> Đi số lùi - hiện tượng khác biệt?
> Người trẻ 'Đi số lùi' : Lỗi từ nhiều phía
Thi vào ĐH căng thẳng, nhưng ra trường nhiều bạn lại đi số lùi. Ảnh: Trường Phong. |
Ông Đào Minh Tân, Giám đốc kinh doanh trang tư vấn việc làm Kiemviec.com, cho rằng SV tốt nghiệp không kiếm được việc, quay sang làm xe ôm, thợ cắt tóc...là do thiếu tự tin, không có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. "Riêng tại TPHCM có khoảng 20% SV đến liên hệ với chúng tôi để tìm việc đều không có đủ kỹ năng cần thiết", ông Tân khẳng định.
Lý giải về tình trạng này, ông Tân cho rằng một số SV ngay từ đầu đã không định hướng đúng ngành học; Vào học thì cứ nghĩ rằng chỉ cần học giỏi là đủ, nhưng khi ra trường, đi xin việc mới biết, còn thiếu những điều kiện cần thiết cho công việc như nghệ thuật giao tiếp, kỹ năng trả lời phỏng vấn…"Một SV tốt nghiệp hạng khá ngành quản trị kinh doanh, nhưng khi đi phỏng vấn xin việc mà không trả lời được bằng tiếng Anh xem như mất cơ hội", ông Tân nói.
Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, nói cử nhân thất nghiệp là chuyện thường ở nhiều nước và nếu tất cả đều có việc làm thì sẽ không còn động lực thi cử, phấn đấu học tập. Về nguyên nhân gây ra tình trạng này, ông Sơn cho rằng phần lớn do nhu cầu của thị trường, xã hội và năng lực của bạn trẻ: Thị trường lao động lệch với nhu cầu tìm việc làm của SV; Năng lực, kỹ năng của bạn trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí của nhà tuyển dụng.
Giải tỏa ức chế
Tiến sỹ tâm lý Phạm Mạnh Hà, ĐH KHXH&NV Hà Nội, cho rằng sự thay đổi giữa môi trường ĐH và trong cơ quan, Cty có thể gây những cú sốc tâm lý cho SV. "Ở trường ĐH, giáo viên chủ yếu trang bị cho SV kiến thức chuyên môn, chuyên ngành. SV phần vì lười, không chịu trau dồi, học tập kiến thức xã hội, giao tiếp, kỹ năng mềm... nên khi ra trường xin việc, vào làm ở một môi trường mới, dẫn đến việc khó thích ứng, thiếu tự tin, không chịu được áp lực công việc... nên dễ bị sốc, chán nản". Tiến sĩ Hà phân tích rằng một số cử nhân chấp nhận làm công việc tay chân như một giải pháp giải tỏa ức chế tâm lý.
Về nguyên nhân sâu xa, tiến sỹ Hà cho rằng, những SV này không xác định được xu hướng nghề nghiệp ngay từ đầu, không biết chọn công việc phù hợp với khả năng. Hơn nữa, trong quá trình học tập trên giảng đường, những SV này cũng không chịu tiếp thu, học tập kiến thức bên ngoài, không chịu tìm hiểu kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Ngay cả những cử nhân xin được việc cũng không thích ứng được, không chịu được áp lực, làm việc không hiệu quả,
Cùng quan điểm với tiến sỹ Hà, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, SV không định hướng chuẩn xác ngành nghề theo học. Xã hội cũng có những dự báo, nhưng thường trong khoảng 4 - 5 năm, mà trong thời gian đó, các ngành học, nhu cầu xã hội đã thay đổi nhiều.