TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Trưởng Bộ môn Giải phẫu (Đại học Y Hà Nội), cho biết 10 năm trở lại đây, Bộ môn Giải phẫu nhận được hơn 10 xác hiến, người trẻ nhất 18 tuổi, người già nhất vừa qua tuổi 90, tên của họ được khắc trên tấm bảng đặt tại Viện Giải phẫu. Số lượng thi thể hiến cho y học ở phía Bắc chỉ bằng khoảng 10% so với số thi thể được hiến cho một số đơn vị tại TPHCM.
Tại TPHCM, việc tiếp nhận đơn thư hiến xác và nhận thi thể cũng như quan niệm của người dân thoáng hơn nên mỗi năm các trường như Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận từ 20-30 thi thể. Do thiếu nguồn này, Trường ĐH Y Hà Nội phải mượn thi thể từ các cơ sở này phục vụ học tập, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên nhà trường.
Người dân có thể liên hệ với số đường dây nóng của Bộ môn Giải phẫu, Trường ĐH Y Hà Nội: 0343.23.48.48 và trang web hienthithe.com để nhận được thông tin về đăng kí hiến xác.
“Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học. Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nền y tế phát triển, thi thể hiến đây được gọi là những “người thầy thầm lặng” đối với sinh viên y khoa”, TS Nghĩa chia sẻ. Theo tiêu chuẩn tốt nhất là 6 - 8 sinh viên học/xác, tuy nhiên thực tế hiện nay tại Hà Nội đang là 18-20 sinh viên học/thi thể, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập giải phẫu, thực hành của sinh viên.
Thầy trò trường ĐH Y Hà Nội tri ân những người hiến xác cho khoa học |
Theo các bác sĩ giải phẫu, thi thể được sử dụng trong đào tạo y khoa có hai loại chính là xác khô, được xử lí bằng hóa chất, thành phần chính là formol và xác tươi - bảo quản bằng hệ thống tủ lạnh và tủ rã đông. Xác khô là “học cụ” cung cấp kiến thức về cấu trúc cơ thể người, thời gian sử dụng 1 năm. Xác tươi rất cần trong đào tạo các kĩ năng ngoại khoa phẫu thuật, thời gian sử dụng ngắn hơn.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết với sinh viên y và thầy thuốc, việc được đào tạo bằng xác người, đặc biệt là xác tươi rất ý nghĩa.
“Xác khô ngâm bị đen, cứng lại nên không thể nhìn được chi tiết mạch máu, khó để thực hành phẫu thuật. Không ít bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phải ra nước ngoài đào tạo để nâng cao trình độ, học tập qua xác tươi”, PGS Hệ nói. Do không có xác tươi để học, nhiều nghiên cứu sinh từ phía Bắc phải vào TPHCM để học mổ xác.
Một năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội đã làm việc với các cơ sở đào tạo y khoa tại TPHCM về việc chia sẻ xác hiến ra phía Bắc.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể tiến hành vì nhiều người còn e ngại, còn có tâm lí muốn thắp hương cho người thân hàng tháng, TS Nghĩa nói. “Không có một phương tiện giảng dạy nào tốt hơn chính cơ thể con người”, PGS.TS Ngô Xuân Khoa, Phụ trách Bộ môn Giải phẫu, nhấn mạnh. Theo PGS Khoa, những năm gần đây, nhờ truyền thông, nhiều người dân đã hiểu biết hơn về ý nghĩa của việc hiến thân thể cho y học sau khi qua đời nên đã tự nguyện đăng kí.
Tuy nhiên trong thực tế, ước nguyện, nghĩa cử cao đẹp đó có được thực hiện hay không phụ thuộc thân nhân người hiến, trong khi vẫn còn nhiều người chưa vượt qua được áp lực, còn có quan niệm phải “mồ yên mả đẹp”, “chết phải toàn thây”.
Các chuyên gia cho biết, thời gian từ khi tiếp nhận tới lúc ngưng sử dụng xác thường từ 2-3 năm (1-2 năm xử lí, 1 năm sử dụng). Sau đó, xác hiến sẽ được hỏa thiêu để trao lại cho gia đình hoặc đưa vào an táng tại nghĩa trang ở Quảng Ninh. Ngoài ra, các đơn vị chức năng sẽ lo toàn bộ mọi vấn đề từ vận chuyển tới hậu sự.