Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cùng người dân đi trên chiếc cầu tạm ngày khởi công cầu ở huyện Con Cuông (Nghệ An) |
Lan tỏa
Tác nghiệp trong vụ đắm đò tang thương ở bến Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) vào năm 2006 khiến 19 em học sinh chết và mất tích, chứng kiến cảnh mất mát của người dân sở tại, nhà báo Trần Quang Long - Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An đã gọi điện ra Ban Biên tập (BBT) đề nghị khởi xướng cuộc vận động xây cầu treo. Sau khi được BBT thống nhất chủ trương, nhà báo Quang Long tiếp tục liên hệ với UBND tỉnh Nghệ An và được ông Phan Đình Trạc, Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương) “nhất trí cao”. Tỉnh Đoàn Nghệ An và Đài PTTH Nghệ An được tỉnh giao nhiệm vụ hưởng ứng cuộc vận động xây cầu do báo Tiền Phong phát động. Ngày 10/11/2007, cây cầu nghĩa tình nối đôi bờ sông Lam được khánh thành.
Về Chôm Lôm tác nghiệp, tôi cảm nhận được tình cảm, sự tri ân của người dân, thấy được qua nhịp cầu ấy, Lạng Khê đã khoác lên mình màu áo tươi mới, cảnh “qua sông phải lụy đò” đã thành dĩ vãng. Một cây cầu vững chãi gánh bão giông, chống đại hồng thủy để người dân từ “khổ tận” đến “cam lai”.
Nghệ An luôn là điểm nóng mỗi khi mùa mưa lũ ập về. Người chết, tài sản bị cuốn trôi, học sinh không thể đến trường, những con suối hiền hòa bỗng hung dữ, đe dọa bản nghèo. Sáng một ngày tháng 3/2021, đọc bản tin “một học sinh may mắn thoát nạn khi lội suối tới trường”, anh Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An và nhà báo Trần Quang Long không hẹn mà đồng nhất nêu ý tưởng xây một cây cầu ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Sau khi được BBT đồng ý, “Cầu thanh niên- Cùng em vượt lũ” do báo Tiền Phong và Tỉnh Đoàn Nghệ An chính thức phát động kêu gọi. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nói: “Địa phương ủng hộ cao chương trình vận động vì đây là việc làm nhân ái, thiết thực nhằm giúp đỡ người dân miền núi còn nhiều khó khăn”.
Cuộc vận động đã lan tỏa mạnh mẽ, hàng trăm nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên ủng hộ, hàng ngàn lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Nhiều học sinh nhịn ăn sáng, lấy tiền tiết kiệm góp tiền xây cầu; nhiều cụ già hiến tặng cả tháng lương hưu, cả những cửu vạn nhọc nhằn mồ hôi mưu sinh cũng tình nguyện góp bao xi măng để cầu nhanh hoàn thiện… Chỉ sau một tháng kêu gọi, cây cầu dân sinh tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn) khởi công, đúng dịp cao điểm chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và khánh thành vào tháng 5/2021.
“Trước đây vào ngày mưa lũ, các cháu học sinh không thể đến trường hoặc đến trường trong tình cảnh nguy hiểm, bản thân những người lớn cũng vậy. Nhưng kể từ nay, cây cầu kiên cố sẽ bảo đảm sự an toàn, an tâm cho các cháu mỗi khi qua sông. Công việc lao động sản xuất, giao thông sẽ thuận tiện hơn nhiều”.
Tổng Biên tập - Nhà báo Lê Xuân Sơn
Nhiều năm trôi qua kể từ khi cầu dân sinh Chôm Lôm được nối nhịp, báo Tiền Phong đã khởi xướng, kết nối với Sở GĐ&ĐT và Tỉnh Đoàn Nghệ An kêu gọi quyên góp tiền xây cầu dân sinh, nhằm giúp đỡ các em học sinh và đồng bào miền núi vượt lũ. GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, GS,TS Thái Văn Thành là người góp công lớn trong cuộc vận động này. Tiếp nối Chôm Lôm, cầu Chiêu Lưu hoàn thiện. Vừa rồi, báo Tiền Phong đã cùng Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn Nghệ An khánh thành cầu Chi Khê (huyện Con Cuông), 2 cầu vượt lũ tại huyện Tân Kỳ và Quế Phong cũng sẽ sớm nối nhịp đôi bờ.
