Cụ thể với trường hợp Sabeco, Habeco, Vinamilk, theo ông Tiến, đây là những món hàng “hot”, nên việc thoái vốn phải đảm bảo lộ trình để ổn định thị trường, nếu không các nhà đầu tư sẽ quay lưng với cổ phần các DN nhà nước khác. “Những DN lớn phải thoái vốn có lộ trình, không thể cùng bung tất cả ra, vì năng lực thị trường tài chính Việt Nam chưa thể hấp thụ được hết”, ông Tiến nói. Như Vinamilk, nếu bán hết vốn nhà nước trong một lần sẽ có người mua ngay, nhưng phải vừa bán vừa thăm dò thị trường, nên bán mỗi lần một ít. Trong khi, theo thông lệ quốc tế, việc thoái vốn nhà nước phải chào thầu quốc tế, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều bình đẳng.
Ông Tiến dẫn chứng trường hợp SCIC chào bán 9% vốn tại Vinamilk cuối năm 2016, thời gian quảng bá hơn 3 tháng, mời nhà đầu tư trong nước tham gia, nhưng cuối cùng vẫn không nhà đầu tư Việt Nam nào tham gia được, do số vốn lớn. “Có thể thấy tiềm lực nhà đầu tư Việt Nam không lớn. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài họ không nhằm vào giá bán, mà muốn là thị trường Việt Nam và triển vọng tương lai. Như Vinamilk, nếu bán thêm nhà đầu tư Thái vẫn sẵn sàng mua tiếp”, ông Tiến đánh giá. Vị này cũng cho rằng, phải thoái vốn nhà nước để các DN tư nhân trong nước có cơ hội lớn lên. Sau đó, DN tư nhân mới có tiền hấp thụ cổ phần nhà nước bán ra, còn giờ đâu đâu cũng thấy DN nhà nước, không còn đất cho DN tư nhân phát triển.
Tỷ phú Thái mạnh tay chi
Phiên đấu giá cổ phần nhà nước tại Tổng Cty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ngày 18/12 kết thúc với hơn 109,9 nghìn tỷ đồng thu về. Với việc Công ty TNHH Vietnam Beverage và một nhà đầu tư cá nhân mua trọn 53,59% cổ phần nhà nước chào bán với mức giá đặt mua cao nhất 320.500 đồng/cổ phần, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã gián tiếp sở hữu thương hiệu lớn nhất ngành bia rượu Việt sau khi đặt chân sở hữu một phần Vinamilk.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, phiên đấu giá cổ phần Sabeco đã thành công với số tiền thu về cho Nhà nước là 109,9 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD. Tổng số lượng cổ phần chào bán cạnh tranh được bán cho nhà đầu tư là công ty con của tỷ phú Thái là Công ty TNHH Vietnam Beverage với số lượng 343.662.587 cổ phần, mức giá 320.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư cá nhân Ngô Vinh Hiển cũng mua 20.000 cổ phần với giá mua cao nhất 320.500 đồng/cổ phần.
Tổ chức đặt mua trọn lô 53,59% cổ phần Sabeco mà không bị giới hạn room Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty gây xôn xao dư luận thời gian gần đây do mới thành lập tháng 10/2017 tại Hà Nội với vốn điều lệ 681 tỷ đồng). Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính.
Vietnam Beverage cũng chính là công ty gây chú ý dư luận do có tỷ lệ sở hữu khá rắc rối. Cụ thể, công ty này đang được Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Trong đó, một nhà đầu tư nước ngoài có tên Beerco Limited lại sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage, tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có trụ sở tại Hồng Kông – Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, với việc Công ty TNHH Vietnam Beverage mua thành công toàn bộ cổ phần nhà nước bán ra tại Sabeco trong ngày 18/12, đồng nghĩa tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã gián tiếp sở hữu và có quyền chi phối hoạt động của Sabeco. Tỷ phú này cũng thâu tóm thành công một thương hiệu có mạng lưới phân phối và hoạt động hiệu quả nhất trong ngành bia rượu tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài thương hiệu Sabeco, trước đó Tập đoàn Sản xuất đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) nằm dưới sự kiểm soát của ThaiBev và tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đã sở hữu hơn 16% cổ phần của Vinamilk và đang tiếp tục đăng ký mua thêm để tăng sở hữu. Đại diện F&N cũng đã đánh tiếng với đại diện của Vinamilk với việc sẵn sàng trả 4 tỷ USD để sở hữu số cổ phần nhà nước sẽ thoái tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam này.
Một thương vụ khác được tỷ phú Thái Lan thực hiện thành công tại Việt Nam gần đây chính là việc tập đoàn TCC Holdings (thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi) thâu tóm thành công Metro Cash & Carry Việt Nam với chuỗi 19 trung tâm thương mại hồi năm 2015 với số tiền hơn 710 triệu USD. Trong khi đó, một đơn vị thành viên khác của TCC Holdings là Berli Jucker cũng đã thâu tóm Phú Thái Group, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Ngoài ra, một số thương hiệu khác tại Việt Nam cũng thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Thái Lan phải kể đến như Khách sạn Melia Hà Nội (65% cổ phần) và chuỗi cửa hàng tiện lợi B’Mart.
Theo các chuyên gia về thương hiệu, sau phiên thoái vốn nhà nước đợt đầu tại Sabeco, việc giữ, hay phát triển thương hiệu theo hướng nào, phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp quản trị doanh nghiệp, mục đích đầu tư… của cổ đông nắm cổ phần chi phối, mà ở đây là công ty con thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái Lan. Trường hợp cổ đông nắm cổ phần chi phối đó nhằm mục đích đầu tư thì việc giữ thương hiệu dường như sẽ đơn giản hơn, nhưng nếu đó là một hãng bia nước ngoài thì vấn đề lại khác.
Ngoài khách sạn Melia, tỷ phú Thái còn thông qua Fraser&Neave (F&N) sở hữu nhiều bất động sản khác như cao ốc văn phòng Melinh Point Tower tại TPHCM (F&N hiện nắm 75% lợi ích của Me Linh Point Tower; 25% còn lại thuộc về Sabeco).