Hiểm họa từ khu vui chơi công cộng
Thiếu vườn hoa, sân chơi là thực tế diễn ra nhiều năm nay tại các khu dân cư ở nội thành Hà Nội. Theo quy hoạch, các phường, xã đều có quỹ đất hợp lý để làm khu vui chơi cho trẻ em, nhưng theo khảo sát của PV, hầu hết các điểm vui chơi đều bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi giải trí cho người lớn và kinh doanh dịch vụ.
Điển hình là các khu tập thể Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tập thể ở Đội Cấn (quận Ba Đình)… và các khu đô thị mới như Mỹ Đình, Trung Hòa, Nhân Chính… Những khu vực từng là vườn hoa, sân chơi cho trẻ em giờ trở thành địa điểm buôn bán, kinh doanh dịch vụ (hàng ăn, cà phê, trà đá, thậm chí là họp chợ, làm bãi gửi xe…). Những sân chơi còn lại dành cho trẻ em của cả khu cư dân chỉ khoảng dăm chục mét vuông với dăm ba thứ đồ chơi cũ kỹ, hoen gỉ, không còn sử dụng được. Vì không có chỗ vui chơi, trẻ em liều ra lòng đường đá bóng, nô đùa, bất chấp hiểm nguy rình rập.
“Học sinh ở Hà Nội đang thiếu sân chơi trầm trọng. Toàn thành phố chính thức hiện mới chỉ có Cung thiếu nhi Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Ba Đình, Nhà thiếu nhi Sơn Tây và Nhà văn hóa Hà Đông là dành không gian, nguồn lực phục vụ thiếu nhi, học sinh sinh hoạt”.
Bà Dương Việt Hà, Giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội
Các khu vui chơi công cộng như Hồ Tây, Hồ Gươm, công viên Hòa Bình, Thống Nhất… được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn là điểm lý tưởng để trẻ em được vui chơi, giải trí. Nhưng ở đây cũng ẩn chứa không ít mối nguy hiểm cho trẻ.
Một lý do nữa khiến nhiều phụ huynh không muốn cho con em vào công viên vì thường xuyên chứng kiến cảnh nhiều cặp đôi ngồi ghế đá cạnh đường đi, nằm trên bãi cỏ tự nhiên ôm ấp, hôn hít, thậm chí sờ soạng ngay trước mặt các em nhỏ.
Cung không đủ cầu
Một địa chỉ quen thuộc thu hút học sinh, thanh thiếu nhi là Cung thiếu nhi Hà Nội. Với 50 môn học, CLB như: múa, hát, đàn piano, học võ, kỹ năng sống, công dân toàn cầu, ngoại ngữ, lập trình… nơi đây trở thành điểm đến của hàng nghìn học sinh có năng khiếu nhằm bồi dưỡng, rèn luyện đội tuyển hoặc học trải nghiệm đại trà. Tuy nhiên, tình hình trở nên căng thẳng khi năm nay Cung thiếu nhi Hà Nội vẫn trong giai đoạn sửa chữa, chưa thể đi vào hoạt động.
Bà Dương Việt Hà, Giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội cho biết, những năm trước dịp hè, Cung thiếu nhi Hà Nội đáp ứng được khoảng 15.000 lượt trẻ sinh hoạt, học tập tại các CLB. Theo bà Hà, cứ mỗi dịp hè, đơn vị cực kỳ căng thẳng vì cung không đáp ứng đủ cầu. Lượng đơn đăng ký vào học quá tải nhưng để đạt chất lượng, mỗi lớp, mỗi CLB đơn vị chỉ nhận hơn chục trẻ. Để nhiều trẻ được sinh hoạt, Cung thiếu nhi bố trí lịch học ra nhiều ca từ sáng đến tối.
“Năm nay, dù cơ sở vật chất không có nhưng không thể để trẻ chật vật đi tìm chỗ học, chỗ chơi nên Cung thiếu nhi cố gắng tận dụng các phòng có thể học được để trẻ sinh hoạt. Trong hè này, cố gắng lắm đơn vị cũng chỉ đáp ứng được khoảng 5.000 lượt trẻ đến tham gia sinh hoạt, học tập, chỉ bằng 1/3 so với năm trước”, bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, trong các cuộc họp, những người làm công tác chăm lo đời sống tinh thần cho thanh thiếu nhi đều đưa ra các kiến nghị tạo sân chơi cho trẻ. “Tuy nhiên, cái khó hiện nay là quỹ đất hạn hẹp, không xã hội hóa thì nguồn kinh phí cũng hạn hẹp”, bà Hà nói.
Bà Hoàng Thu Hồng, Quyền trưởng ban Đô thị Thành Đoàn Hà Nội cho biết, các sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Nhiều phường, khu dân cư, không có khu vui chơi cho trẻ hoặc có nhưng không đảm bảo về diện tích, trang thiết bị. Các quận thường dùng nhà văn hóa là điểm sinh hoạt, vui chơi cho trẻ em vào dịp hè. Nhưng đây đồng thời cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, nhiều đối tượng sử dụng hội họp, sinh hoạt tổ dân phố.
Phổ cập bơi cho học sinh tiểu học
Theo nhiều phụ huynh ở Hà Nội, dịp hè thường quan tâm vấn đề học kỹ năng sống, đặc biệt là cho trẻ đi học bơi. Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân chia sẻ, mục tiêu của Phòng GD&ĐT là hết kỳ nghỉ hè, 100% học sinh biết bơi. Đến thời điểm này, theo bài kiểm tra ban đầu đã có hơn 90% học sinh lớp 5 của quận đạt thành tích bơi 25m. Ông Hữu cho biết, khi bắt tay vào làm, Phòng GD&ĐT và các trường gặp nhiều khó khăn, chủ yếu thiếu bể bơi, bể bơi xa trường, một số phụ huynh không ủng hộ… Tuy nhiên, với quyết tâm phổ cập bơi cho học sinh lớp 5, dần mở rộng xuống các lớp dưới, đơn vị đã nghĩ ra nhiều giải pháp. Đơn vị liên hệ với tất cả các doanh nghiệp có bể bơi hỗ trợ về giá, tận dụng bể bơi của tổ chức Đoàn đóng trên địa bàn. Những trường xa thì đặt bể bơi thông minh. “Các bể bơi đều có huấn luyện viên, cứu hộ, y tế túc trực đảm bảo an toàn cho trẻ. Học phí học bơi cũng được quận hỗ trợ tới 30%. Vì thế, sau một thời gian ngắn, kết quả thu về khá mỹ mãn”, ông Hữu nói.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống đánh giá, triển khai dạy học bơi của quận Thanh Xuân là mô hình mới cần khuyến khích nhân rộng. Ông Thống cho biết, Sở sẽ đi thị sát, xem xét mô hình phối hợp với doanh nghiệp đưa bể bơi thông minh vào trường học. Nếu hợp lý sẽ cho nhân rộng mô hình ở các quận, huyện khác của thành phố.