Khi những chiếc lá hãy còn lấp loáng sương đêm, khi tiếng ấm nước sôi già lục bục lẫn trong tiếng mẹ thì thầm với ba về một điều gì đó văng vẳng từ sau bếp, khi tiếng anh trống choai nhà ai giật mình “tắc tè te te” lanh lảnh tựa tiếng khèn lá dừa uốn trên môi ngày thơ dại. Đó là khi nghe cái Tết như một người thương đi đâu xa mới về chạm vào tay mình lay khe khẽ.
Suốt bao nhiêu năm năm tháng tháng đã qua, kể cả là có khi không đi đâu khỏi quê mình, tôi vẫn cứ luôn thương nhớ những ngày giáp Tết này. Thương nhớ đến ray rứt ngay cả khi đang ở trong lòng Tết! Kiểu hệt như tay người thương này đan vào tay người thương kia trong một tối hò hẹn, chưa buông đã nghe thương nhớ phủ choàng lấy mình, cơ hồ ngạt thở.
Thương đến chao đảo từng cụm khói đốt đồng vào những chiều nắng nhạt, chỉ còn một mảng vàng xiên xiên loang loáng trên ngọn tầm vông ở nơi vừa đủ xa để cái nhìn vẫn còn trông thấy rõ. Thương cái không khí chộn rộn gói ghém cây trái, sửa sang mái nhà, bậu cửa, cái ghế… để đón Tết. Thương cái nét mặt dầu dầu dõi theo từng con nước lớn ròng, hồi hộp tính tính toán toán nợ nần năm cũ, để dành cho năm mới, dư ra mua manh áo tấm quần cho con. Thương cái câu nhẹ hều nhưng nặng trĩu bao thiếu thốn nhọc nhằn: “Để dành đến Tết!” của những bà mẹ xứ mình.
Sao cái Tết xưa và nay cứ luôn gắn chặt với bóng lưng của những phận đàn bà thế nhỉ? Những bóng lưng hanh hao gầy gầy thấp thoáng nơi này nơi kia trong nhà trước sân. Bóng lưng nhỏ bé thôi nhưng đủ làm ấm sực cả một căn nhà. Những bóng lưng vượt qua trí nhớ in hằn trong trái tim của nhiều đứa con đứa cháu như một ngọn lửa,có khi giúp đôi chân lầm lũi dẫm trên tuyết ở đâu đó bên kia xứ người thêm vững chãi mà đi qua nhiều mùa đông tha hương băng giá. Thế mới biết những dung dị thương yêu từ trái tim nắm níu con người mãnh liệt và dài lâu đến thế nào! Đâu cần dụng công cắt tỉa, từng hạt yêu thương cứ lặng lẽ được gieo sâu gốc bền rễ rồi đâm chổi nẩy lộc lúc nào mình cũng không hay. Chỉ biết thảng thốt giật mình nghe nhói thắt lưng chừng dạ khi ai đó hỏi vu vơ “Tết rồi! Về quê không?”.
Đối với người Việt mình mà nói, tiếng “quê” thân và thương hệt như tiếng “mẹ”. Bất cứ lúc nào rơi ra cũng nghe tràn khắp một cảm giác nôn nao, êm êm dịu dịu không sao diễn tả được. Nó hệt như có ai đó đưa tay bóc tách tất cả lớp vỏ cứng cáp ngụy trang bên ngoài mà chạm vào thịt da mềm mại nhất của một con trai con sò. Người ta thèm quê đến như thế, thèm mẹ đến như thế phải chăng vì ai cũng luôn thèm được là chính mình? Son phấn, quần áo, lụa là giày dép là để xênh xang với đời. Và xênh xang mãi lẽ nào không mệt? Tôi thật không dám nghĩ đến một ngày không thể về quê xôn xao mấy ngày Tết, một ngày tiếng mẹ không còn có thể buông ra...
Đời con người ta chỉ có khi nào bước qua, mới thật sự hiểu dưới chân mình đã từng là gì, êm ái ra sao hay cào xước như thế nào. Chỉ khi nào trải nghiệm, có không ít những mất mát, rã rời thì mới hiểu thấu thật ra cái mình muốn rốt cuộc là gì. Không ít người ngày nhỏ, từng nằm dài trên bãi cỏ, hay trên chiếc võng đu đưa nơi hàng hiên nhà mình, nhìn những cánh chim thiên di, nuôi lớn giấc mơ về một vùng trời khác. Những giấc mơ kéo người ta đi xa đến nỗi, có khi không thể quay về. Rồi những ngày năm hết, Tết đến, cảm giác bơ vơ như trẻ mồ côi chưa bao giờ rõ hình rõ khối đến thế! Nó đọng thành nỗi tủi thân không ngăn được, tự dưng khiến nước mắt trào ra. Những giọt nước mắt len lén rơi, len lén lau cho nhanh. Những giọt nước mắt của ngày trưởng thành đâu dễ có, nếu không chạm vào vùng sâu kín thiêng liêng nhất? Lúc ấy phải chăng, ta chợt nhận ra nơi bình yên nhất là mái nhà mình, cảnh đẹp nhất là giọt sương trên lá trước sân nhà mình như thi hào Tagore đã từng chiêm nghiệm?
Tôi nhớ chị và em mình, xa xứ nhiều năm. Tết ở đất người năm nào cũng ngóng vọng. Đòn bánh tét cũng nâng niu thương nhớ gói thành, nồi thịt cũng được kho, trái khổ qua cũng dồn thịt hầm mềm. Nhưng có lẽ không có cái nắng phương Nam rực rỡ, không có cành mai vàng năm cánh cả nhà lúi húi chăm chút nhặt lá từ ngày rằm tháng chạp, không có những thủ thỉ về chuyện làng chuyện xóm quyện trong mùi thơm thoang thoảng của nén nhang tỏa ra từ bàn thờ ông bà. Nên cái Tết quê người chỉ khiến cho nhớ thương cùng với nỗi khát khao vì thế mà trở nên đau đáu hơn. Để rồi thay nhau rấm rứt qua điện thoại: “Nhớ Tết quá! Thèm Tết quê mình quá!”
Tôi luôn thu xếp về quê vào những ngày giáp Tết. Năm nào cũng nghe nguyên vẹn nỗi háo hức như năm nào. Mê mải ngồi nơi góc chợ nhỏ, nghe người ta nói chuyện bán mua, chuyện vườn tược có trúng mùa không, con cái đi làm ăn xa năm nay có đứa không về. Mê cái tiếng thở dài, tiếng xuýt xoa rơi ra không che giấu của các thím các dì. Mê cái mẹt có mớ khổ qua đèo đắng ngắt, được xếp ngay ngắn như trẻ con chơi đồ hàng, cùng với dăm trái mãng cầu xiêm nhỏ xíu méo mó tua tủa gai tươi xanh của bà cụ già lưng còng chắc cũng đã ngoài tám mươi, chỉ bán mớ không cân bao giờ! Nghe gánh mưu sinh chưa khi nào nhẹ trên đôi vai của những con người xứ mình. Từ thuở tôi hãy còn là con bé tóc Maikka nhỏ xíu chạy lúp xúp theo mẹ “đi chợ Tết!” cho đến giờ, cách một quãng tháng năm xa ngái mà nỗi cơ cực thiếu thốn cũng vẫn còn lẩn khuất ở đây, ở kia và chắc chắn vẫn còn ở nhiều nơi nữa. Không dưng nghe những nỗi buồn hay vấn đề trở ngại trong công việc, cuộc sống của bản thân bỗng chốc trở nên vơi nhẹ đi rất nhiều. Hỏi sao người ta sống trên đời cần đi, cần tìm về, cần soi rọi để biết quý mình quý người quý những gì mình đang có. Để đi qua ngày hôm nay một cách nhẹ nhàng và hướng đến một ngày mai! Ngày mai là ngày mới, là năm mới rồi sẽ có nhiều điều mới!
Tôi bỗng dưng nghĩ đến những quyển sách, những con người mình có duyên gặp gỡ trong đời. Có những quyển sách lần từng ngón tay nâng niu mỗi trang mà cứ sợ nó mau hết! Có những người ngồi cùng nhau không biết bao mùa hạ sang mùa xuân mà vẫn luôn muốn ngồi với nhau. Cái Tết cũng vậy! Cái Tết với người Việt xứ mình có bao giờ là cũ? Chúng ta có bao giờ thôi mong chờ?
Đâu cần dụng công cắt tỉa, từng hạt yêu thương cứ lặng lẽ được gieo sâu gốc bền rễ rồi đâm chồi nẩy lộc lúc nào mình cũng không hay. Chỉ biết thảng thốt giật mình nghe nhói thắt lưng chừng dạ khi ai đó hỏi vu vơ “Tết rồi! Về quê không?”.