Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu QĐND VN, đến trưa ngày 30/3, lực lượng thợ lặn đã được triển khai tại vị trí tàu Hải Thành 26 gặp nạn.
Tại khu vực biển này, gió mạnh cấp 5, cấp 6; độ cao sóng từ 2 đến 3m nên đội thợ lặn chưa thể thực hiện việc lặn tiếp cận bên trong tàu Hải Thành 26 mà phải chờ thời tiết tốt lên.
Thân nhân túc trực ở cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III ngóng chờ tin tức 9 thuyền viên tàu Hải Thành 26 mất tích. Ảnh: Đ.Thanh.
Việc tìm kiếm các thuyền viên mất tích vẫn đang được tích cực triển khai với 6 tàu của lực lượng chức năng, 25 tàu cá ngư dân được chia thành 2 lực lượng, một lực lượng tìm những thuyền trôi dạt trên diện tích 325 hải lý. Lực lượng thợ lặn chuyên nghiệp được chia làm hai đội, một đội có nhiệm vụ vào bên trong khoang tàu tìm kiếm các thuyền viên mất tích mà theo nhận định của các cơ quan chức năng là có khả năng mắc kẹt trong khoang khi xảy ra tai nạn. Một đội khác sẽ thực hiện đóng các van dầu, kiểm tra kỹ thuật, chụp hình để làm cơ sở xác minh nguyên nhân vụ tai nạn.
Mỗi thợ lặn đều được trang bị camera và hình ảnh sẽ được truyền trực tiếp lên tàu chỉ huy để có các chỉ đạo kịp thời. Theo thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, đây là nhiệm vụ ưu tiên cấp bách phải thực hiện nhanh nhất, sớm nhất bằng mọi giá. "Trong chiều tối nay và ngày mai, thời tiết sẽ tốt lên, nhưng đến ngày 1/4 sẽ diễn biến xấu nên lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ phải chạy đua với thời gian, làm việc 24/24 giờ để tìm kiếm tung tích các thuyền viên", ông Tiến cho hay. Tuy nhiên, việc đưa các thợ lặn xuống biển vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh tình trạng bị sóng đánh, mắc kẹt trong tàu.
Trước đó, 14h30 ngày 29/3, tàu HQ 888 (Trần Đại Nghĩa) đã phát hiện được xác tàu Hải Thành 26 tại vị trí: 100 20’ 350 N; 1070 47’ 089 E, cách Vũng Tàu khoảng 46 hải lý, độ sâu trên 30m dưới đáy biển.