Cô Nguyễn Thị Hoài Hương, tổ trưởng tổ Tiếng Anh trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm chia sẻ, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội đã đến rất gần rồi, về môn tiếng Anh, các học sinh không phải quá lo lắng vì nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình hiện hành, có điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Vì theo cô Hương, đề thi môn tiếng Anh vào lớp 10 ở Hà Nội có nội dung chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng. Học sinh nắm chắc cơ bản có thể làm tốt 70% bài thi.
Về hình thức, đề vẫn gồm 40 câu trắc nghiệm với phân bổ các câu như sau:
Về phần ngữ âm gồm 2 câu phát âm và 2 câu trọng âm.
Ngữ pháp và từ vựng sẽ gồm 10 câu chọn từ hoặc cụm từ để hoàn thành câu (khoảng 8 câu ngữ pháp và 2 câu từ vựng); 2 câu đồng nghĩa (từ vựng); 2 câu trái nghĩa (từ vựng) và 4 câu chữa lỗi sai (ngữ pháp hoặc/và từ vựng).
Ở phần giao tiếp hỏi đáp có 2 câu.
Kỹ năng đọc sẽ gồm 1 bài đọc và chọn câu trả lời đúng: 4-5 câu và 1 bài đọc điền từ: 5-6 câu.
Kỹ năng viết sẽ gồm 6 câu câu gần nghĩa nhất với câu đã cho (kiểm tra học sinh về cách kết hợp câu, cách diễn đạt khác hoặc các hiện tượng ngữ pháp được thực hành ở khả năng diễn đạt.
Cô Nguyễn Thị Hoài Hương cho rằng, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội bao giờ cũng có kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh ở 3 thành tố của ngôn ngữ: ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm.
Về 3 thành tố ngôn ngữ trong đề thi, các con có thể ôn luyện theo các mục.
Cụ thể, phần ngữ pháp, học sinh ôn thời thì của động từ (quá khứ đơn, quá khứ tiếp diễn, quá khứ hoàn thành, …); câu bị động; so sánh tính từ, trạng từ; mệnh đề quan hệ (hạn định, không hạn định) ; câu điều kiện (loại 1, loại 2), câu gián tiếp, các cấu trúc (used to V, suggest + V-ing/clause with should, tính từ + to V hay tính từ + that + clause, despite/in spite of),…
Từ vựng theo các chủ điểm của sách giáo khoa,..
Ngữ âm, thường sẽ liên quan đến từ 2 âm tiết trong sách giáo khoa, quy tắc đọc đuôi ‘ed’, đuôi ‘s’ hoặc ‘es’. Ở trọng âm thường kiểm tra từ 2 hoặc 3 âm tiết trong đó các từ theo đúng quy tắc được học và thường không rơi vào trường hợp đặc biệt.
Giai đoạn nước rút, có nên luyện càng nhiều đề thi?
Cô Nguyễn Thị Hoài Hương, tổ trưởng tổ Tiếng Anh trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm cho rằng, ở thời điểm này, các học sinhnên làm đề luyện đều đặn để quen với dạng đề, với việc làm bài chịu áp lực về thời gian và để phát hiện ra những nội dung kiến thức và phần kỹ năng nào cần ôn luyện tập trung hơn nữa để đạt kết quả cao hơn.
Bài thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THCS với 40 câu trắc nghiệm chủ yếu ở mức độ cơ bản được làm trong 60 phút.
Về mặt kỹ thuật làm bài thì cô Hương chỉ ra, các em học sinh nên chú ý các điểm .
Theo cô Hương, các em nên đọc kỹ đề bài để có định hướng tốt cho phần làm bài, tránh được những lỗi sai bất cẩn, đáng tiếc.
Ngoài ra, theo cô Hương, dùng bút chì 2B để tô kín một đáp án lựa chọn cho mỗi câu hỏi tương ứng luôn vào Phiếu trả lời để tránh nhầm lẫn khi chuyển đáp án từ nháp sang Phiếu trả lời và tiết kiệm được thời gian. Học sinh có thể mắc một số lỗi do tô chưa đúng kỹ thuật như tô quá mờ, tô không kín ô, tô hơn một đáp án hoặc tẩy xóa không rõ ràng nên bị mất điểm do máy chấm không nhận dạng được câu trả lời.
“Hãy tự tin rằng dù đề khó hay dễ mình chắc chắn sẽ hoàn thành bài thi với tất cả các đáp án được tô kín đúng theo quy định. Tự tin bước vào phòng thi giúp thí sinh đạt được kết quả cao nhất có thể. Thời gian làm bài là 60 phút. Trung bình mỗi câu hỏi có 1,5 phút để hoàn thành. Học sinh không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi”- cô Hương nhấn mạnh.
Cô Hương cho rằng, cũng như các môn thi khác, câu nào dễ các con nên làm trước, câu nào khó hoặc còn phân vân câu trả lời thì có thể ghi số câu hỏi vào nháp để quay lại làm sau, tránh để bị sót câu trả lời.
“Không nên hoang mang khi có một số câu hỏi liên tiếp có cùng đáp án hoặc A, hoặc B, hoặc C hay D. (Do tráo bài tự động nên những trường hợp như vậy có thể xảy ra). Nên dành khoảng 5 phút soát lại toàn bộ bài trước khi nộp bài”- cô Hương nói.