/9/2015. Hầm Đèo Cả được thông xe kỹ thuật ngày 31/7, trước 2 tháng so với thời hạn dự kiến.