Thí sinh Sao Mai làm 'đại sứ' văn hóa Việt

Thí sinh Sao Mai làm 'đại sứ' văn hóa Việt
TP - Martina Nguyenora Thủy gây ấn tượng đặc biệt ở đêm chung kết Sao Mai toàn quốc bảng thính phòng khi hát một bài đậm chất dân gian-Tiếng Việt của Nguyễn Lê Tâm.

> Nhìn nhận yếu kém trong phát triển văn hóa
> Ông bí thư cứu hai di sản văn hóa thế giới

Cô gái 19 tuổi mang hai dòng máu Việt-Tiệp chia sẻ quá trình học tiếng Việt và giữ gìn bản sắc quê nội, trong khi cô chỉ ở Việt Nam chưa đầy 2 tháng.

Về Việt Nam lần này, tiếp xúc với nhiều người trong nước, bạn có gặp trở ngại gì với vốn tiếng Việt?

Không ạ. Em được học tiếng Việt từ bé nên cũng hiểu đa số những gì mọi người nói.

Được biết bố Thủy mở trường dạy tiếng Việt ở Séc?

Bố em làm giám đốc trung tâm giáo dục Thanh Thủy dành cho trẻ em có nhu cầu học tiếng Việt. Trung tâm còn mở những lớp học dạy tiếng Tiệp cho người Việt sống ở đây. Hai bố con em còn làm cho trung tâm do người bản xứ mở. Thường em đi dịch ở những lớp học mà Trung tâm đó mở. Mỗi năm họ xếp chương trình đến các vùng quanh thành phố em ở để em vào những trường cấp I, cấp II, cấp III, đôi lúc cả đại học để nói về văn hóa Việt. Tất nhiên em cũng không thể biết hết, nhưng những gì em được học thì em truyền lại cho các bạn. Bên kia người Việt rất đông, nên người Séc cũng muốn hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt. Bên đó họ hay nghĩ người Việt chỉ là những người đi kinh doanh.

Thủy học tiếng Việt ở trung tâm mang tên mình luôn?

Trung tâm của bố em mới mở ra 2 năm thôi. Xưa cộng đồng người Việt cũng không coi tiếng Việt là quan trọng lắm. Nhưng bây giờ họ dần nhận ra, và không muốn con mình đánh mất cội nguồn hay không hiểu về văn hóa Việt.

Khi em ở tuổi mẫu giáo, có chú từ Việt Nam sang ở nhà em mà chú chỉ nói tiếng Việt nên em cũng tập nói theo. Đến lúc có em trai (kém em 2 tuổi), thì càng phải cố gắng nói tốt tiếng Việt để làm gương cho em. Gia đình là môi trường đầu tiên, sau đó em đi hát trong cộng đồng người Việt, nếu nói chuyện với ai đó có gì không hiểu, em hỏi lại ngay lập tức...

Bạn thường hát cho người Việt nghe vào lúc nào?

Vào ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ Vu Lan, lễ Phật đản... Rất tốt khi cộng đồng người Việt góp sức để các em nhỏ gốc Việt ở Séc nói được tiếng Việt, bằng cách tạo ra hoạt động để các em biết ở Việt Nam có những ngày lễ như thế.

Em xác định là ca sĩ Séc, hay sẽ hát cho khán giả Việt Nam?

Còn quan trọng là ở đâu đón nhận mình (cười). Nói thật em chưa nghĩ tới vì xung quanh có rất nhiều thí sinh giỏi. Để đến vòng này của Sao Mai với em cũng là vinh hạnh lớn rồi. Trước tiên em sẽ học hết trung cấp Thanh nhạc bên đó. Tất nhiên em sẽ sắp xếp để về thăm gia đình được nhiều hơn và được làm công việc mà mình yêu thích.

Ở Séc Thủy thường hát những bài gì cho khán giả Việt?

Gần đây em toàn hát những bài chuẩn bị để thi. Còn nếu đi đám cưới, em hát ví dụ Em muốn sống bên anh trọn đời, Giấc mơ trưa, nhưng đa số em hát nhạc đỏ như Bến cảng quê hương tôi, Cô gái mở đường...

Bạn hát đa dạng, vì sao không thi nhạc nhẹ, sẽ nhanh nổi tiếng hơn?

Điều đó cũng có thể nhưng thí sinh nào cũng thế, muốn theo dòng nhạc nào thì mình phải có cảm tình với nó ngay từ đầu. Lúc mới bước vào nhà hát ở Tiệp cùng mẹ, em đã cảm thấy có cái gì rất thu hút. Em rất thích nghe nhạc nhẹ nhưng để theo đuổi em lại muốn dòng thính phòng.

Hát kiểu thính phòng bằng tiếng Việt đối với em rất khó vì có những luyến láy. Khi bà Kim Dung (NSƯT Kim Dung định cư tại Séc- PV) dạy em thì đôi lúc rất buồn cười khi em không luyến đúng nhưng nó có cái gì đó thật là ý nghĩa, tức là nó chạm vào trái tim em thì em mới chọn dòng nhạc đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG