Thích ứng linh hoạt, có hợp lý?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Liên quan quy định mới của Hà Nội về cách ly tại nhà người về từ một số địa phương có nguy cơ dịch cao như TPHCM, Bình Dương..., ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng chủ trương này không thực sự hợp lý. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội bác bỏ thông tin “cách ly tại nhà phải được hàng xóm đồng ý”.

Người về từ TPHCM, Bình Dương phải cách ly

Ngày 16/11, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và cấp độ 3, tương ứng màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày, thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Những người này phải xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và thứ 7 thay vì 1 lần như trước đây. Với người chưa tiêm đủ liều vắc xin đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam), phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và thứ 7 từ khi tới Hà Nội. Trước đây, những trường hợp này chỉ phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không phải chỉ định xét nghiệm…

Liên quan thông tin “F1 cách ly tại nhà ở Hà Nội phải xin ý kiến hàng xóm”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, thành phố không có chủ trương và cũng không có văn bản nào quy định thực hiện nội dung này.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, quyết định bắt buộc cách ly vừa ban hành của Hà Nội là không thực sự hợp lý. Theo ông Nga, người từ TPHCM hay các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An khi ra Hà Nội nếu đi máy bay đều đã phải tiêm 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính.

“Chúng ta đã xác định thích ứng linh hoạt thì chỉ những người có triệu chứng hoặc có bệnh nền thì mới phải chữa trị”. ông Nga nói. Theo ông hiện nay, TPHCM vẫn có hơn nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày, song đã cho mở lại nhiều dịch vụ hơn Hà Nội, và đang tính cho mở lại hoạt động dạy học trực tiếp. “Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của 2 thành phố cao gần ngang nhau. Hà Nội không nên vì quá lo lắng mà có những quy định gây khó trong việc mở cửa, thích ứng linh hoạt, đặc biệt là với người nơi khác về Thủ đô công tác, làm việc”, ông khuyến nghị.

Hàng xóm giám sát F1 tại nhà

Từ ngày 17/11, Hà Nội thí điểm thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã, phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Thành phố sẽ mở rộng cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm.

Cùng với việc duy trì các khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã, thành phố cũng thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện nhiều quận, huyện ở Hà Nội ủng hộ chủ trương này. Theo đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy, hiện nay trên địa bàn phát sinh nhiều trường hợp F1, nếu cứ cách ly tập trung sẽ gây áp lực rất lớn lên cơ sở cách ly, phát sinh nhiều chi phí. Hiện nay, thực hiện trạng thái “bình thường mới”, các địa điểm cách ly tập trung phải hoàn trả lại cho các cơ quan, đơn vị.

“Nếu các trường hợp F1 đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và thành phố sẽ được cách ly tại nhà. Áp lực lớn nhất là việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho họ, nhưng đội y tế lưu động đang cố gắng thực hiện”, đại diện quận Cầu Giấy nêu. Cũng theo vị này, các trường hợp đủ điều kiện sẽ thực hiện cách ly tại nhà, chứ không phải xin ý kiến đồng thuận của hàng xóm…

“Hàng xóm, tổ COVID-19 cộng đồng sẽ đóng vai trò theo dõi, giám sát việc thực hiện cách ly. Chúng tôi công bố đường dây nóng, nếu có vi phạm họ sẽ phản ánh. Hàng xóm là người theo dõi giám sát tốt nhất, vì đảm bảo an toàn cho bản thân họ và gia đình. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, đại diện quận Cầu Giấy nói thêm.

MỚI - NÓNG