Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: Chi nhánh cấp nước Sa Pa đang quản lý, vận hành nhà máy xử lý nước. Nhà máy khai thác tài nguyên nước tại 5 nguồn: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha.
Tuy nhiên, suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các nguồn nước tại Sa Pa cạn kiệt; ngoài Suối Hồ 2, 4 nguồn nước khác cạn đến mực nước chết, mức nước dưới 1m, không còn khả năng khai thác. Trước đó, Suối Hồ 2 có lượng nước tương đối lớn, nhưng thời gian gần đây, nhà máy không thể khai thác do 24 hộ dân thôn Suối Hồ chặn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Phong, nếu không có mưa từ giờ đến 30/4, lượng nước ở Sa Pa sẽ trở nên khan hiếm, không đủ đáp ứng cho khách du lịch về nghỉ lễ. Hiện nước sinh hoạt chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân bởi nguồn nước ngầm, giếng khoan vẫn đủ sinh hoạt tối thiếu.
Tuy nhiên đây lại là vấn đề lớn với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Sa Pa bởi sắp đến cao điểm lễ 30/4, 1/5. Huyện đã chỉ đạo, khuyến cáo các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ nếu không có giải pháp giữ nước, không đảm bảo kinh doanh phải dừng lại.
“Công ty lữ hành, đặt phòng, không đảm bảo được nguồn nước thì khuyến cáo nên dừng lại không đón khách. Bởi vì các cơ sở đầu tư bài bản, khách sạn lớn họ có bể trữ nước để phục vụ khách khi khô hạn.
Huyện giao công ty nước thông báo thường xuyên tình hình nước ở các nguồn để họ chủ động tích trữ nước phục vụ du khách. Dịp lễ sắp tới, nếu các cơ sở không đảm bảo nguồn nước không nên đón khách, bởi sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Sa Pa với du khách trong nước và quốc tế”, ông Phong nhấn mạnh.
Về lâu dài, Huyện phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh chọn một đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy nước từ vườn quốc gia. Dự kiến trong năm 2020, nhà máy này xây dựng xong và sẽ cung cấp nước đủ cho cả thị trấn Sapa và cả thị trấn Sapa mở rộng.
Đồng thời, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng trọt cây khác như ngô thay vì lúa để tiết kiệm lượng nước tưới tiêu.