Mẹ con L. tại bệnh viện tâm thần. |
Gái quê mắc bẫy bà hàng xóm “tốt bụng”
Em Nguyễn Thị L. (trú tại xã Đại Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là con gái đầu của một gia đình nông dân nghèo tại xã Đại Thành, gia đình nghèo nên L. sớm vất vả lo toan mưu sinh giúp bố mẹ.
Đầu năm 2011, L xin vào làm công nhân tại một công ty bánh kẹo ở Hưng Yên, thuê phòng cùng trọ với một cô bạn đồng hương cùng công ty tại xã Bạch Lam, huyện Mỹ Hào.
Tại đây, bà chủ tên Hằng luôn tỏ ra quan tâm đặc biệt đến L. Bà Hằng khoe có người quen làm công ty điện tử tại Quảng Ninh, có ý muốn giúp L. giới thiệu L. vào làm với mức lương cao, công việc nhẹ nhàng.
Một ngày, bà Hằng đưa L. đến công ty của người anh em theo lời bà, trên chuyến xe, sau một giấc ngủ dài, L. tỉnh dậy thì mới biết mình đang ở trên đất Trung Quốc. Khóc lóc, van xin, nài nỉ để xin được thả về nước, không được đồng ý mà ngược lại người ta lại nhốt em vào căn nhà tối cùng một số thiếu nữ Việt Nam khác.
Sau đó là chuỗi ngày dài bị ngược đãi, ép buộc lao động khổ cực từ sáng sớm đến tận khuya, không cho liên lạc với bất cứ ai, mọi hoạt động đều bị theo dõi kiểm soát gắt gao.
Ngày trở về và những nỗi ám ảnh trong bệnh viện tâm thần
Thấy con gái ngày càng ít liên lạc, tháng 9/2012, ông T. (bố L.). đã vay mượn tiền bạc, ra Hưng Yên thăm con gái, bà chủ trọ bảo là L. đã bỏ đi đâu từ vài tháng nay không biết ở đâu.
Thương thân con gái, không biết tung tích ở đâu và cũng không liên lạc được, hỏi bạn bè đồng hương cùng công ty thông tin về L. đều không ai biết. Ông T. quyết định thuê phòng trọ ở lại tìm con gái.
Bất ngờ, ông nhận được cuộc điện thoại lạ với nội dung: con gái ông đang ở Trung Quốc hưởng cuộc sống sung sướng, không phải lo lắng và cũng khuyên ông không phải tìm con gái nữa.
Sau cú điện thoại, ông T. hoảng hốt không biết phải làm gì và tìm con gái ở đâu ông đã liên lạc với cơ quan công an để trình báo vụ việc. Số điện thoại ông nhận được được xác định mã vùng của Trung Quốc.
Ngay sau đó, lực lượng Công an Mỹ Hào cử các chiến sỹ đến nơi L. thuê trọ để xác minh, điều tra. Nghe ngóng được thông tin Công an vào cuộc nên bà Hằng đã liên lạc với đầu mối tại Trung Quốc âm thầm đưa L. về nước.
Khác với tâm trạng vui vẻ và sung sướng vì được giải thoát. L. trở nên lầm lỳ, ít nói, không chịu gặp mọi người và cũng không ra khỏi nhà.
Khoảng đầu năm 2013, L. bắt đầu mắc chứng bệnh nói mê trong lúc ngủ và ngay cả trong lúc tỉnh khiến mọi người lo lắng. Tuy nhiên, càng về lâu thì càng nặng hơn. Gia đình phải đưa cháu ra bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để điều trị, nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Bà B. (mẹ em L.) kể, “Có nhiều lúc nó chui xuống gầm giường hét lên “Đừng bắt tôi, đừng bắt tôi”. Rồi không chịu ra cứ nằm trong đó, mãi sau đó em mới chui ra rồi ngồi co ro bên góc nhà. Có khi ngồi nói chuyện, khi nghe nói đến chữ phòng trọ, L. luôn miệng nói “không đi” rồi chửi bới, đập phá.…”.
Cô gái khỏe mạnh ngày nào với 49kg nhưng sau khi được giải thoát về nước đổ bệnh bây giờ chỉ còn chưa đây 38 kg. Gia đình cũng vay mượn và bán tất cả những gi đáng giá trong nhà để điều trị cho L. nhưng tình trạng cô bé vẫn không hề thuyên giảm.
Hiện gia đình em L. đang rất lo lắng trước tình trạng của L. trong khi đó gia cảnh cũng đang rơi vào cảnh hết sức khó khăn, túng quẫn vì trước đó đã nghèo, sau khi L. mắc bệnh lại càng khốn khó hơn.
Theo Ngô Toàn
Pháp luật Việt Nam