Nördlingen là một thị trấn nhỏ thuộc vùng Bavaria, phía nam nước Đức. Nhìn bề ngoài, nó không có gì nổi bật hơn những vùng nông thôn khác ở châu Âu, nhưng lại thu hút khách du lịch bởi biệt hiệu "thị trấn kim cương".
Lý do của tên gọi là là theo các nhà khoa học, mọi công trình ở đây đều gắn hàng triệu viên kim cương siêu nhỏ. Đó là kết quả sau khi thiên thạch đâm trúng khu vực này cách đây 15 triệu năm.
Vụ va chạm tạo ra một vùng lõm khổng lồ, trải rộng hơn 14 km ngang qua vùng đồng quê, nay là thị trấn Nördlingen. Nó cũng tạo ra suevite, một loại đá dăm kết bao gồm nhiều mảnh vụn có cạnh sắc, có thể chứa thủy tinh, pha lê và kim cương. Đây chính là lý do khiến thị trấn bình yên trở nên nổi tiếng. Du khách rất thích thú khi được tới tham quan thị trấn ước tính chứa tới 72.000 tấn kim cương.
Bụi kim cương này chỉ có giá trị khoa học chứ không có giá trị kinh tế nhưng cũng đủ khiến thị trấn trở nên ấn tượng trong mắt du khách. Gisela Pösges, nhà địa chất học kiêm phó giám đốc Bảo tàng Ries Crater ở Nördlingen, cho biết: "Nhà thờ St. Georgs của chúng tôi xây từ đá suevite và chứa khoảng 5.000 carat kim cương. Nhưng chúng rất nhỏ, viên lớn nhất chỉ có đường kính 0,3 mm và không có giá trị kinh tế. Chúng chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học và bạn có thể quan sát kim cương dưới kính hiển vi".
Nördlingen là nơi sinh sống của khoảng 20.000 người. Một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thị trấn là gác chuông Daniel 90m từ thời trung cổ, tòa nhà thị chính được xây dựng từ thế kỷ 13, nhà thờ St. Georgs, bảo tàng đường sắt Bavarian và bảo tàng Augenblick. Tất cả đều xây từ đá chứa đầy bụi kim cương. Người ta thường nói đùa rằng, du khách tới đây chỉ cần hít thở thôi cũng đủ giàu có.