Thống đốc: 'VAMC sẽ xử lý khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu'

Thống đốc: 'VAMC sẽ xử lý khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu'
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, hết năm nay VAMC sẽ mua khoảng 30.000 -35.000 tỷ nợ xấu và đến hết năm 2014 sẽ xử lý được 100.000 - 150.000 tỷ đồng.

> Giám sát việc cho các DN nhỏ và vừa vay
> Không bơm tiền vào nơi thua lỗ

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Tình hình xử lý nợ xấu đã được Thống đốc Bình báo cáo và cập nhật trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1/11. Ông ước tính số nợ xấu được "dọn dẹp" từ năm 2012 đến tháng 9/2013 đã khoảng 100.000 tỷ đồng. Do ngân sách hiện eo hẹp nên toàn bộ các giải pháp chỉ thông qua 3 hình thức: Cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro và qua Công ty Quản lý Tài sản VAMC.

Người đứng đầu ngành cho hay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu trên 300.000 tỷ đồng nợ cho khách hàng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ tín dụng. "Trong đó có 60% các khoản vay nếu không được cơ cấu đã thành nợ xấu. Nói một cách khác, nếu không làm, nợ xấu của hệ thống đã tăng thêm 6%", ông phát biểu.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng từ năm 2012 đến nay cho thấy hầu hết đều sụt giảm lợi nhuận, khi phải trích lập dự phòng rủi ro một cách nghiêm túc hơn để xử lý nợ xấu. 70.000 tỷ đồng đã được trích lập trong năm 2012 và thêm 32.000 tỷ sau 9 tháng đầu năm nay. Như vậy, tổng nợ xấu được "dọn dẹp" theo hình thức này khoảng 100.000 tỷ và theo ước tính của Thống đốc chiếm hơn 3% dư nợ.

Bên cạnh đó, riêng VAMC cũng xóa được 10.000 tỷ nợ dưới chuẩn cho các ngân hàng, doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt. "Như vậy, nếu không triển khai các giải pháp nêu trên, nợ xấu toàn hệ thống đã tăng thêm 10% nữa", ông Bình kết luận.

Theo dự kiến của vị tư lệnh ngành, VAMC hết năm nay sẽ mua khoảng 30.000 -35.000 tỷ nợ xấu và đến hết năm 2014 sẽ xử lý được 100.000 - 150.000 tỷ đồng. Sắp tới, ngoài các giải pháp trên, theo ông Bình, nếu kết hợp xử lý cả nợ đọng xây dựng cơ bản cũng sẽ giúp đánh tan thêm 3% nữa của "cục máu đông".

Không chỉ sốt ruột với nợ xấu, nhiều đại biểu và chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm. Số liệu đến tháng 10 cho biết, tín dụng cả hệ thống đã tăng khoảng 6,8% trong khi chỉ còn 2 tháng để toàn ngành hoàn thành mục tiêu 12% được giao phó.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) lo ngại áp lực lạm phát trở lại khi phải tăng cường bơm tín dụng trong những tháng cuối năm. "9 tháng tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,64% nếu cả năm muốn đạt 12% thì quý cuối năm sẽ phải bơm khối lượng tương đương gần bằng 9 tháng đầu năm", ông Thụ phân tích.

Trao đổi với các đại biểu, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định có cơ sở để tin tưởng cán đích 11%, 12%. Bởi tăng trưởng tín dụng đến tháng 10 đã đạt 7,89% nếu gộp cả phần dư nợ tín dụng được xử lý qua trích lập dự phòng rủi ro và phát hành trái phiếu đặc biệt của công ty VAMC. Ngoài ra, theo Thống đốc, so với năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của tín dụng đã khá hơn rất nhiều.

"Trong quá trình điều hành, chúng tôi đã điều hòa lượng tiền lưu thông hợp lý. Ngoài ra cũng đã có số vốn tương ứng dự trữ để sẵn sàng cho tăng trưởng tín dụng cuối năm mà không ảnh hưởng tới kế hoạch cung tiền", ông phân tích thêm.

Trong phần phát biểu của mình, ông Bình cũng nói thêm về tín dụng cho nông thôn tăng trưởng gấp đôi so với giai đoạn trước và hàng loạt những gói cho vay ưu đãi trong lĩnh vực này. Ghi nhận những đóng góp của ngành ngân hàng nhưng nhiều đại biểu vẫn chê tiến độ giải ngân còn chậm. "Thống đốc nói vậy nhưng tôi đã thử đóng vai người dân đi hỏi vay tiền, tôi vẫn thấy khó lắm. Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét làm sao để phát triển tín dụng nông thôn hơn nữa", ông Nguyễn Văn Tiên - đại biểu tỉnh cho biết.

Đại biểu Phạm Minh Tấn (ĐắkLắk) cũng nêu thực trạng: "Ngân hàng Nhà nước đã có các chương trình tái canh cho cây cà phê nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay ở Đắk Lắk mới chỉ giải ngân được 100 tỷ đồng. Giờ rất cần chính sách cho người trồng cà phê vay vốn để có thể chờ được giá mới bán. Tránh việc nhiều hộ nông dân phải bán cà phê non để lấy tiền đầu tư cho sản xuất".

Không chỉ vậy, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) còn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nên đi "vi hành", tới những vùng sâu vùng xa, vùng núi cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ... Theo bà, việc này nhằm tìm hiểu người dân đang vướng mắc ở đâu. "Vì sao công chức không mua được nhà, họ khó khăn ở đâu khi mà trần lãi suất của Thống đốc đã giảm rất tốt như vậy", bà An đặt câu hỏi. Đại biểu của đoàn Hà Nội cũng dẫn một ví dụ về chủ đầu tư một dự án du lịch ở Ninh Bình đang vay lãi suất 15% trong khi Ngân hàng Nhà nước nói lãi suất đã giảm.

Tại phiên thảo luận lần này, Thống đốc không chia sẻ thêm về vấn đề vàng, một phần cũng do chủ đề này không được các đại biểu đặt ra gay gắt và nảy lửa như các kỳ trước.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG