Thi tốt nghiệp: HS được cầm theo máy quay, ghi âm
> Những điểm mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013
> Hôm nay thi Cao đẳng: Sẽ giám định thiết bị nghe nhìn
> Quy định thiết bị mang vào phòng thi: Giúp xử lý tình huống
Ngày 26-2, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Sau sự kiện gian lận tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Bộ GD-ĐT quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử . |
Được mang máy ghi âm ghi hình
Trong thông tư mới quy định: mùa thi tốt nghiệp 2013 học sinh được mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng truyền thông tin ra ngoài.
Cụ thể, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản, Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí
Ngoài ra, thí sinh được phép mang vào các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Người tố cáo tiêu cực phải làm gì?
Thông tư này quy định rõ việc xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.
Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất cứ hình thức nào.
Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi là Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố); Thanh tra giáo dục các cấp.
Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi thì phải tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý.
Đồng thời, triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm Quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi
Vi phạm quy chế thi
Thí sinh sẽ bị đình chỉ và hủy kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm: Mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng trái với quy định, mang vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Ngoài ra, thí sinh cũng bị đình chỉ khi nhận bài giải sẵn của người khác; chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp bài thi của mình hoặc có bài thi giống nhau do chép bài của nhau.
Các trường hợp bị hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo; Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.
Chấm thanh tra 5%
Bộ GD-ĐT cũng quyết định thành lập tổ chấm kiểm tra tại mỗi hội đồng thi tốt nghiệp và Hội đồng chấm thẩm định.
Tổ chấm kiểm tra sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi.
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận của các Hội đồng chấm thi; Hội đồng này chịu trách nhiệm cuối cùng và trình Bộ trưởng về việc xử lý điểm chính thức của bài thi.
Theo Phạm Thịnh
VTC