Thị trường bất động sản Việt Nam được coi là chưa minh bạch, tạo điều kiện cho giới đầu cơ lộng hành. Ảnh: Phạm Yên. |
Trên 10 tỷ USD dư nợ cho vay bất động sản
Thị trường bất động sản Việt Nam được các chuyên gia khẳng định là có nhiều bước phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tăng trưởng tín dụng đối với bất động sản đạt khá. Đến tháng 7-2010, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 210.770 tỷ đồng, tương đương trên 10 tỷ USD, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tính đến cuối năm 2009, cả nước đã có gần 500 dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký trên 40 tỷ USD.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có trên 2.500 dự án nhà ở và kinh doanh bất động sản khác với diện tích đất khoảng 80.000 ha đã và đang triển khai xây dựng. Tại Hà Nội có trên 800 dự án với diện tích đất khoảng 75.189 ha; TP Hồ Chí Minh có trên 1.400 dự án, Hải Phòng có khoảng 260 dự án. Bất động sản công nghiệp phát triển mạnh với 249 khu được thành lập có diện tích đất khoảng 63.173 ha.
Nhiều nhà đầu tư cho hay, hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất những năm gần đây diễn ra rất sôi động, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã làm cho thị trường ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tỷ lệ tăng trưởng nhà ở đô thị bình quân hằng năm đạt trên 15%. Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc năm 2009 là 16,7m2/người; khu vực đô thị là 19,2 m2/người; khu vực nông thôn là 15,7m2/người.
Góc nhỏ khu chung cư: Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Phạm Yên. |
Chưa minh bạch
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam-Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, bên cạnh những thành công, thị trường bất động sản Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình là tính minh bạch của thị trường trong tất cả các khâu từ đầu tư, tạo lập bất động sản đến giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê còn nhiều hạn chế.
Tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, trốn lậu thuế còn khá phổ biến dẫn đến hoạt động của thị trường thiếu bền vững. Một số chuyên gia khác cho biết, thực tế thị trường bất động sản ở Hà Nội cho thấy người dân khó tiếp cận thông tin đầy đủ về dự án.
Thông thường khi đến mua thì dự án đã được bán xong từ lâu rồi và đều phải mua qua tay với giá cao. Những dự án chào bán công khai thường là nhà cao cấp giá quá cao do chủ đầu tư nước ngoài thực hiện. Hoạt động của các nhà đầu tư thứ cấp nhiều khi khiến người có nhu cầu nhà ở thực trở nên càng khó khăn vì giá bị đẩy lên bởi những mánh thu chênh, găm hàng tạo sóng.
“Khung pháp lý của thị trường cần sớm được hoàn thiện. Điển hình như chính sách huy động nguồn tài chính dài hạn, quy định về thuế giao dịch, thuế tài sản, khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê...”-Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nói.
Sự thiếu minh bạch còn thể hiện cả ở thị trường sơ cấp (giao đất, cho thuê đất). Cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư mặc dù đã được quy định tuy nhiên khi áp dụng thực tế phát sinh nhiều hạn chế. Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư để được giao đất thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện kém.
Ngay như quy định việc mua bán phải thông qua sàn giao dịch cũng không được triển khai tại nhiều địa phương. Sự thiếu minh bạch cộng với sự lộng hành của giới đầu cơ, môi giới đã góp phần đẩy giá bất động sản lên quá cao so với thu nhập của người dân và điều kiện kinh tế. Hậu quả là việc tạo lập nhà ở của đại bộ phận các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị hiện có với các khu đô thị mới, khu dân cư, khu nhà ở còn kém làm giảm sức hút và quy mô của thị trường. Việc phát triển các dự án ra ngoài khu trung tâm gặp khó khăn.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư mới chỉ tập trung vào các dự án nhà ở bán cho người có thu nhập cao. Trong khi đó, các dự án nhà ở để bán trả góp hoặc cho thuê dành cho các đối tượng thu nhập thấp thì chưa được quan tâm. Thị trường nhà cho thuê phát triển chưa tương xứng với nhu cầu xã hội...
Nhằm khắc phục các hạn chế của thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, nhất là với các hoạt động giao dịch lâu nay còn bị buông lỏng. “Nhiều chính sách đã có hiệu lực nhưng việc hướng dẫn và triển khai còn chậm. Hệ thống tổ chức quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương thiếu hoàn chỉnh” - đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.