Thoát chết kỳ diệu

Thoát chết kỳ diệu
TP - “Vừa mở mắt đã thấy lửa cháy ngùn ngụt xung quanh, anh em trên tàu hoảng loạn tìm cách thoát thân. Nếu đứng lại trong vài giây sẽ bị ngọn lửa thiêu đốt nhưng để lên được boong tàu phải vượt qua ngọn lửa đang cháy rừng rực”.

> Thủy thủ trên tàu cá Hàn gặp nạn về tới Việt Nam

Thuyền viên Nguyễn Chí Công nhớ lại diễn biến vụ cháy tàu Jung Woo2 của Hàn Quốc tối 11-1 trên vùng biển Nam Cực.

Mẹ con thuyền viên Nguyễn Chí Công trong niềm vui ngày trở về
Mẹ con thuyền viên Nguyễn Chí Công trong niềm vui ngày trở về .

Những ngày đầu năm, chúng tôi về lại xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - địa phương có hai thuyền viên Đặng Ngọc Quảng và Nguyễn Chí Công cùng bị nạn trên tàu Jung Woo2. Nhà Quảng và Công nằm cách nhau một khoảng vườn; cách đây ba tháng, hàng xóm mới từ vườn nhà Quảng sang nhà Công để chia vui khi biết hai anh em sắp xuất ngoại, đi trên một chiếc tàu. Thế mà giờ đây người còn, người nằm lại giữa biển khơi đầy băng giá.

Phải một hồi lâu, Công mới nhớ lại đầy đủ diễn biến đêm kinh hoàng 11-1. Theo thuyền viên Công, trên tàu Jung Woo2 có 40 thủy thủ, chủ yếu người Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc...?

Lịch trình đánh bắt của tàu thường kéo dài khoảng 3 tháng, sau đó cập cảng ở Urugoay. Trước khi vụ cháy xảy ra, toàn bộ thuyền viên trên tàu sung sướng nhận thông báo dừng việc đánh trước dự định 10 ngày để tàu vào bờ.

“Ba tháng trời lênh đênh trên biển, ai cũng mong tàu sớm vào bờ để gọi điện về cho người thân. Sau khi dọn dẹp đồ đạc trên tàu gọn gàng, toàn bộ thủy thủ được thuyền trưởng cho lên giường ngủ lấy sức”, Công nhớ lại.

Dọn tàu quá mệt nên vừa về phòng, mọi người lao vào giấc ngủ. Khi con tàu đang xé màn đêm hướng về đất nước Urugoay, bỗng tiếng hô cháy xé toạc màn đêm lạnh giá; mọi người hoảng loạn, hô hoán tìm lối thoát thân.

“Vừa mở mắt đã thấy lửa cháy ngùn ngụt xung quanh, anh em trên tàu hoảng loạn tìm cách thoát thân. Nếu đứng lại trong vài giây sẽ bị ngọn lửa thiêu đốt nhưng để lên được boong tàu phải vượt qua ngọn lửa đang cháy rừng rực”, thuyền viên Công nhớ lại.

Sự sống và cái chết chỉ tính bằng giây, hình ảnh người mẹ nghèo ở quê hiện lên trong đầu Công, chết cũng phải để mẹ thấy được xác. Hai tay ôm đầu, Công lao về phía cửa thoát, nơi ngọn lửa đang đỏ rực. Vừa lao qua cánh cửa, Công ngã dúi dụi xuống sàn, chân, tay bắt lửa cháy theo. Dồn hết sức lực còn lại, Công trườn về phía boong - nơi có một chiếc can đựng nước - đẩy đổ cho nước tràn ra rồi dúi chân, tay về phía miệng can. Đúng lúc này, các thuyền viên khác nhìn thấy lao tới dập lửa cho Công.

Nỗi buồn ngày hồi hương

Thoát khỏi ngọn lửa, Công và các thuyền viên khác được đưa xuống một chiếc phao cứu sinh. Bao nhiêu quần áo trên phao được cuộn lại bọc vết thương cho các thuyền viên bị nạn. Dưới cái lạnh -150C cùng dòng nước mặn chát, bàn chân và cánh tay bị cháy của Công như có một ngọn lửa khác đang thiêu cháy thêm từng thớ thịt.

“Mình đau nhưng nghĩ lại các bạn tàu chưa tìm thấy và những người khác bị thương nặng hơn nên cố cắn răng chịu đựng”, Công nói. Vết thương Công càng nhói đau khi anh nhận được tin từ các thuyền viên có ba người Việt Nam mất tích, trong đó có người anh cùng quê Đặng Ngọc Quảng.

Ba thuyền viên bị thương trên tàu Jung Woo 2 gồm: Trần Văn Ngoan (SN 1991, trú thôn Vĩnh Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Ngô Văn Sĩ (SN 1978, trú xóm 8, Tây Hà, Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Nguyễn Chí Công (SN 1989, trú thôn Tây Sơn, Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Người tử nạn là anh Đặng Ngọc Quảng (SN 1985, trú xã Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Trên chiếc phao cứu sinh nhỏ bé trôi dạt giữa biển cả mênh mông, Công và các thuyền viên khác không nghĩ mình sẽ được cứu sống. Mọi người thay nhau gắng chèo thật mạnh để lái phao tránh những khối băng. Sau hơn bốn giờ trôi dạt, họ được cứu sống. “Hơn một giờ trước khi đi ngủ, hai anh em còn hẹn nhau vào bờ cùng nhau đi gọi điện thoại về nhà. Ấy thế mà ngọn lửa…“, Công bật khóc.

“Quảng hơn Công 4 tuổi, sống cạnh nhà nhau, cùng chung hoàn cảnh nghèo khổ, biết được hai anh em đi cùng tàu nên người thân ở quê ai cũng mừng rỡ. Sang đến nơi, hai anh em xin thuyền trưởng cho ở với nhau cùng phòng để anh em đỡ đần cho nhau. Ai ngờ giờ người còn, người mất thế này hả trời”, bà Nguyễn Thị Ơn, mẹ thuyền viên Công, bật khóc.

Từ khi trở về, lòng Công như xát muối khi ở phía bờ rào bên kia, trong nhà anh Quảng, tiếng mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con gọi bố ai oán, não nề. Theo bà Ơn, sợ mọi người nghe tin đến thăm Công làm gia đình Quảng buồn thêm, bà khuyên con trai ở trong nhà, ai đến thì mời vào trong buồng nói chuyện nhỏ nhẹ, tránh tiếng cười.

“Mong sao các thuyền viên mất tích sớm được tìm thấy để về với gia đình. Các cơ quan chức năng giúp đỡ các thuyền viên làm lại hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân và hỗ trợ một số tiền để các thuyền viên trả nợ ngân hàng”, Công tâm sự.

Chiều qua, chị Phạm Thị Ba, vợ của thuyền viên Ngô Văn Sỹ, trú tại xã Kỳ Hà, cho biết, anh Sỹ gọi điện về nói đã về đến Hà Nội nhưng đang ở lại công ty để lo thủ tục nên chưa thể về nhà được. “Cả đêm hôm qua gia đình em không ngủ được trông trời sáng nhanh lên để được đi đón anh về nhà, giờ mẹ con em đang mừng lắm”, chị Hà nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.