Thiếu sân chơi, trẻ nông thôn vùi đầu cày game

TP - Dịp hè, nếu trẻ em thành phố có nhiều sân chơi khiến cha mẹ phải đau đầu chọn cho con thì tại vùng nông thôn, các em đang thiếu những sân chơi an toàn. Đó là một trong những lý do khiến nhiều trẻ em nông thôn dành trọn thời gian nghỉ hè cho game online.

Tranh thủ cày game dịp hè

Qua khảo sát của phóng viên, hầu hết các quán điện tử tại một số vùng nông thôn đều có mặt của các game thủ nhí. Bước vào một quán điện tử ngay cạnh Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc), mùi thuốc lá đặc quánh. Người thua văng  tục không ngớt, còn kẻ thắng đập bàn để ăn mừng.

Nhìn phù hiệu, tôi biết cậu học sinh ngồi cạnh tên là Trần Văn K., đang học tại một trường THCS. “Em chơi được lâu chưa?”, “Từ sáng sớm đến giờ em đánh với bạn cả gần trăm trận rồi, nhưng càng đánh lại càng thua”. Dứt lời, một người bạn cùng trường nói với K.: “Mất lính rồi, tao cho mày chết”. K. đáp: “Mày mời lại tao đi, gọi lại đi”. 

Những tiếng nói vẫn còn chưa thoát được chất giọng của trẻ con liên tục vang lên lanh lảnh, đáp nhau để cùng “đánh trận”. Thỉnh thoảng K. và bạn lại xả những lời tục tĩu với nhau. Trong khi đánh game, K. còn dùng những cử chỉ, ngôn ngữ riêng chuyên nghiệp để ám hiệu cho những bạn cùng chơi. Lúc sau, một thanh niên hơn tuổi bước lại gần K., tay cầm điếu thuốc lá, rít một hơi và nhả thẳng vào mặt K. một luồng khói đặc xịt. Như hiểu ý nhau, K. cũng mượn điếu thuốc và rít, sau đó ho sặc sụa.

Thiếu sân chơi, trẻ nông thôn vùi đầu cày game ảnh 1

Trần Văn K. (mặc áo có phù hiệu) là khách ruột tại quán game.

Anh Nguyễn Văn C., chủ quán điện tử cho biết, đây là những khách quen của quán. “Những ngày nghỉ hè bọn trẻ đến chơi nhiều hơn. Đứa nào đến đây chơi cũng phải ngồi vài tiếng mới chịu về. Tính đến giờ K. nợ quán cũng trên 300 nghìn đồng”, anh C. nói. Theo anh C., nếu nợ quá 500 nghìn đồng mà không trả thì sẽ có biện pháp xử lý riêng.

Tại xã Tam Quan (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), trong xóm ai cũng biết em T.Đ.T. (học sinh lớp 6) nghiện game. “gia đình T. khó khăn. Bố mẹ đều làm phụ hồ, đi cả ngày, tối mới về nhà. Nhiều lần, thấy bố T. phải nghỉ làm để đi tìm nó lôi về nhà đánh nhưng nhiều lần rồi T. vẫn không chừa”, bạn của T. nói.

Mẹ của T. cũng thừa nhận, T. chơi game từ khi học lớp 5 và nhiều lần tự ý lấy tiền của bố mẹ đi chơi. “Cả nhà phải đi làm nên không có nhiều thời gian quản lý con cái. Mấy ngày nghỉ hè này nó lại đổ đốn hơn. Đã nhiều lần bắt viết bản kiểm điểm, xin lỗi bố mẹ, thậm chí cả đòn roi những không chừa. Chơi điện tử nhiều nên học hành sa sút, thầy cô thường xuyên gọi điện về nhà nhắc nhở. Vài tuần nữa là nó thi lại, nếu không qua thì sẽ bị lưu ban học lại lớp 6. Nhiều khi tôi thấy chán nản, bất lực vì con”, chị H., mẹ của T kể.

Sân chơi không đủ sức hút

Anh Trần Văn Hý, Bí thư Đoàn xã Đạo Trù (Tam Đảo, vĩnh Phúc), cho biết, hiện địa bàn ít chỗ vui chơi tập trung ổn định cho các em, bố mẹ không quản lý chặt chẽ nên các em dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Dịp nghỉ hè, các trường đều có giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, Đội cho học sinh về địa phương quản lý. Tuy nhiên, tại những vùng nông thôn thì việc tập hợp, tổ chức, tạo sân chơi cho các em nhiều khi còn đơn điệu, không đủ sức hút.

“Việc nghiện game có thể khiến các em bị đảo lộn sinh hoạt thường ngày. Các em luôn có cảm giác khó chịu khi không được lên mạng chơi game, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi game; mất khả năng làm những công việc bình thường hằng ngày hoặc mất khả năng kiểm soát hành vi” 

PGS Vũ Lệ Hoa

“Mặc dù mỗi dịp hè, xã đều tổ chức Hội trại hè cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, Hội trại chỉ diễn ra trong một tháng do đó không thể đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của rất nhiều em nhỏ. Ngoài ra, xã cũng tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm thu hút đoàn viên thanh niên. Nhưng do một phần là xã miền núi nên nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, tranh thủ dịp hè làm thêm giúp bố mẹ nên việc thu hút các em không dễ. Vì vậy, nhiều các em chưa thực sự hứng thú với các phong trào Đoàn, Đội”, anh Hý cho biết.

PGS Vũ Lệ Hoa, giảng viên khoa Tâm lý (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), cho rằng, độ tuổi trẻ nghiện game ngày càng có xu hướng giảm. Với những trò chơi điện tử, các em dễ dàng bị thu hút bởi những hình ảnh, âm thanh cuốn hút, những thử thách trong thế giới ảo, các em chọn game như một cách để giải tỏa sự bức xúc trong đời sống thông qua việc đánh nhau trong game ảo.

PGS Hoa cũng nhận định, trẻ nghiện game, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về cha mẹ, cha mẹ cần tác động nhằm thay đổi nhận thức cho con, phải đưa ra những kỷ luật rõ ràng và có tính răn đe cao. 

MỚI - NÓNG