Thiếu khả thi?
Những quy định mới mẻ này sắp thành hiện thực khiến không ít người giúp việc như mở cờ trong bụng. Bà Nguyễn Thị Lài, đang giúp việc cho chủ ở quận 10, TPHCM xem tivi và biết tin. “Tôi cùng quê với ông chủ, thỏa thuận miệng lương tháng 4 triệu để nấu ăn và trông trẻ. Tết về quê ông chủ cho thêm tháng lương, lo tiền tàu xe và hết”.
Bà Nguyễn Thị Chi, 46 tuổi, một người giúp việc ở Huế, cho biết cách đây một năm giúp việc cho chủ tại quận 7, TPHCM được họ mua bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng khi qua ở chủ mới tại quận 4 thì không thấy. “Nếu như có quy định như thế, tôi sẽ đòi hỏi chủ phải đáp ứng”- bà Chi nói.
Tuy nhiên, nhiều ô sin cũng cho rằng, áp dụng theo mức lương tối thiểu 2,7 triệu đồng/tháng cộng với bảo hiểm xã hội (BHXH) và BHYT thì mỗi tháng được khoảng 3,4 triệu, trong khi mặt bằng lương giúp việc ở một số khu vực nội thành TPHCM hiện nay đã hơn 4 triệu đồng/tháng.
Theo Nghị định 27, người sử dụng lao động phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người giúp việc một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT để người giúp việc tự lo bảo hiểm.
Với quy định trên, theo chị Hoàng Thị Vân, ở quận 7, TPHCM người sử dụng giúp việc hơn 10 năm nay cho rằng “không hợp lý, thiếu tính khả thi, khó áp dụng trong thực tiễn”.
Chị Vân phân tích: Hàng tháng phải trả cho người giúp việc đội lên một khoản đáng kể khoảng 600 nghìn theo như quy định để người lao động tự mua BHXH, BHYT sẽ không khả thi trong thực tiễn. Bởi lẽ bản thân gia đình người lao động thường rất nghèo, hoàn cảnh khó khăn mới đi giúp việc để tăng thêm thu nhập. Nếu để tự đóng bảo hiểm, họ sẽ chi dùng cho gia đình ngay chứ không nghĩ tới việc mua BHXH, BHYT để được hưởng chế độ.
Còn anh Nguyễn Văn Hải, ở quận 4, TPHCM nhìn nhận: “Quy định trả thêm tiền bảo hiểm cho ô sin thiếu chế tài”. Thiếu sót thể hiện ở chỗ: Phần lớn những người giúp việc gia đình đều là người lớn tuổi và trẻ em.
Trường hợp người giúp việc trên 55 tuổi, quá độ tuổi để được đóng BHXH, vậy người sử dụng lao động có phải trả thêm khoản tiền này cho người lao động không và nếu không trả thì có vi phạm pháp luật không thì không thấy đề cập.
Bắt buộc phải có đào tạo
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho biết, hiện vẫn chưa có báo cáo chính thức nào về nhu cầu giúp việc gia đình. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, gần như gia đình nào cũng cần có giúp việc. Trong khi đó, số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố gần đây cho thấy, công việc này đã chiếm gần 10 % tổng việc làm ở những nước đang phát triển và chiếm tới 25 % ở những nước công nghiệp hóa.
Ngày 25/5 này, Nghị định số 27/2014 về lao động là người giúp việc có hiệu lực. Theo đó, giữa người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động phải có hợp đồng, với các điều khoản được thỏa thuận như tiền lương, điều kiện ăn ở… “Người giúp việc gia đình được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, tết; được chi trả thêm một khoản tiền lương tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để tự mua bảo hiểm...”- nghị định nêu rõ. Ngoài ra, thời giờ nghỉ ngơi ít nhất 8 tiếng/ngày, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục và nghỉ (hoàn toàn) ít nhất 4 ngày/tháng...
Thế nhưng, trong khi chúng ta đưa ra nhiều quy định ràng buộc và đòi hỏi quyền lợi cho lao động giúp việc gia đình thì lại chưa tính đến việc những người làm công việc này phần lớn là lao động tự do, không được đào tạo, thiếu quá nhiều kỹ năng và tay nghề.
Theo ông Lê Xuân Luyện- Tổng giám đốc Cty Oleco chuyên đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, ngoài các quy định về pháp lý, việc chuyên nghiệp hóa nghề này cần gắn liền với thực tế, nghĩa là những giúp việc gia đình phải được đào tạo bài bản.
Thực tế, đã từng có nhiều chuyện cười dở, mếu dở xung quanh việc “ôsin” là người “nhà quê” không biết sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong phần lớn các gia đình ở thành phố và “ôsin”chỉ làm được mỗi việc duy nhất là bế trẻ con và sau khi đi làm về, chủ nhà còn phải nấu cơm phục vụ giúp việc.
Thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cũng cho thấy, hiện thị trường giúp việc gia đình có đến hơn 60% người được thuê chủ yếu để trông trẻ; khoảng 20% lao động chuyên chăm sóc người già và người bệnh, 20% còn lại làm các công việc nội trợ. Như thế để thấy, đa phần trong số họ là những lao động phổ thông, thiếu các kỹ năng lao động cần thiết, cần được đào tạo cơ bản.