Thống kê cho thấy, đợt 2, Giáo dục công dân vẫn là môn thi có số thí sinh đạt nhiều điểm 10 nhất (161 em). Môn Tiếng Anh có 18 điểm 10, môn Lịch sử có 16 điểm 10, môn Sinh học có 8 điểm 10, môn Toán có 7 điểm 10. Trong khi đó, môn Địa lý có 3 điểm 10, môn Hóa học có 2 điểm 10 và môn Vật lý có 1 điểm 10.
Đợt 2, số lượng thí sinh thi không nhiều (hơn 11.000, chỉ bằng 1,16% số thí sinh thi đợt 1), nên khi gộp chung vào để tính phổ điểm chung cho cả hai đợt thì hầu như không có thay đổi gì đáng kể so với phổ điểm đợt 1 đã công bố. Phổ điểm riêng từng môn cho đợt 2, dù ít thí sinh (ví dụ, bài thi Khoa học tự nhiên chỉ khoảng 4.000 em thi), nhưng phổ điểm có hình dáng vẫn khá chuẩn như đợt 1. Điều này chứng tỏ đề thi chuẩn, coi thi và chấm thi nghiêm túc.
Riêng phổ điểm môn Tiếng Anh đợt 2 chỉ có 1 đỉnh, không còn hình “núi đôi” 2 đỉnh như đợt 1 (đợt 1, một số địa phương cũng chỉ 1 đỉnh). Tuy nhiên, do số thí sinh chỉ bằng 1,16% số thi đợt 1 nên khi gộp chung vào thì phổ điểm chung cho cả 2 đợt vẫn có 2 đỉnh.
Nhóm chuyên gia cho hay, điểm trung bình của tất cả các môn thi đợt 2 đều cao hơn điểm trung bình của các môn thi đợt 1, từ 1-2% như môn Địa lý (1,3%), Giáo dục công dân (1,3%), Ngoại ngữ (1,6%). Đặc biệt cao hơn đến 8-9% như các môn Vật lý (8,4%), Lịch sử (9,1%). Điểm trung bình môn Toán tăng 4,9%, điểm trung bình môn Ngữ văn tăng 5,9%, điểm trung bình môn Sinh học tăng 6,1%, điểm trung bình môn Hóa học tăng 3,3%. Điều này cho thấy có thể đề thi đợt 2 dễ hơn một chút so với đề đợt 1.
Điểm trung bình của môn Giáo dục công dân cũng giữ vị trí quán quân của đợt 2 với 8,49 điểm, tiếp theo là Vật lý 7,12 điểm, Địa lý 7,04 điểm. So với đợt 1, vị trí thứ 2 và thứ 3 của hai môn Địa lý và Vật lý đổi cho nhau. Môn Lịch sử vẫn xếp cuối bảng nhưng đã thoát mức điểm dưới trung bình khi mức điểm là 5,42 điểm (lần 1 là 4,97 điểm).