Thiếu thông tin về doanh nghiệp
Nói về thực trạng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nước ta hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh (Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho rằng, lĩnh vực này vẫn còn những điểm nghẽn lớn. Đó là, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối tương đối nghiêm trọng, phụ thuộc lớn vào các yếu tố nước ngoài. Việc phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế... Bên cạnh đó, trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT hiện nay chưa có một luật chuyên ngành nào. Các chính sách chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp và các phân ngành công nghiệp còn nhiều yếu kém; tổ chức bộ máy phát triển công nghiệp hiện nay chưa thực sự hiệu quả....
Gần 50 DN trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bên lề hội nghị Ảnh: Nguyễn Thành |
Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương TP Hải Phòng nêu ý kiến về việc cần thiết việc xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT để tăng tính kết nối cho doanh nghiệp (DN) và đối tác, nhà đầu tư. Đề làm được việc này, cần thiết phải có hành lang pháp lý cho việc xây dựng, sử dụng nền tảng dữ liệu. Đồng thời phải đưa ra các chỉ tiêu đánh giá và theo dõi bước phát triển của từng DN, ngành…
“Hiện nay, chưa có cơ sở dữ liệu về DN nên nhà đầu tư, đối tác thiếu thông tin khi đầu tư tìm kiếm nhà đầu tư thứ cấp. Chúng ta chưa có tiêu chí, chưa đủ cơ sở đánh giá sự phát triển của từng DN trong từng lĩnh vực cụ thể thì khó đưa ra chính sách phù hợp” - ông Hải cho biết.
Ông Christopher Valoon - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Đà Nẵng (AmCham Đà Nẵng) chia sẻ: Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Mỹ) tại Khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động là một trong những dự án FDI lớn tại Đà Nẵng. Trong thời gian đầu đến Đà Nẵng công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm trang thiết bị, linh kiện… Do đó, buộc họ phải đưa các nhà thầu bên ngoài vào và tiến hành đào tạo theo tiêu chuẩn công ty, đáp ứng yêu cầu để cung ứng sản xuất của mình. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp khó vì có khoảng trống, khoảng chênh lệch về trình độ đào tạo của các sinh viên Việt Nam so với yêu cầu của doanh nghiệp FDI và yêu cầu quốc tế.
Để kết nối các doanh nghiệp cùng phát triển CNHT, Chủ tịch AmCham Đà Nẵng ủng hộ việc xây dựng một nền tảng dữ liệu để từ đó chia sẻ, lan tỏa các kinh nghiệm, giới thiệu về các DN, sản phẩm, tiềm năng… không chỉ cho DN của Hoa Kỳ mà còn cho các DN của nước khác khi đầu tư vào Việt Nam.
xóa bỏ khoảng cách địa lý trong liên kết
Là đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, ông Trần Thành Trọng (Giám đốc Cty CP Sáng Ban Mai) cho rằng: Hiện nay, hồ sơ tư vấn các gói thầu còn viết rõ yêu cầu hàng hóa xuất xứ nước ngoài, việc này vô tình làm cho DN Việt Nam không có “cửa” cung cấp hàng hóa ngay tại Việt Nam. Trong khi, những sản phẩm của DN Việt Nam sản xuất khi xuất khẩu qua các nước lại được đánh giá rất cao và coi trọng. Do đó cần loại bỏ tâm lý chuộng hàng ngoại, xem thường hàng Việt Nam để liên kết, kết nối phát triển CNHT.
Ông Trọng cho rằng: Thu hút đầu tư FDI các tỉnh hiện nay chưa tạo ra sự lan tỏa cho các DN Việt Nam. Do đó, trong thu hút đầu tư lãnh đạo các tỉnh cần quan tâm thu hút để kéo theo DN Việt Nam tham gia vào trong chuỗi từ xây dựng đến cung cấp sản phẩm, logistics…
“Chưa có luật nào quy định FDI phải sử dụng DN Việt Nam, nhưng lãnh đạo các tỉnh có thể định hướng để doanh nghiệp FDI sử dụng được nhà cung cấp, nhà sản xuất của Việt Nam, của địa phương cho sản phẩm đó. Chưa có căn cứ pháp lý ràng buộc thì phải thuyết phục, hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương. Có như vậy DN Việt Nam mới lớn mạnh”, ông Trọng cho biết.
Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí, Công nghiệp hỗ trợ Trường Hải (Thaco Industries) cho rằng liên kết vùng rất quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp, nhất là CNHT. Các Sở Công Thương và chính quyền địa phương phải coi các DN ngoài tỉnh là một phần của tỉnh mình trong việc thu hút đầu tư.
Ghi nhận các kiến nghị, ý kiến từ phía các DN, đơn vị, ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam đi sau vì vậy so với các doanh nghiệp FDI thì năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu các DN Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả thì đề nghị các doanh nghiệp FDI sẽ sử dụng linh kiện, sản phẩm Việt Nam. Bản thân các DN Việt Nam cũng phải khẳng định được chất lượng, giá cả sản phẩm của mình - đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất của DN Việt.