Thích ứng an toàn, linh hoạt: Bước ngoặt đột phá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là bước ngoặt quan trọng trong tư duy phòng, chống dịch. Từ đó, ngăn chặn và loại bỏ các biện pháp cực đoan, các loại giấy phép con, giấy đi đường, tạo sự an tâm cho người dân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy kể, ngày 23/9/2021 sau khi phát hiện hàng chục ca nhiễm, tỉnh dự kiến giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với khoảng 180.000 dân. Nhưng khi báo cáo, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương xem lại. Cách ly diện rộng, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã họp khẩn trong đêm và quyết định chỉ giãn cách một số điểm. Ví dụ, có phường 12 nghìn dân nhưng chỉ phong tỏa 1 ngõ 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. “Việc này giúp tỉnh không mất quá nhiều nguồn lực cho việc cung cấp nhu yếu phẩm để tập trung nguồn lực cho các việc khác như xét nghiệm”, ông Huy nhớ lại.

“Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi”. Với quan điểm đó, ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Nhắc lại tình huống này, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn, Thủ tướng nói: “Chỉ còn 1 tiếng nữa là thực hiện giãn cách xã hội tại Phủ Lý. 23 giờ đêm, tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh. Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không? Và tỉnh đã điều chỉnh rất kịp thời. Thay vì phải giãn cách 500 nghìn người thì chỉ giãn cách vài trăm người”, Thủ tướng phân tích.

Một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2022 (theo Nghị quyết số 32 của Quốc hội)

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt 3.900 đô la Mỹ (USD).

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.

- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 9,4 bác sĩ.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh.

Cuộc gọi lúc nửa đêm của Thủ tướng cho lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy phòng, chống dịch không chỉ của riêng một địa phương mà sau đó là của cả nước. Trước đây, chỉ một vài ca nhiễm có khi phong tỏa, giãn cách cả xã, cả huyện để truy vết, cách ly các F. Một nhà máy hàng nghìn công nhân, chỉ một ca nhiễm là đóng cửa, ngừng hoạt động. Cũng bởi cách chống dịch có phần cực đoan, thái quá, một số địa phương “sản sinh” ra loạt “giấy phép con”, chốt kiểm dịch. Giao thông trên các tuyến quốc lộ bị chia cắt, vận chuyển hàng hóa bị đứt gãy. Ngay trong phạm vi tỉnh, thành, quận, huyện, người dân quay cuồng, “đau đầu” với giấy đi đường, vốn thay đổi “xoành xoạch” lúc nửa đêm. Người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý căng thẳng suốt một thời gian dài. Kinh tế, xã hội ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Lần đầu tiên, kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay, GDP quý III giảm sâu ở mức âm 6,17%.

Luồng gió mới

Cuối tháng 9/2021, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. “Zero COVID” là một điều rất khó khăn. Ngay tại những nước phát triển, tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể”. Lần đầu tiên một lãnh đạo Đảng, Nhà nước thẳng thắn đề cập đến chiến lược “zero COVID-19”, vốn đã được tranh luận sôi nổi, trái chiều giữa các chuyên gia, nhà khoa học và cả người dân. Tại cuộc họp trên, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng: “Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không”?

Thích ứng an toàn, linh hoạt: Bước ngoặt đột phá ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Nam - Ảnh: Nhật Bắc

“Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi”. Với quan điểm đó, ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết 128 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy phòng, chống dịch, đồng thời chấm dứt tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết của các địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Những “khổ ải” về giấy đi đường, chốt kiểm dịch vốn gây ra biết bao nhiêu tốn kém về thời gian, tiền bạc cho người dân, doanh nghiệp thì sau khi nghị quyết ra đời đã bị loại bỏ. Việc đi lại của người dân giữa các vùng, miền đã trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn, không còn cảnh phải chen chân khai báo y tế, xét nghiệm… Các nhà máy, cơ sở sản xuất, các khu dân cư cũng không còn nỗi ám ảnh nhiều về cách ly, phong tỏa.

Đặc biệt, Nghị quyết 128 đã tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, người dân trong việc thích ứng an toàn để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn đã bị đình trệ, thậm chí đóng băng trong khoảng thời gian dài. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, sau hơn hai tháng thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế, xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc. Đến hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 100% dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn cho phòng, chống dịch cũng như cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10; 11 tháng có 146.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.

Thích ứng an toàn, linh hoạt: Bước ngoặt đột phá ảnh 2

Dịch COVID-19 được kiểm soát nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc xin hiệu quả Ảnh: TL

Đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Số ca nhiễm mới vẫn nhiều, Hà Nội liên tiếp lập đỉnh mới. Tuy nhiên, với “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, từ chính quyền cho đến người dân đã có sự bình tĩnh, không chủ quan, song cũng không hoang mang, lo lắng thái quá.

Các hoạt động kinh tế vẫn được duy trì ở mức cao, lưu thông hàng hóa không còn lo sợ bị đứt gãy. Đây là những tiền đề, nền tảng quan trọng để cả nước bước vào năm 2022 với những mục tiêu cao hơn, xa hơn, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn hồi phục và phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ.

MỚI - NÓNG