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong (thứ 5, phải sang) và nhà báo Trần Quang Long - Trưởng Ðại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An chụp hình lưu niệm cùng các cô giáo tại lễ khánh thành cây cầu bản Tổng Chai |
Rạng rỡ nụ cười trẻ thơ
Bến Chôm Lôm đau thương ngày nào giờ thay thế bến đò xưa là nhịp cầu hiên ngang, sừng sững. “Hơn 15 năm kể từ khi có cầu, học sinh không phải chen chúc trên con đò cũ nát đầy hiểm họa mà thay vào đó là niềm vui an toàn khi tới trường”, anh Vi Văn Thắng (xã Lạng Khê) chia sẻ.
Nhớ đầu hè năm ngoái, con đường đến bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn) bụi mịt mù, nắng chói chang tỏa hơi nóng hầm hập như chảo lửa. Bên bờ suối Khe Tiêu, lễ khởi công giản đơn và sau đó một tháng là lễ khánh thành được tổ chức. Em Moong Hai Mằn (học sinh lớp 5) nói: “Trước kia, khi buổi sáng, em lội suối tới trường, buổi trưa, nước dâng cao cuộn xiết không thể về nhà. Cha,mẹ bên bờ đứng nhìn, thầy cô lo lắng. Nhưng giờ có cầu rồi, không ai sợ nước cuốn trôi nữa”. Có mặt tại lễ khánh thành, nhà báo Phùng Công Sưởng- Phó TBT báo Tiền Phong cho hay: “Từ Chôm Lôm đến Lưu Thắng là biểu tượng cho sức trẻ, tinh thần của Đoàn, sự dấn thân, chia sẻ với bà con, em nhỏ vùng khó khăn”.
Tại địa bàn Nghệ An, báo Tiền Phong đã chủ trì, phối hợp xây dựng 5 cây cầu dân sinh và hàng chục ngôi nhà tình thương, ngôi nhà Ðại đoàn kết với tổng trị giá hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, báo Tiền Phong còn kết nối hơn 5 tỷ đồng đóng góp vào công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Tiếp nối chặng đường nối nhịp cầu qua sông vượt lũ, ngày 30, 31/7/2022, báo Tiền Phong cùng hai đơn vị phối hợp đã khởi công 3 xây dựng ba cây cầu ở các huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong. Quãng đường di chuyển mệt nhọc gần 800 km đi lại giữa 3 huyện bỗng chốc tan biến khi Ban tổ chức chứng kiến sự hứng khởi, háo hức của người dân và khao khát, mong chờ đi trên cây cầu mới của các em học sinh. Cơn mưa xối xả miền biên viễn cũng lùi lại, đánh dấu sự chuyển mình, tươi sáng giữa núi rừng hoang vu. Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho hay: “Chúng ta đang nối những tấm lòng thiện đến với nhau, nối những tình cảm của con người đến với con người, lan tỏa tình cảm của những nhà hảo tâm. Những em nhỏ - mầm xanh tương lai của đất nước, sẽ vững tin trên những cây cầu này. Một cây cầu hiện hữu sẽ nối muôn cây cầu khác nữa và chúng ta sẽ tiếp nối sự yêu thương đó”.
Sau gần 3 tháng thi công, ngày hội thực sự cũng đã đến với người dân bản Tổng Chai khi mơ ước đã thành hiện thực, nhịp cầu nối đôi bờ Khe Chai hoàn thành giữa mùa mưa lũ. Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong cùng các đại biểu đã cắt băng khánh thành cây cầu mang nhiều ý nghĩa trong chuỗi công trình ấm áp tình người: “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường”. Dưới hàng cờ phấp phới tung bay, tiếng cồng chiêng rộn rã và điệu nhảy sạp nhịp nhàng của người dân Chi Khê là thanh âm bờ vui đã nối trọn vẹn.