Không hiểu sao tiền bối Xuân Ba lại cho rằng tôi nhất thiết phải biết bà Thào Mỷ.
Khánh thành xong cây cầu ở xóm, xã Dân Chủ, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng lúc khoảng gần 10 giờ sáng là chúng tôi lên xe nhằm hướng các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm để hộc tốc chạy sang Mèo Vạc của Hà Giang, thậm chí không kịp uống chén nước. Tại một xã ở đó hơn 300 thầy cô và học sinh đang đợi chúng tôi để nhận bàn giao một khu nhà tắm cho một trường nội trú lúc 4 giờ chiều mà Google Map báo là để tới được đó sẽ phải tốn 5 tiếng rưỡi đồng hồ. Thành thử trên đường chúng tôi chỉ dừng lại ăn bát phở và vài lần cho cô bạn trên xe xuống đường cắt cơn nôn vì xe lắc quá.
Từ đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống sông Nho Quế, bà Thào Mỷ nhìn cảnh đẹp này và quyết định sống tiếp. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Khi chúng tôi thấy cái cột mốc lớn trong thị trấn đề “Mèo Vạc Km 0” thì cũng đồng thời thấy mấy cái bóng áo xanh. Xuống xe, siết chặt tay chàng trai được giới thiệu là Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang, cô gái - Bí thư Đoàn huyện Mèo Vạc và vài bạn khác xong là tôi vọt ngay tới cột mốc.
Bà Thào Mỷ. Ảnh: Internet |
Chụp xong vài cái ảnh, tôi đang xem dòng chữ đề ở chân cột mốc “Đường Hạnh Phúc Hà Giang - Mèo Vạc những số liệu lịch sử” thì nghe tiếng gọi tôi anh Xuân Ba với ngữ điệu khác thường: “Úi này, biết ai đây không? Cháu gái bà Thào Mỷ đấy”.
Tôi nhìn, thấy anh chỉ cô gái đang cùng đi tới. Chính là cô Bí thư Đoàn ban nãy.
Anh Xuân Ba chỉ nói có vậy. Không hiểu sao anh cho rằng tôi biết bà Thào Mỷ. Mà quả là tôi biết thật. Anh vừa dứt lời là tôi bật thốt lên “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi!”
Câu này tôi đọc trong hồi ký “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài ngót 30 năm trước. Đọc một lần. Và nhớ.
Trong cuốn hồi ký đầy những ngậm ngùi ấy, đoạn về bà Thào Mỷ là đoạn rưng rưng. Ngắn thôi, nhưng là thân phận buồn thảm một phụ nữ Mông vùng tột cao ngay cả khi đã vùng lên, đã vượt thoát khỏi chế độ cũ.
Sau đây là trích một phần (lớn) cái đoạn Tô Hoài viết về bà Thào Mỷ:
“Thào Mỷ bị ép lấy chồng từ thuở bé theo phong tục. Khi lớn, Thào Mỷ bỏ về nhà mình - một việc mà chưa người đàn bà Mèo nào dám làm. Trong chiến dịch tiễu phỉ 1954, Thào Mỷ đi dịch tiếng địa phương giúp bộ đội. Gặp Nguyên Ngọc lần ấy trên mặt trận. Cũng chưa có dịp nào hỏi xem cái truyện ngắn Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của Nguyên Ngọc có dây mơ rễ má với Thào Mỷ thế nào mà trong sổ tay công tác của Thào Mỷ, giữa một trang giấy thấy ghi một câu gọi thật lạ lùng: “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi”. Thào Mỷ hỏi thăm tôi về Nguyên Ngọc, về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Chắc là Thào Mỷ thầm yêu cả hai người một đam mê khác đời của Thào Mỷ, người cầm bút, người cầm đàn ấy đã gặp Thào Mỷ trong trận tiễu phỉ trên núi. Tôi bảo Thào Mỷ ạ, Nguyên Ngọc đương ở chiến trường miền Nam. Thì đôi mắt xanh nâu của người con gái đẹp im lặng…”
Rồi Tô Hoài kể chuyện Thào Mỷ cán bộ huyện Mèo Vạc yêu một chú cảnh vệ trẻ hơn chục tuổi nhưng không thành và bị tổ chức ngăn trở để tránh điều tiếng. Tiếp theo, ông viết: “Kể cả ngày Nguyễn Văn Bổng và tôi lên Mèo Vạc lần ấy, nhiều năm đã qua rồi. Thào Mỷ đã làm phó chủ tịch huyện, phụ trách văn xã. Không ngờ rồi gầy yếu đến thế. Có lẽ vốn người nhỏ nhắn, lại xưa kia khi chê chồng đã ăn lá ngón tự vẫn nhiều lần nhưng được giải độc, không chết. Thào Mỷ đã có chồng. Tôi được tin mừng ấy từ lâu. Lại biết được người chồng ít tuổi hơn Thào Mỷ. Thoả lòng nhé. Nhưng nay mới tường mặt. Anh ấy người dân tộc Lô Lô, công nhân lâm trường, chưa biết chữ. Hôm đầu đến, không gặp. Anh lên quê trên Lũng Cú đã mấy hôm. Tôi hỏi: Hôm nào nó về?. Thào Mỷ sa nước mắt. Tôi không hỏi nữa.
Thị trấn Mèo Vạc nhìn từ trên đèo xuống. |
Đêm ấy, chúng tôi uống rượu ngô bằng những cái bát mắt vầu. Nhắm với thịt dê nước suýt thắng cố. Chảo thắng cố bắc giữa gian phòng ban văn xã của huyện. Cái đầu dê nổi lềnh bềnh, nước sôi lăn tăn xung quanh. Thào Mỷ uống rượu từng bát. Rồi khóc. Lại khóc. Khổ lắm. Nó đánh em. Đánh luôn, vừa đánh vừa chửi: tao đánh con mèo già, tao đánh phó chủ tịch huyện. Uỷ ban gọi nó lên. Nó xin chừa, nhưng rượu vào rồi, nó vẫn chửi thế, đánh thế. Biết làm thế nào bây giờ?”
Thào Mỷ là một cô gái Mông mồ côi, khi mới 13 tuổi bị mẹ nuôi bắt lấy đứa con trai mới có 7 tuổi của một kẻ có thế lực trong vùng. Tự tử nhiều lần không chết, sau cách mạng, cô là người phụ nữ Mông đầu tiên dám bỏ đi khỏi nhà chồng. Nguyên Ngọc khi đó tham gia trấn áp cuộc nổi loạn của bọn phản động trong người Mông ở vùng cao nguyên Đồng Văn đã gặp chị. Ông kể lại lần gặp đầu tiên khi Thào Mỷ vừa nhanh trí cắt dây chạy thoát về sau khi bị bọn phỉ bắt: “Chưa bao giờ tôi đứng trước một người con gái có sức thu hút mãnh liệt như vậy. Gọn gàng, nở nang, rắn rỏi mà mềm mại, đôi mắt hơi cười nhưng vẫn thấm đẫm một nỗi đau, một nỗi buồn tê tái nào đó cứ buộc mình phải đoán, phải cố tưởng tượng. Có một vẻ gì đó, ngay từ phút gặp đầu, vô cùng đắm đuối ở người con gái ấy”.
Thào Thu Nga hát “Bài ca trên núi”. Ảnh: Lê Xuân Sơn |
Vẻ đẹp ấy cộng với sự nhiệt tình, sự gần nhau của tuổi trẻ suốt một năm công tác cùng trên những cánh đồng đá mênh mông, trên những cung đường hút trên những tầng mây ở những bản làng cheo leo trên những đỉnh núi đã khiến quan hệ của họ như chính Nguyên Ngọc viết “là bạn, là đồng chí, là anh em, là gì ấy nữa… chính tôi và chị đều không biết”. Vẻ đẹp cùng các kỷ niệm ấy khiến Nguyên Ngọc phải viết khi 30 năm sau thực hiện chuyến trở lại Mèo Vạc: “Thôi thì đành thú nhận vậy. Tôi lặn lội gần 200 cây số Hà Nội - Tuyên Quang, rồi gần 400 cây số leo ngược mấy Cổng Trời, chính là để thầm mong gặp lại đúng cái điểm kỷ niệm xưa cũ long lanh ấy. Một miền đất có thể nào lắng sâu mãi trong lòng mình dẫu đã xa cách nghìn dặm và hằng mấy chục năm trường nếu ở đấy thiếu đi bóng dáng một người con gái không dễ quên. Mà Thào Mỹ thì chẳng hề là một người con gái bình thường chút nào, con người và số phận”.
