Kết quả khảo sát do Viện Pasteur TP.HCM (Bộ Y tế) thực hiện từ tháng 4-2017 đến tháng 8-2017 cho thấy 150/150 mẫu (100%) thịt gà, vịt, heo tươi bán ở chợ trên địa bàn TP.HCM và bốn tỉnh lân cận Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước nhiễm vi khuẩn E. coli vượt giới hạn cho phép.
Cơ quan quản lý đâu rồi?
Sau khi đọc được thông tin trên, bà Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) thốt lên: “Thịt thà là món ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Giờ đây cục thịt nào cũng nhiễm vi khuẩn nên ăn vô thấy lo lo”.Tương tự, ông Hùng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) lắc đầu: “Trời ơi, cơ quan quản lý TP.HCM đâu rồi mà để xảy ra thực trạng trên? Nhà tôi chắc hết dám ăn thịt gà, vịt, heo quá!”.Phân tích nguyên nhân thịt gà, vịt, heo tươi “dính” vi khuẩn E. coli, Viện Pasteur TP.HCM cho rằng chủ yếu là do điều kiện vệ sinh còn kém từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm đến nơi bày bán, chế biến thực phẩm.Ngoài ra, nguồn nước bị nhiễm khuẩn, sự vấy nhiễm vi khuẩn trong các công đoạn cắt tiết, nhổ lông… là những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm vi sinh.
TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết vi khuẩn E. coli sống ký sinh trong đường ruột gia súc, gia cầm. Do vậy, chỉ một ít chất có trong ruột gà, vịt, heo thải ra ngoài trong quá trình giết mổ thì E. coli sẽ nhiễm qua thịt. “E. coli còn hiện diện trong đất, nước… Vì vậy, giết mổ gia súc, gia cầm trên sàn nhà, sử dụng nguồn nước không đảm bảo thì nguy cơ thịt gà, vịt, heo nhiễm E. coli chắc chắn xảy ra” - TS Đồng khẳng định.“Tuy nhiên, vi khuẩn E. coli bị tiêu diệt ở nhiệt độ nóng. Do vậy, thịt gà, vịt, heo cần nấu thật chín để đảm bảo an toàn. Hạn chế ăn thịt tái” - TS Đồng khuyên
“Siết” hoạt động giết mổ và kinh doanh trong chợ
“Số liệu khảo sát thịt tươi kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TP.HCM nhiễm vi khuẩn E. coli do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện rất đáng quý. Từ số liệu này, chúng tôi đánh giá được nguy cơ để tập trung xử lý” - PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, chia sẻ.
Theo bà Lan, Sở NN&PTNT TP.HCM hiện quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, quận, huyện quản lý các chợ truyền thống. “Từ những nguyên nhân gây ra tình trạng thịt tươi nhiễm E. coli do Viện Pasteur TP.HCM phân tích, cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt hơn nữa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt tươi trong các chợ” - bà Lan nêu quan điểm.
“Hơn lúc nào hết, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp. Bên cạnh đó, những điểm kinh doanh thực phẩm trong các chợ truyền thống nói chung và thịt tươi sống nói riêng sớm được quận, huyện thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng sẽ tăng cường lấy mẫu thịt kinh doanh trên địa bàn xét nghiệm và xử phạt đúng quy định” - bà Lan cho biết.
Đề cập việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo, bà Lan cho rằng mặc dù Sở Công Thương TP.HCM cầm trịch đề án nói trên nhưng sở này không đủ người thực hiện.
“Do vậy, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND TP giao đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo cho ban. Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng đề xuất lắp đặt hệ thống camera ở tất cả cơ sở giết mổ có thịt heo, gà đưa vào TP.HCM tiêu thụ (kể cả cơ sở giết mổ ở tỉnh). Điều quan trọng không chỉ cơ quan thú y, ngay cả Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng phải xem được hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở qua hệ thống camera” - bà Lan nói.
Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật được xem là một trong những nguồn tiềm ẩn chứa các vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm, trong đó có E. coli.
Một số chủng E. coli sinh độc tố có khả năng gây tiêu chảy và các bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu.