Ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc TTXVN

Thời của chất lượng cao và dựa vào độc giả

Báo giấy chất lượng vẫn có số lượng bạn đọc ruột nhất định. nguồn internet
Báo giấy chất lượng vẫn có số lượng bạn đọc ruột nhất định. nguồn internet
TP - Một phẩy bảy tỷ. Đúng vậy! “Mạng nhện toàn cầu” – world wide web – như cách chúng ta từng gọi thế giới Internet, hiện gồm hơn 1,7 tỷ website. Một sự bùng nổ mạnh mẽ mà chúng ta chưa từng được chứng kiến, và không thể tưởng tượng nổi chỉ chừng một thập niên, thậm chí là dăm bảy năm trước.  

Internet đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp, cách chúng ta học hỏi, cách chúng ta mua sắm, cách chúng ta tiếp nhận thông tin và cả cách thức chúng ta hình thành quan điểm về những vấn đề trong cuộc sống. Internet đã mở rộng theo cấp số nhân cả thị trường cho các ý tưởng lẫn thị trường cho thông tin. Nó mang đến giá trị phi thường cho xã hội của chúng ta trong khi tạo ra những thách thức mới - cho các thể chế, cho nền chính trị, các doanh nghiệp, những người dùng thông thường, và cho chính lĩnh vực báo chí.

Không chỉ người trẻ mê báo mạng

Internet ra đời đã làm thay đổi hoạt động xuất bản. Nó tạo ra một thị trường mới vô cùng rộng lớn cho thông tin, một thị trường với nhiều sự lựa chọn hơn là thế giới của báo in cũng như phát thanh và truyền hình. Và việc có nhiều lựa chọn như thế đã dẫn đến những thay đổi ngoạn mục về hành vi của người tiêu dùng thông tin.

Tôi vẫn nhớ như in cái thời còn là sinh viên, mỗi lần ghé qua cơ quan cha, thấy cha và các cô chú cầu kỳ lên khung từng trang báo, trăn trở từng cái tiêu đề, từng vị trí của tấm ảnh, sửa nắn nót từng câu từ của phóng viên. Quả thực, thời đó mỗi lần cầm một tờ báo, tờ tạp chí cha mang về nhà là như mở ra cả một bầu trời thông tin: chúng tôi đọc nghiến ngấu không sót một trang nào, từ phần tin vắn cho đến các bài chuyên sâu, phóng sự.

Những tờ báo như Tuần Tin Tức, Tiền Phong, Lao Động, Thể thao & Văn hóa… đã đi cùng thời tuổi trẻ của chúng tôi như thế. Những tờ báo ấy cung cấp mọi thông tin cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, mọi chủ đề từ chính trị-xã hội, kinh tế-tài chính đến văn hóa-thể thao, kể cả những công thức nấu ăn hay những mẩu chuyện vui. Mang ra so sánh với lượng thông tin khổng lồ những năm đầu thế kỷ 21 và cách làm báo hiện nay thì báo chí thời xưa khá đơn giản, nhưng nó vẫn đầy những thông tin hữu ích, và như thỏi nam châm hút các nhà quảng cáo, nhất là báo chí ở các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, Internet và nhất là truyền thông xã hội đã thay đổi hành vi tìm kiếm thông tin. Chẳng hạn như ở các nước Âu-Mỹ, trước đây khi một cậu con trai đủ tuổi lái xe hơi, ông bố sẽ mua cho một chiếc xe cũ bằng cách tìm từ mục rao vặt trên báo địa phương.

Bây giờ thì sao? Người ta sẽ lên trang Craigslist ở Mỹ, Gumtree ở Anh hoặc AutoScout24 tại nhiều quốc gia châu Âu. Khi một bà mẹ muốn tìm công thức nấu một món ăn, bà sẽ vào mục ẩm thực của một tờ báo và làm theo hướng dẫn. Nhiều tạp chí của Việt Nam cũng có những trang ẩm thực hấp dẫn như thế. Nhưng bây giờ thì họ tìm đến những trang như Epicurious.com, BonAppetit.com hoặc trang nấu ăn khá nổi tiếng của New York Times là Cooking. Thậm chí chúng ta có thể gọi đồ ăn thẳng từ nhà hàng, trực tiếp hoặc qua các dịch vụ kiểu như Uber hay Grab.

Thời của chất lượng cao và dựa vào độc giả ảnh 1 Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã VN
Hành vi tiếp cận thông tin của chúng ta đã thay đổi. Chúng ta tìm đến nhiều nguồn tin khác nhau, nhiều website khác nhau, nhiều doanh nghiệp khác nhau. Và đương nhiên, những khoản tiền quảng cáo cũng di chuyển theo những hành vi đó.

Điều này quả là không hay đối với báo chí. Khi hành vi của người tiêu dùng thay đổi thì mô hình kinh doanh báo chí cũng thay đổi theo. Nguồn thu quảng cáo không còn được dồi dào như trước kia nữa, trong khi chính nhờ nguồn tài chính này mà một thời nhiều cơ quan báo chí mới có thể tạo ra những nội dung chất lượng cao (trừ những đơn vị sống bằng nguồn ngân sách).

Bạn đọc sẽ trả phí cho “báo tử tế”

40 năm trước, đa phần các nhật báo tại Mỹ sống nhờ quảng cáo. Khoản thu từ việc đặt báo dài hạn hồi đó chiếm chưa đầy 5%, một mô hình rủi ro hơn nhiều tờ báo ở châu Âu. Nay thì khác. New York Times hiện có hơn 3 triệu người đăng ký đọc phiên bản digital, hơn gấp 3 lần so với con số đăng ký dài hạn bản in. Nó tương ứng với 2/3 tổng số doanh thu 450 triệu USD từ digital chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, không còn xa mốc 800 triệu USD đầy tham vọng mà CEO Mark Thompson đặt ra cho năm 2020.

Tại Paris, điểm sáng là MediaPart, do cựu tổng biên tập Edwy Plenel của tờ Le Monde sáng lập, một cơ quan báo chí với 50 phóng viên, hoạt động có lãi với 150.000 người dùng trả phí. De Correspondent cũng thành công tại Hà Lan và đang lập kế hoạch tiến sang thị trường Mỹ. Tại Italy, cả hai tờ Corriere della Sera và La Repubblica đều đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng người trả phí qua từng năm dù rằng đây là thị trường mà độc giả có thói quen mua tại quầy báo.

Mô hình thu phí kiểm soát việc tiếp cận nội dung là một cách. Một số cơ quan báo chí khác thì đi theo mô hình thành viên. Từ The Guardian ở Anh cho đến Berkeleysides ở California (Mỹ) đều đang chứng minh có thể phát triển lành mạnh theo cách này. Hiện có hơn 800.000 người đóng góp tài chính ủng hộ The Guardian.

Thực tế đã chứng minh rằng “làm báo tử tế” cũng sống được, tuy không dễ. Và chắc chắn kiểu làm báo câu khách khó tồn tại bởi nó không phải là thứ mà độc giả cần. Thực tế cũng chứng minh rằng sản xuất nội dung chất lượng cao để độc giả sẵn sàng chi tiền mới là mô hình phát triển bền vững.

Báo chí tại Việt Nam vẫn còn ngần ngại đi theo hướng tập trung vào nguồn thu từ độc giả. Dù rằng nhiều tờ báo in đang phải chứng kiến sự giảm sút về số lượng phát hành, kèm theo đó là sự giảm sút về doanh thu quảng cáo, thậm chí nhiều đài truyền hình một thời dư thừa tài chính thì nay cũng gặp không ít khó khăn, nhưng không ít cơ quan báo chí chưa tin tưởng vào mô hình kinh doanh này. Đương nhiên, nguồn thu quảng cáo từ digital thì quá ít, chưa kể việc chạy theo lượng truy cập làm giảm đáng kể chất lượng của báo chí. Không phải điều ngạc nhiên khi nhiều báo mặc “đồng phục thông tin” mỗi khi có một sự kiện gây chú ý, và rất thiếu vắng những nội dung độc quyền, chuyên sâu đòi hỏi tốn nhiều công sức.

Thực tế đã chứng minh rằng “làm báo tử tế” cũng sống được, tuy không dễ. Và chắc chắn kiểu làm báo câu khách khó tồn tại bởi nó không phải là thứ mà độc giả cần. Thực tế cũng chứng minh rằng sản xuất nội dung chất lượng cao để độc giả sẵn sàng chi tiền mới là mô hình phát triển bền vững.

Trong khi đó, chúng ta cần những nhà báo có thể trả lời câu hỏi: tại sao tôi làm báo? Tôi làm báo vì muốn học và hiểu biết và vì có những câu chuyện (tối tăm hoặc tươi sáng) cần được nói tới. Những câu chuyện này dạy cho chúng ta và nói cho chúng ta biết về xã hội, về những cá nhân, giúp chúng ta hiểu thế giới và hiểu bản thân mình, khơi dậy niềm hạnh phúc và lột tả nỗi buồn, đánh thức sự căm phẫn hoặc lòng trắc ẩn của chúng ta. Những câu chuyện đó như những tấm gương phản ánh tiếng nói tập thể hoặc cá nhân về những giấc mơ của chúng ta, và xã hội cần những câu chuyện đó vì nó khiến chúng ta nhân văn hơn.

Chúng ta là nhà báo vì chúng ta tin tưởng rằng báo chí không chỉ là công cụ để đưa tin về thế giới xung quanh, mà còn góp phần làm thay đổi nó.

MỚI - NÓNG