Khi gặp lại thì Thào Mỷ, sau khi là phó Chủ tịch huyện, là cán bộ lãnh đạo phụ nữ tỉnh, từng có chân trong lãnh đạo Hội Phụ nữ Việt Nam, nghỉ chế độ đã trở thành một bà hàng nước nghèo ngay cổng Uỷ ban huyện. Hãy nghe nhà văn kể về những giây phút đầu cuộc gặp lại của họ: “Chúng tôi không nói được gì nữa. Thào Mỹ cúi xuống lục tìm mãi một vật gì đó trong cái thúng hàng lộn xộn, chắc là để giấu đi một nỗi niềm xúc động quá bất ngờ. Lâu lắm chị mới ngửng lên, gần như thì thào:– Vậy mà em nghe tin anh đã hy sinh rồi.Và chúng tôi lại ngồi im lặng. Đột nhiên chẳng còn có gì để nói với nhau cả. Tất cả vụt tan biến hết. Xuân Thiều và Ma Liễu ý tứ bỏ đi đâu đó. Tôi ngồi một mình cạnh Thào Mỹ, cách có vài gang tay, nhưng giữa chúng tôi là 30 năm dâu bể. Vậy mà người đàn bà ấy vẫn đẹp một cách lạ lùng. Tôi chưa thấy người đàn bà nào có thể đi qua 30 năm dằng dặc đau khổ trầm luân tưởng chừng nhẹ tênh đến vậy. Vẫn đôi mắt xanh nâu đắm đuối ấy, có bình tĩnh và chín chắn hơn, đương nhiên, nhưng ngọn lửa khát khao chừng không thể, không hề tắt. Vẫn gọn gàng nhanh nhẹn rắn chắc, có lẽ vẫn hệt ngày xưa, những ngày leo lên công tác Thào Trứ Lũng, Cán Trứ Phìn chót vót, Thào Mỹ đi trước, tôi theo sau, thấy chiếc váy lanh óng ánh của chị đong đưa theo nhịp bước và đôi bắp chân Mỹ nõn nà như hai cái ức trắng của đôi chim rừng lướt đi trong cỏ đá”.
Trước cuộc gặp lại, cũng như Tô Hoài từng nghe kể, Nguyên Ngọc cũng nghe kể: “Cuối cùng Thào Mỹ lấy một anh Lô Lô quê mãi Lũng Cú, trẻ hơn Mỹ cũng gần chục tuổi, không biết chữ. Cán bộ phụ nữ H'mông cấp huyện, tỉnh, Trung ương thì cũng là đàn bà H'mông thôi. Chiều chồng hết mực, còng lưng lo cho nó cái ăn, lo cho nó cái rượu uống, nó say rượu nằm thượt ra giữa đường núi đá nắng chang chang thì ngồi đó cầm ô che cho nó suốt ngày, đến tận khuya, nó hơi tỉnh dậy thì dìu, thì cõng nó về nhà. Nó đánh Thào Mỹ như đánh một con chó, mặt mày rách nát, ngực bê bết máu, nó chửi "cái con Mèo già, cút mẹ mày đi!" Vẫn yêu thương, vẫn nâng niu, vẫn chăm nó như con...”
Nhưng có điều Nguyên Ngọc thấy dường như bà Thào Mỷ có được hạnh phúc. Cảm nhận ấy là qua câu chuyện của Thào Mỷ khi nhắc đến người chồng đã chết một năm trước. “Tôi ngạc nhiên. Người chồng Lô Lô, trẻ hơn Mỹ đến gần chục tuổi, đã đánh đập hành hạ chị tàn bạo, đã gọi chị là "Con Mèo già, cút đi!", vậy mà chị nói về anh với biết bao thương yêu. Chị đã có hạnh phúc thật sự chăng? Một chút hạnh phúc bắt được giữa cuộc đời xáo động. Hay là một cố gắng tuyệt vọng để níu lấy một bóng dáng hạnh phúc do chính chị tưởng tượng ra?
