Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Đỗ Viết Hiệu ở ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, TP Long Khánh đã đầu tư mô hình chăn nuôi dê hiệu quả |
“Điểm tựa” cho người nghèo
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc ở ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Bà Ngọc cho biết, trước đây, gia đình bà từng có cuộc sống rất ổn định nhưng chẳng may trong gia đình xảy ra chuyện và đã trở thành hộ nghèo. Cụ thể, năm 2014, chồng của bà Ngọc bị bệnh hiểm nghèo, bà phải bán toàn bộ đất đai, tài sản quý giá trong gia đình để chữa bệnh cho chồng với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhưng rồi chồng đã không qua khỏi, còn bà trở thành “kẻ trắng tay”.
Được xếp vào diện hộ nghèo, năm 2017, địa phương đã hỗ trợ cho bà Ngọc 2 con bò giống, sau đó tiếp tục hỗ trợ thêm 5 con dê giống. Ngoài ra, bà còn được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH để làm chuồng trại chăn nuôi. Nhờ chăm sóc kỹ, bò và dê của bà đều khỏe mạnh, phát triển và sinh sản tạo thành đàn.
Biết tính toán làm ăn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, bà Ngọc đã thoát nghèo bền vững từ năm 2019 cho đến nay đã được hơn 3 năm. Hiện gia đình đang sở hữu đàn dê, bò với tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng. Nguồn vốn chính sách đã giúp bà có điều kiện phát triển kinh tế và lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Cả 2 người con hiện đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và đều có việc làm ổn định.
“Cuộc sống của gia đình tôi đã vươn lên tốt đẹp, các con cũng đã ăn học thành đạt. Tôi cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại và rất cảm ơn các cấp lãnh đạo, ban, ngành, chính quyền đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình vượt lên khó khăn để có cuộc sống như hôm nay”, bà Ngọc tâm sự.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tích ở Bảo Vinh A, phường Bảo Vinh cũng là một điển hình vượt khó vươn lên nhờ nguồn vốn từ NHCSXH. Trước đây, vợ chồng ông Tích thuộc diện hộ nghèo, việc làm không ổn định, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Năm 2013, ông được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư mua máy may công nghiệp gia công giày dép tại nhà. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đầu ra của sản phẩm ổn định đã giúp gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững từ năm 2017 đến nay.
Năm 2021, gia đình ông Tích tiếp tục được NHCSXH cho vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư mua thêm máy móc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhờ làm ăn có uy tín, khách tìm đến tiệm ngày càng đông, công việc của hai vợ chồng cũng “ăn nên làm ra” với tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Không chỉ làm lợi cho gia đình, cơ sở gia công giày, dép của ông Tích còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Luôn đồng hành cùng người dân
Từng là hộ nghèo, phải ở nhà tình thương, ông Đỗ Viết Hiệu ở ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang đã nỗ lực làm ăn để vươn lên và trở thành hộ có kinh tế khá giả ở địa phương. Gia đình có điều kiện đầu tư xây sửa nhà cửa rộng rãi, khang trang; mua sắm nhiều tiện nghi, đồ dùng có giá trị trong nhà (xe máy, ti vi, tủ lạnh…) và lo cho con cái ăn học đầy đủ.
Ông Hiệu chia sẻ, trước đây, vợ chồng ông không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy, thu nhập “bữa đực bữa cái” và được xếp vào diện hộ nghèo. Năm 2012, gia đình được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH để làm ăn. Ông Hiệu đã dùng số vốn đầu tư làm chuồng và mua 1 cặp dê giống về nuôi để sinh sản nhân đàn. Bên cạnh đó, ông còn mua bán dê giống và thu mua dê thịt để kiếm thêm thu nhập. Nhờ làm ăn hiệu quả đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ngày càng ổn định và nhanh chóng vươn lên thoát nghèo vào năm 2014.
Lúc bấy giờ, mô hình nuôi dê đang phát triển mạnh ở địa phương. Ông Hiệu mạnh dạn đề nghị NHCSXH tiếp tục cho vay 2 lần với tổng số vốn 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng trang trại với mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng. “Trời không phụ lòng người”, hiện đàn dê của gia đình đang phát triển khỏe mạnh, số lượng dê đã tăng lên 70 con lớn nhỏ. Nguồn thu nhập của gia đình từ nuôi dê giống và mua bán dê thịt mang lại khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn làm thêm nhiều việc khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Kinh tế gia đình nhờ đó phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.
Giám đốc NHCSXH TP Long Khánh Nguyễn Trung Thành cho biết: Trong những năm qua, đơn vị đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Phương châm hoạt động của ngân hàng là không để người nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay không được tiếp cận vốn. Từ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% phường, xã trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Trong thời gian qua, việc triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tổng doanh số cho vay đến nay đạt hơn 800 tỷ đồng với hơn 49.800 lượt hộ vay vốn, bình quân doanh số cho vay hơn 40 tỷ đồng/năm. Qua đó đã góp phần giúp cho trên 7.000 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 10.800 lao động; giúp cho hơn 15.700 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo gần 12.900 công trình nước sạch và hơn 12.900 công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn…
Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH đã giúp cho nhiều hộ có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Nếu như giai đoạn 2001 - 2005 toàn TP Long Khánh có hơn 4.500 hộ nghèo (chiếm trên 10,44% hộ dân cư) thì hiện thành phố chỉ còn 34 hộ nghèo A (chiếm 0,19%) và hộ cận nghèo còn 190 hộ (chiếm 0,45%).
Những kết quả đạt được là động lực để NHCSXH TP Long Khánh tiếp tục củng cố và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, xây dựng ngân hàng ngày càng gắn bó mật thiết với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển đi lên của đất nước.