Nhà trường đã lên kế hoạch sớm cho học sinh
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, toàn thành phố có khoảng 104.000 học sinh (tăng khoảng 14.000 học sinh so với năm học 2021-2022) tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Trong đó, chỉ tiêu vào các trường công lập tuyển khoảng 77.000 học sinh (tăng khoảng 10.000 học sinh so với năm học 2021-2022). Điều này đồng nghĩa với khoảng 27.000 học sinh khác sẽ không có "vé" vào trường công lập.
Thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho biết, trường đã thực hiện rất cụ thể các biện pháp ôn tập cho học sinh.
Cũng theo thầy Cường, ngay từ đầu năm, nhà trường đã lên kế hoạch cho việc ôn tập và kiểm tra hàng tháng. Mỗi tháng, học sinh đều được làm bài kiểm tra đánh giá. Với dạng thức đề như vào 10, các thầy cô dễ dàng đánh giá được mức độ của học sinh. Qua đó có biện pháp hỗ trợ học sinh ôn tập.
Thầy Cường cho rằng, trước khi học sinh quyết định các nguyện vọng, nhà trường đã thực hiện 2 lần khảo sát, cung cấp thông tin về tuyển sinh tới học sinh và họp cha mẹ học sinh rất cụ thể. Qua phân tích năng lực, điểm chuẩn hàng năm, học sinh và cha mẹ học sinh lựa chọn nguyện vọng phù hợp.
Thầy Cường cho rằng, thời điểm này, học sinh đã hoàn thành đăng kí nguyện vọng tuyển sinh vào 10.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hàng năm, việc ôn tập cho học sinh lớp 9 luôn được đặc biệt chú trọng. So với những khóa trước, học sinh lớp 9 năm nay có phần khó khăn hơn khi có đến 3 năm liên tiếp phải học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến chất lượng học tập chưa thực sự như mong đợi.
Do đó, bà Dung cho rằng, ngay khi học sinh được trở lại học trực tiếp, nhà trường đã gấp rút tiến hành bù đắp kiến thức cho học sinh.
Học sinh học đêm, học ngày
Năm nay, các thí sinh của Hà Nội sẽ dự thi 3 môn Toán, Văn hệ số 2 và Ngoại ngữ hệ số 1. Vì thế các trường tăng tốc ôn tập 3 môn trên để tăng cơ hội đậu vào lớp 10 công lập cho học sinh.
Trước bước ngoặt cuộc đời của học sinh khiến cả học sinh lẫn phụ huynh đều khá căng thẳng, áp lực trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Bởi suốt 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc học tập của học sinh cuối khoá vẫn thiệt thòi hơn.
Em Nguyễn Thị Hạnh, học sinh lớp 9 tại Hà Nội cho biết em khá lo lắng cho kỳ thi sắp tới. Vì hai năm qua do học trực tuyến liên tục nên kiến thức tiếp thu vào không được nhiều bằng học trực tiếp trên lớp.
"Em đăng ký dự thi vào Trường THPT Phạm Hồng Thái và cũng khá áp lực. Giờ chỉ còn một tháng nữa để em cố gắng nên em mong đủ thời gian ôn luyện để hy vọng kết quả sẽ tốt"- em Hạnh chia sẻ.
Còn em Nguyễn Thị Minh Hồng, Long Biên (Hà Nội) cho hay, ở giai đoạn này em đang tăng tốc ôn thi để có thể vững vàng hơn trong kỳ thi tới. Em học thêm đủ cả các buổi chiều trong tuần, thậm chí có hôm học cả buổi tối.
“Có môn em thậm chí học thêm cả cô giáo dạy bộ môn trên lớp, vừa học thêm giáo viên ở trung tâm để em tự tin đủ kiến thức vào kì thi sắp tới”- Hồng cho hay.
Thầy Lê Thảo, giáo viên dạy Toán của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, ngay khi trở lại học trực tiếp, các giáo viên cũng đã khảo sát để biết học sinh đang gặp những lỗ hổng kiến thức nào, từ đó kịp thời hỗ trợ các em, đặc biệt là các em có học lực kém.
Thầy Thảo cho rằng, thời điểm này, nhà trường đang ở giai đoạn nước rút ôn tập cho học sinh và đây là giai đoạn học sinh cần sự tập trung nhất. Nhà trường không tăng thời lượng học nhưng vẫn giữ nguyên giống như năm học trường. Tuy nhiên đến thời điểm này các con đã thi thử được ba lần và sắp bước sang lần thi thử thứ 4.
“Ở lần thi thử thứ 3 học sinh toàn trường có điểm bài kiểm tra hơn hẳn các lần trước. Năm nay, sau thời gian học online kéo dài, đi học trở lại cả học sinh và thầy cô cùng lo lắng vì có em hổng kiến thức rất nhiều nhưng sau một thời gian học trực tiếp đã “bắt được nhịp” nên mọi chuyện cũng ổn”- thầy Thảo cho hay.
Thầy cũng chia sẻ, ở lần thi thử thứ 3, với môn Toán điểm trung bình cả trường là 8,3: “Với điểm chung toàn trường như vậy, tôi nghĩ giáo viên, học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu có thể yên tâm”- thầy Thảo chia sẻ.