Không, Thào Mỹ đã có hạnh phúc thật. Nhìn đứa con trai và cô con dâu chị thì biết và tin. Cậu con trai đẹp quá chừng, đôi mắt xanh nâu tinh anh đằm thắm của mẹ, cái vạm vỡ tự tin táo bạo chắc là của cha. Và sự chắt lọc pha trộn của hai dòng máu, để làm nên cái tác phẩm kỳ diệu này”.
Chắc không cần nói thêm nữa về bà Thào Mỷ. Chỉ thêm một chút rằng cái câu như tiếng gọi, tiếng kêu “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi” ấy là từ tên truyện ngắn “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” mà Nguyên Ngọc viết trong thời gian công tác cùng Thào Mỹ và nhân vật chính trong đó cũng là Thào Mỹ.
Bây giờ trước mặt tôi là Thào Thu Nga - cháu gái ruột của bà Thào Mỷ. Một phụ nữ trẻ, đẹp, hiện đại, đeo kính trắng, thủ lĩnh Đoàn của một huyện vùng cao nổi tiếng.
Cô là người sẽ dẫn chương trình cho lễ bàn giao nhà tắm cho một trường học mà chúng tôi làm theo bức thư nhờ của một thầy giáo ở đây gửi cho báo Tiền Phong.
Cô sẽ hát “Bài ca trên núi” cho chúng tôi nghe trong bữa ăn tối rất vui trong thị trấn. Cô cũng sẽ giới thiệu với tôi người đàn ông trẻ chồng cô - một người trai quê cha làng lụa Hà Đông, quê mẹ đất quan họ Kinh Bắc vì quá mê cô gái Lô Lô có pha 1/4 dòng máu Mông xuống học Đại học Văn hóa mà bỏ hết để theo lên làm rể đã mười mấy năm ở vùng cao nguyên đá xa xôi này.
Tôi cũng sẽ đi chơi cùng vợ chồng Nga - Ba tới cuộc vui mừng sinh nhật của chính Nga và mấy thủ lĩnh Đoàn của huyện có sinh nhật vào quý 3. Hát và đọc gần 10 bài để vừa tặng họ vừa để tránh bị say sau vài lần bị đổ đầy miệng rượu…
Hôm sau rời Mèo Vạc lúc 5 rưỡi sáng để lại vào một vòng quay hoạt động mới, khi dừng lại trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng - đệ nhất hùng viu (view) của cả nước Nam ta, tôi đã nhớ đến cái cảnh bà Thào Mỹ khi mới là cô bé 13-14, bị ép lấy thằng trẻ ranh mới lên 7 làm chồng đã quyết định chết, nhưng không hiểu sao lại đi lên đỉnh Mã Pí Lèng này, nhìn xuống con sông Nho Quế xanh như dải lụa nằm hút sâu nghìn mét dưới kia bèn quyết định không chết nữa. Chết làm sao được khi núi sông đẹp thế.
Nguyên Ngọc kể như vậy trong cái bút ký như bài thơ vạn chữ ông viết cách đây 30 năm sau khi trở lại Mèo Vạc thăm chốn xưa và tìm bà Thào Mỹ. Giờ thì bà Thào Mỹ đã trở thành người thiên cổ.
Mèo Vạc - một thoáng thế thôi, nhưng hình như rồi tôi sẽ phải trở lại, để biết kỹ hơn, rõ hơn về đất này, người này và viết một cái gì đó kỹ hơn. Chuyện mới thoáng thôi mà cảm xúc đã quá đầy.
----
Tên nhân vật viết theo hai cách “Thào Mỷ” như Tô Hoài và hầu hết các tài liệu tra cứu được và “Thào Mỹ” theo cách viết của Nguyên Ngọc. Chúng tôi dùng cả hai cách, phù hợp với những đoạn liên quan. (TG)