Thịt cóc có thực bổ dưỡng?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nhiều người cứ rỉ tai nhau về cái sự quý hiếm và bổ dưỡng của thịt cóc. Nhưng nó bổ dưỡng như thế nào, hiếm ra sao thì mấy ai đã biết?

Chất độc từ một con cóc có thể giết chết 4-5 người khỏe mạnh.

Trong Đông y, thịt cóc được dùng dưới dạng một vị thuốc có tên gọi Thiềm thừ, khi phơi hay sấy khô thì được gọi là Can thiềm; nhựa (chất độc có trên da cóc) gọi là Thiềm tô cũng là một vị thuốc. Ngoài ra, một số tài liệu Đông y còn xem thịt cóc là nguồn dinh dưỡng quý để chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em và người gầy yếu.

Nhưng BS. Nguyễn Thị Kim Hưng (Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM) cho biết hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh về công dụng của thịt cóc. Còn về dinh dưỡng, dù thịt cóc có nhiều đạm thật, nhưng nó cũng không cao hơn thịt gà là bao trong khi hàm lượng kẽm thì thua xa các loại hải sản, hàm lượng sắt thì thua gan, tỳ…

Hơn nữa, vì thịt cóc không an toàn khi chất độc có trong nọc và da cóc được xếp vào loại độc dược nhóm I (nhóm độc nhất), nên chúng ta chỉ nên dùng thịt cóc như loại thuốc chữa một số bệnh chứ không nên xem cóc là một loại thực phẩm.

Thịt cóc chữa bệnh

- Chữa hen: Thịt cóc tán mịn thành bột uống hoặc thịt cóc kết hợp với trứng gà sẽ chữa được bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ hoặc những người mắc bệnh hen mãn tính.

- Chữa viêm đường ruột: Thịt cóc kết hợp với phèn chua, sa nhân, cam thảo và đậu xanh. Các loại vị thuốc thì nấu lên thành nước uống kết hợp sẽ chữa được các bệnh về đường ruột, tiêu hóa.

- Chữa suy dinh dưỡng: Thịt cóc kết hợp với gạo nếp nấu lên cho trẻ con ăn sẽ chữa được bệnh suy dinh dưỡng, một cách đơn giản hơn là làm thịt cóc thành ruốc cho trẻ ăn kết hợp.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà chuyên môn thì ở bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý kết hợp thịt cóc với các vị thuốc một cách lung tung sẽ gây những hiệu quả ngược, thậm chí gây tử vong.

Nguy cơ ngộ độc khá cao

Gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng có đưa tin về một số trường hợp bệnh nhân vì ăn thịt cóc mà bị tử vong hoặc ngộ độc nặng. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng cho biết: ở gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh của cóc có chứa rất nhiều bufalotoxin-là một chất cực độc có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.

Các chất độc của cóc khi xâm nhập vào cơ thể người qua tiếp xúc ở da, niêm mạc hoặc ăn vào đường tiêu hóa sẽ gây nên tình trạng nhiễm độc rối loạn nhịp tim rất nặng, có thể dẫn đến ngừng tim và đây chính là nguyên nhân gây chết người. Ngộ độc cóc là một loại cấp cứu nặng, nếu không xử lý kịp, bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh, thậm chí chỉ trong vòng một giờ đồng hồ.

Ứng phó khi bị nhiễm độc

Tùy theo từng trường hợp mà chúng ta có hướng xử lý khi bị nhiễm độc từ cóc. Nếu da ở tay, chân, niêm mạc mắt, miệng… dính độc tố từ da cóc, bạn cần nhanh chóng rửa kỹ vùng tiếp xúc này nhiều lần bằng nước sạch.

Nếu vùng da, niêm mạc có cảm giác rát nóng, bỏng hoặc sưng phồng lên thì nên đưa ngay bệnh nhân đi bệnh viện. Nếu để chất độc của cóc dính vào mắt, có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc bị mù.

Nếu ăn phải các thức ăn được chế biến từ thịt cóc có dính độc tố, các biểu hiện ngộ độc sẽ xuất hiện trong vòng 15-30 phút như chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, nôn mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp; tiếp đến là loạn nhịp tim, co thắt cơ tim...

Bệnh nhân cần được cấp cứu lập tức, truyền dịch, dùng thuốc chống loạn nhịp, thậm chí phải sốc điện, dùng máy tạo nhịp và theo dõi nhịp tim liên tục cần phải nhanh chóng kích thích cho bệnh nhân nôn ói và mửa nhiều càng sớm càng tốt, sau đó đưa ngay vào bệnh viện để được các bác sĩ điều trị kịp thời.

Lời khuyên

Hiện nay trên thị trường có các nguồn thực phẩm phong phú cung cấp rất nhiều chất đạm, chất khoáng từ các loại động vật như: thịt gà, thịt bò, thịt heo, các loại thủy hải sản như: tôm, cua, cá… Đối với trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người cao tuổi... cần phải cân nhắc, lựa chọn, sử dụng loại thực phẩm bảo đảm sự an toàn.

Ngoài ra, để đề phòng bị ngộ độc do ăn các loại thực phẩm được chế biến từ cóc có thể dẫn đến tử vong, tốt nhất là mọi người không ăn thịt cóc và các loại thực phẩm được chế biến từ cóc…


BS. Nguyễn Thị Kim Hưng

Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG