Thiệt hại lớn nếu 'một rừng luật' chất lượng kém

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Luật rừng là có hại nhưng một rừng luật chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói sáng 24/5 khi tham gia thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, khi xây dựng các dự án luật, cần đánh giá phí tổn và lợi ích. Theo ông, các phí tổn này phát sinh dưới nhiều dạng, ở nhiều khu vực, như phí tổn của ngân sách, của khu vực tư, của xã hội và của người dân, thậm chí có những phí tổn không đo được bằng tiền, không nhìn thấy được. Ông Nghĩa cũng đề nghị đánh giá các lợi ích khi xây dựng luật, nhất là lợi ích cho đất nước, nền kinh tế, cho quản lý nhà nước và người dân, bởi thực tế có những quy định khiến cho các lợi ích mâu thuẫn, triệt tiêu nhau, được về ngắn hạn nhưng hại về dài hạn.

Thiệt hại lớn nếu 'một rừng luật' chất lượng kém ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu trong phiên thảo luận. Ảnh: Nhật Minh

Theo ông Nghĩa, có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng bất tiện cho người dân; có đạo luật bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách hay là biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa… “Những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của Nhà nước, của xã hội và của nhân dân”, ông Nghĩa nói.

Trước những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi trong quá trình soạn thảo. Đối với đạo luật tác động lớn đến đời sống, ông Vân đề nghị cần phải trưng cầu ý dân. Về chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, ông Vân đề nghị không đưa các dự án luật mà Quốc hội khóa XIV đã không tán thành.

Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung. “Muốn có đột phá thì chúng ta cần có Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Luật này có thể xung đột với nhiều luật khác như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, nhưng sẽ có giá trị pháp lý cao hơn. Như vậy thì chủ trương bảo vệ những người dám nghĩ dám làm, bảo vệ lợi ích chung sẽ sớm đi vào cuộc sống”, ông Cảnh nói.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị sớm có khung pháp lý trong lĩnh vực blockchain, tiền ảo, tiền số. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc xây dựng khung pháp lý đối với blockchain, tiền số đã có khung pháp lý. Với Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, Chính phủ cũng đã có kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Riêng về Luật Giao thông đường bộ, ông An cho hay, sẽ trình đồng thời với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu

Sáng 24/5, báo cáo trước Quốc hội về tổng kết và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến 31/12/2021, nợ xấu chưa xử lý vẫn ở mức cao là 412.700 tỷ đồng. Trong khi đó, đến hết ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội, thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023.

MỚI - NÓNG