Thiết bị giảm gánh nặng cho người chạy thận

Anh Hải bên sản phẩm
Anh Hải bên sản phẩm
TP - Vũ Duy Hải, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội và đồng nghiệp vừa chế tạo thành công thiết bị giúp giảm giá thành chạy thận nhân tạo. Công trình giành giải nhất Sáng tạo trẻ Thủ đô 2010 sẽ giúp cho hàng chục ngàn bệnh nhân nghèo giảm được viện phí.
Anh Hải bên sản phẩm
Anh Hải bên sản phẩm.

Duy Hải cho biết, sản phẩm thuộc ngành điện tử y sinh, sẽ được ứng dụng trên cơ thể người nên không cho phép nhóm nghiên cứu để xảy ra sai sót dù một phản ứng nhỏ. Trước khi ứng dụng, sản phẩm được thử đi thử lại hàng trăm, thậm chí cả nghìn lần trong phòng thí nghiệm và trên động vật.

Là giảng viên nhưng Duy Hải được ưu tiên, chỉ phải lên lớp 10 tiết/ tuần để dành thời gian nghiên cứu và đi thực tế ở các bệnh viện. Những ngày cuối năm 2008 khi bám trụ tại khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai, Duy Hải cùng nhóm nghiên cứu chứng kiến cảnh quá tải bệnh nhân khiến Khoa phải chạy thận nhân tạo 3 ca mỗi ngày. Tại khoa Thận, trung bình có hơn 5.000 ca lọc máu mỗi tháng và kỹ thuật viên phải rửa thiết bị lọc gồm dây và quả thận bằng phương pháp thủ công (bằng tay).

Mỗi bộ lọc khi rửa bằng tay mất ít nhất 30 phút lại khó đảm bảo vệ sinh và chỉ dùng được 6 lần rồi bỏ vì sau đó cơ thể có phản ứng với máu lọc. Trong khi đó, máy rửa bộ lọc của Duy Hải và nhóm nghiên cứu giúp bộ lọc của máy chạy thận nhân tạo sử dụng được 12 lần. Do đó bệnh nhân giảm được 1/2 chi phí cho bộ lọc. Hơn nữa, máy rửa có thể cùng lúc rửa hàng chục bộ lọc trong thời gian 30 phút, trong đó có tiêu chí đo độ sạch.

Đề tài máy rửa bộ lọc thận của Duy Hải đã được đăng ký thực hiện cách đây 2 năm, được Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cấp 1,2 tỷ đồng để nghiên cứu, chế tạo. Đến nay, sau 1 năm nghiên cứu cấp cơ sở, sản phẩm sẽ sớm được ứng dụng thử nghiệm tại khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai.

Anh Hải (ở giữa) cùng thành viên nhóm nghiên cứu
Anh Hải (ở giữa) cùng thành viên nhóm nghiên cứu.

Sinh năm 1979, tốt nghiệp ĐH Bách khoa năm 2002, Duy Hải và nhóm nghiên cứu đã có nhiều sản phẩm được ứng dụng thành công trong các bệnh viện, như thiết bị dùng dòng điện để điều trị mắt được lắp hơn 20 máy tại Viện Mắt T.Ư, Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, giúp điều trị hơn 500 bệnh nhân/ ngày; Máy đo lường thông số sinh học được ứng dụng tại Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến tỉnh…

Từ khi còn là sinh viên, Vũ Duy Hải với cặp kính cận dày cộp luôn xung phong hỗ trợ thầy trong các đề tài nghiên cứu. Tại Việt Nam, ĐH Bách khoa được xem là nơi đào tạo những kỹ sư điện tử y sinh đầu tiên, chuyên nghiên cứu, sửa chữa thiết bị y tế. Duy Hải là một trong số ít kỹ sư thuộc lứa đầu tiên đó. Anh trăn trở rằng phần lớn thiết bị y tế ở Việt Nam hiện nay phải nhập ngoại với chi phí cao, người bệnh phải trả nhiều tiền khi điều trị. Vì thế, Duy Hải luôn khát khao sáng tạo sản phẩm giúp người bệnh giảm thiểu chi phí.

Tuy nhiên, Duy Hải cho biết nghiên cứu chế tạo sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực y tế luôn là thử thách rất lớn. Thiết bị y tế thường dùng công nghệ cao nên việc phải đặt mua một vài bộ vi xử lý ở các nước phát triển thường khó khăn.

Điều Duy Hải trăn trở nhiều là tỷ lệ công trình nghiên cứu ở Việt Nam được ứng dụng vào thực tiễn còn quá thấp. Vì thế Duy Hải luôn hướng các sinh viên trong lĩnh vực điện tử y sinh lựa chọn đề tài gắn với thực tiễn và phải qua thực tế tại bệnh viện để nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm hữu ích nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG