Thị trường bia cạnh tranh khốc liệt – liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi?

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, tăng trưởng sản xuất bia đang trên đà giảm dần. Nếu trước năm 2010, bình quân tăng trưởng ở mức hai con số thì đến nay đã giảm xuống, chỉ còn từ 5-8%.

Tuy nhiên, riêng phân khúc bia cao cấp lại chứng kiến sự bứt tốc vượt trội, với mức tăng trưởng khoảng 15%/năm. Mảnh đất màu mỡ chào đón tên tuổi của nhiều đại gia ngành bia đến như VBL (chủ sở hữu Heineken và Tiger), AB-Inbev chủ sở hữu (Budweiser và Beck, Carslberg), Saporo, và cả các thương hiệu nội địa như Sabeco, Habeco… Cuộc đua thị trường diễn ra sôi động hơn bao giờ hết, với cuộc rượt đuổi sít sao của những “chiến mã” cừ khôi nhằm giành lấy sự tin chọn của người tiêu dùng, đặc biệt với sự xuất hiện của nhiều dòng bia mới như Bia Việt của VBL hay Saigon Chill của Sabeco gần đây, giúp gia tăng thêm nhiều sự lựa chọn cho người dùng.

Trước mùa lễ hội cận kề, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nhìn lại bức tranh toàn cảnh của ngành bia cùng những cơ hội cạnh tranh phía trước, liệu người dùng có được hưởng lợi?

Thị trường bia cạnh tranh khốc liệt

Thị trường bia cạnh tranh khốc liệt – liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi? ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã mang đến những góc nhìn đa chiều về bức tranh toàn thị trường bia thời điểm cuối năm.

Nhìn nhận một cách tổng quan, ông đánh giá như thế nào về thị trường bia của Việt Nam?

Nói một chút về lịch sử, Việt Nam không phải là một quốc gia có truyền thống sản xuất bia. Văn hóa thưởng thưởng thức bia của người Việt đến từ xu hướng hội nhập của các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu. Tuy nhiên, Việt Nam lại sở hữu những sự “hậu thuẫn” về điều kiện khí hậu, thời tiết lẫn cơ cấu thị trường để ngành bia phát triển.

Đầu tiên, Việt Nam là một đất nước với điều kiện khí hậu nóng, nhu cầu về giải khát tương đối cao, sự gia nhập và phát triển của ngành bia là chuyện sớm muộn. Chưa kể sự góp mặt của của những thương hiệu bia quốc tế cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy mối quan hệ cạnh tranh và tạo đà bứt tốc mạnh mẽ cho toàn bộ thị trường.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không chỉ riêng Việt Nam mà xu hướng chung của thế giới đang chứng kiến sự “giậm chân” của ngành bia, khi mọi thứ đang dần bước vào giai đoạn bão hoà, đi ngang và bắt đầu đi xuống.

Theo ông, tại sao bên cạnh sự sụt giảm của thị trường bia nói chung, phân khúc bia cao cấp lại có sự phát triển mạnh mẽ như vậy? Ông nghĩ xu hướng này trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển như thế nào?

Trên thực tế, khi nhu cầu tiêu dùng phát triển, kinh tế phát triển, bia cũng không còn là thứ xa xỉ như trước đây người ta quan niệm nữa mà đã trở thành một thức uống phổ thông. Còn cách gọi bia cao cấp thật ra do cách định nghĩa hoặc định giá. Thật ra, cao cấp là gì? Là chất lượng cao hơn, hình thức tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, dịch vụ cao hơn. Nhưng quan trọng là dịch vụ cao hơn. Khi giá trị dịch vụ cao hơn, nó sẽ trở thành một xu thế, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay. Từ đó, bia cao cấp nằm trong quy luật tự nhiên, phải phát triển.

Tương lai rất khó nói. Thứ nhất, bây giờ có nhiều loại đồ uống để chúng ta lựa chọn. Thứ hai, con người cũng nhận thức cao, không cần quảng cáo người ta cũng tự lựa chọn thứ người ta thích. Bia hiện đang có xu thế bão hoà. Nhưng cũng chưa thể khẳng định xu hướng sắp tới của các dòng bia cao cấp. Cái gì tốt thì nó sẽ phát triển, đó mới là xu thế chung.

Thị trường bia cạnh tranh khốc liệt – liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi? ảnh 2
 

Thị trường bia nước ta gần đây có sự “đổ bộ” của nhiều thương hiệu ngoại. Ông đánh giá như thế nào về áp lực cạnh tranh, đặc biệt giữa doanh nghiệp “ngoại” và “nội”? Từ đó, đâu là tiềm lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường của bia nội như thế nào?

