Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho rằng, dù còn nhiều ý kiến khác nhau song phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (được Bộ GD&ĐT công bố chiều 29/11) đã đáp ứng được các yêu cầu gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm căng thẳng cho học sinh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào, đề thi phải đánh giá năng lực, phẩm chất người học.
Có phương án chặn tiêu cực
Bàn về phương án thi mới, thầy Tùng cho rằng, hai môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ Văn là 2 môn nền tảng, căn bản, công cụ; các môn khác thì theo lựa chọn của người học là phù hợp.
Điều quan trọng với phương án đó, ngành giáo dục triển khai như thế nào cho hiệu quả. Từ nay đến kỳ thi chỉ còn 1,5 năm, khoảng thời gian không dài do đó, ngành Giáo dục và đào tạo cần giải bài toán trước mắt và lâu dài để giải quyết các vấn đề đặt ra.
Theo thầy Tùng, đầu tiên kỳ thi phải đảm bảo tính tin cậy như Nghị quyết số 88/2014/QH13 nêu: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội. |
Thực tế, sau tiêu cực thi cử năm 2018, các kì thi đã có tiến bộ về mặt nghiêm túc song còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo độ tin cậy, trung thực. Ngành giáo dục cần thiết kế đề thi phù hợp, xây dựng phương án tổ chức thi chặt chẽ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để hạn chế sự can thiệp tiêu cực của con người. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các lực lượng khác để tuyên truyền, thay đổi nhận thức của xã hội, tăng cường các chế tài xử phạt, thanh tra, kiểm tra.
Vấn đề thứ hai là sớm tách tách bạch thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, cao đẳng. Vì từ lâu, việc ghép mục tiêu kỳ thi “2 trong 1” đã không còn phù hợp bởi mục đích của các kì thi là rất khác nhau.
“Từ 2025, kì thi Tốt nghiệp THPT nên làm đúng vai trò của mình, đó là xét tốt nghiệp. Kết quả này có thể là một căn cứ về mặt dữ liệu cho việc tuyển sinh (để tham khảo, để làm tiêu chí phụ…) chứ không nên là căn cứ trực tiếp, quyết định việc tuyển sinh Đại học, cao đẳng”, thầy Tùng nói.
Chưa thay đổi kiểm tra, đánh giá
Thầy Tùng chỉ ra, vấn đề thứ 3 đó là đề thi phải đánh giá năng lực, phẩm chất người học. Cụ thể, chương trình GDPT mới 2018 đã triển khai được 4 năm với điểm khác biệt căn bản là chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Tuy nhiên, theo quan sát các bài kiểm tra, đánh giá của các trường, các Sở GD&ĐT cho thấy, chưa có thay đổi gì nhiều, cơ bản vẫn như cũ. Điều này dẫn đến khó có thể thay đổi cách dạy, cách học.
Thầy Tùng kiến nghị, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT, các nhà trường nắm được tinh thần đổi mới đề thi ngay từ bây giờ, để học sinh tiếp cận dần, tránh bất ngờ trong năm 2025.
Ngoài ra, Bộ cũng cần xắn tay ngay vào việc xây dựng, biên soạn ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. “Việc làm này rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc trong khi chúng ta chỉ còn hơn 1 năm cho kì thi 2025”, thầy Tùng nói.
Phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025, mỗi thí sinh thi 4 môn. |
Cũng theo thầy giáo này, một vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm hiện nay là thay đổi quan niệm học và thi. Lâu nay, chúng ta vẫn chủ yếu “học để thi”, hàng trăm năm nay vẫn “thi gì học nấy”. Đây là bài toán khó nhất, song nhất định phải làm vì nhiều nước tiến bộ cũng đã làm được.
Theo thầy Tùng, để dần thay đổi quan điểm thi gì học nấy, đầu tiên, cần thay đổi dần cách đánh giá trong nhà trường, xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh không cần học tủ, không cần luyện thi; từ đó thay đổi cách dạy và cách học.
Tiếp theo, cần thay đổi nhận thức của người học, của xã hội về mục đích của việc học: Học để hiểu, học để làm được, vận dụng được, học cho bản thân mình. Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không phải chỉ để vượt qua một kì thi, thi xong thì … không còn nhớ gì. Làm được như vậy, tất cả các môn học đều quan trọng, việc học không bị phụ thuộc vào việc môn đấy thi hay không thi.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng, nền giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn nặng về ứng thi, học để thi, có thi mới học nhưng cần phải từng bước chuyển sang thực học, thực dạy, thực nghiệm, xác định học để làm chứ không phải phục vụ mục đích thi cử. Ngay cả học sinh cũng cần thay đổi nhận thức, nếu học mẹo để thi, sau này ra đời không làm được việc.
Nói về phương án thi, Thứ trưởng Thưởng cũng cho rằng, mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việc tổ chức kỳ thi không chỉ giảm áp lực, tốn kém mà quan trọng là đánh giá đúng năng lực của học sinh, đảm bảo chất lượng và đủ độ tin cậy.
Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án thi mới đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.