Cạnh tranh là quy luật của kinh tế thị trường, là quy luật của sự phát triển, muốn phát triển thì phải cạnh tranh. Riêng ngành bia, AB-Inbev, Heineken, Carlsberg… là những thương hiệu lớn. Doanh nghiệp nội thì có Sabeco, Habeco cũng là những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và khu vực. Tất cả đều có tầm cỡ rồi và việc cạnh tranh để giành thị phần là điều đương nhiên,

Nói riêng trong năm 2020, những trở ngại như dịch Covid, chính sách quản lý đối với ngành rượu, bia ngày càng chặt hơn đã đặt các hãng bia vào áp lực sinh tồn chứ không chỉ là phát triển nữa. “Hãng lớn” thì đều có anh tài, muốn phát triển thì càng phải cạnh tranh.

Nếu doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng với dịch vụ, chất lượng tốt, mang lại lợi ích cho xã hội, đồng thời đóng góp cho ngân sách tốt thì khi ấy doanh nghiệp sẽ phát triển là lẽ tất yếu. Thực tế, xác định ranh giới giữa doanh nghiệp nội và ngoại cũng rất khó vì các doanh nghiệp này đều sản xuất ở Việt Nam, phục vụ cho người dân Việt Nam, nộp ngân sách cho nhà nước Việt Nam. Cho nên, ở đây, không bàn về khái niệm nội, ngoại nữa mà là những yếu tố có thể tạo nên một lợi thế của doanh nghiệp, có thể kể đến như dịch vụ, vốn, trình độ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Để khẳng định được tên tuổi dù là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều cần phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chí trên.

Liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi?

Thị trường bia cạnh tranh khốc liệt – liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi? ảnh 3

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam 

“Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”. Trước những xu hướng cạnh tranh hấp dẫn từ thị trường, người dùng được nhận định đang là nhân tố hưởng lợi nhiều nhất từ mặt giá cả, đến trải nghiệm. Liệu thực tế có phải như vậy? Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có những chia sẻ thực tế về câu chuyện này.

Thị trường bia cạnh tranh khốc liệt – liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi? ảnh 4
 

Theo ông, trước sự cạnh tranh từ các thương hiệu trong thị trường bia, bên cạnh những ích lợi trước mắt, liệu có rủi ro nào người tiêu dùng cần chú ý?

Từ góc độ người tiêu dùng, chúng ta nói về lợi ích trong câu chuyện của sự cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh về chất lượng, giá cả, mẫu mã, dịch vụ, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi thực hiện quyền lựa chọn của mình. Nhưng trên thực tế, khi tình trạng bia giả, bia nhái, bia lậu vẫn còn tồn tại trên thị trường và việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các thương hiệu vẫn diễn ra thì việc thực hiện quyền lựa chọn của người tiêu dùng không mấy dễ dàng.

Bia giả, bia nhái, bia lậu, đồng nghĩa trốn thuế, chất lượng không được kiểm soát; không chỉ người tiêu dùng và nhà nước thiệt, mà ngay cả các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cũng thiệt, vì sự cạnh tranh không bình đẳng, mất thị phần.

Coi “Khách hàng là thượng đế”, “Lấy người tiêu dùng làm trung tâm” không chỉ là khẩu hiệu, mà là phương châm kinh doanh bền vững, khôn ngoan của nhiều thương hiệu lớn, thậm chí của một quốc gia. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có tầm nhìn xa, trông rộng như thế. Vì vậy việc cạnh tranh thiếu minh bạch, thiếu công bằng đang trở thành vấn đề đáng lo ngại cho bất kì thị trường nào nói chung không riêng gì ngành bia. Điều này khiến người tiêu dùng, không chỉ không được hưởng lợi trong một nền kinh tế mở, ngược lại sẽ chịu nhiều bất lợi.

Trước những vấn đề như vậy, ông có lời khuyên nào đưa ra để người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá nói chung và sản phẩm bia nói riêng nhằm được lợi ích cao nhất hay không?

Thứ nhất, khi mua hàng, người tiêu dùng, cần kiểm tra, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Không ai bảo vệ mình tốt hơn mình.

Thứ 2, khi sử dụng, hãy là một người tiêu dùng văn minh, trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; vui cho bản thân nhưng không để ảnh hưởng tới người khác.

Cuối cùng, đừng lệ thuộc vào quảng cáo. Hãy lựa chọn và ủng hộ sản phẩm mình tin tưởng.

Việc chọn lọc và lựa chọn niềm tin đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi người tiêu dùng.

Xin cảm ơn các ông đã chia sẻ!

MỚI - NÓNG