THÔNG TIN CUỘC THI HOA HẬU VIỆT NAM 2014:
Website: http://hoahau.tienphong.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/hhvn2014
Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu
DANH SÁCH KHÁCH MỜI
-
Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Quân chủng hải quân
-
Chỉ huy tàu KN765 (Chi đội kiểm ngư số 3)
-
Hiệp sỹ giao thông Trần Minh Trung
Bí thư Chi đoàn khu Phước Lộc, phường Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ
-
Tỉnh Đoàn Nam Định
13h30 ngày 15/8, tại trụ sở Báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương- Hà Nội) diễn ra buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Người trẻ nơi đầu sóng".
Bốn khách mời tham dự giao lưu là những đại biểu ưu tú về dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ Ba.
Đây là dịp độc giả cả nước trò chuyện với những tấm gương dũng cảm, nghị lực, kiên cường, đi đầu trong các công việc hàng ngày, mang tính tiên phong, không ngại khó, ngại khổ.
BẠN ĐỌC CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI CHO CÁC VỊ KHÁCH MỜI (PHẦN CUỐI BÀI VIẾT NÀY)
Các đại biểu tham gia giao lưu gồm:
Đại uý Cấn Ngọc Sơn đến từ Trường Sa: Từng được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ triển vọng năm 2013, Đại uý Cấn Ngọc Sơn (Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Quân chủng hải quân) có nhiều thành tích xuất sắc, dũng cảm giải cứu tàu gặp nạn.
Năm 2013, anh Sơn cùng đồng đội dũng cảm vượt sóng gió cứu sống 10 ngư dân Phú Yên gặp nạn trên biển ở Trường Sa.
Anh chia sẻ, là lính đảo, nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc, nhưng cũng làm nhiệm vụ bảo vệ cho bà con ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản trên vùng biển quê hương.
Là tấm gương sáng, có thành tích xuất sắc, sẵn sàng chiến đấu trên quần đảo Trường Sa và DK1, anh trở thành đại biểu thanh niên tiên tiến về dự Đại hội lần này.
Kiểm ngư trẻ Phạm Thành Trung: Trở về từ Hoàng Sa sau những ngày đấu tranh bảo vệ chủ quyền, Phạm Thành Trung được chọn là một trong 200 đại biểu thanh niên tiêu biểu.
Sinh năm 1984, là thuyền trưởng trẻ tuổi, Phạm Thành Trung chỉ huy tàu KN765 (Chi đội kiểm ngư số 3) tham gia nhiều chuyến đi biển thực hiện nhiệm vụ của lực lượng kiểm ngư xa bờ.
Anh nói: Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ ngư trường đánh cá cho bà con ngư dân tại khu vực Hoàng Sa, hỗ trợ cấp dầu, nước cho tàu cá của ngư dân trong nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa.
Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tàu KN765 được nhiệm vụ đến khu vực Tây Nam cách giàn khoan HD981 30-40 hải lý, nơi Trung Quốc thường xuyên duy trì khoảng 40 tàu cá vỏ sắt ngăn cản hoạt động của ngư dân Việt Nam để hỗ trợ, bảo vệ bà con ngư dân đấu tranh, bảo vệ chủ quyền.
Thường xuyên đối diện với hiểm nguy, sóng to, gió lớn, Phạm Thành Trung và các kiểm ngư viên kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Hiệp sỹ giao thông Trần Minh Trung: Gần 4 năm đi tìm ổ gà trên các tuyến đường để vá lại một cách tự nguyện, đảm bảo an toàn cho những tuyến đường, Trần Minh Trung (Bí thư Chi đoàn khu Phước Lộc, phường Tân Lộc- Thốt Lốt- Cần Thơ) được Bộ trưởng GTVT trao bằng khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng giao thông nông thôn, được danh hiệu Hiệp sỹ giao thông.
Trung cho biết hiện nay đã thành lập “Đội dặm vá lộ phường Tân Lộc” và hoạt động vá ổ gà có tổ chức hơn. Anh là tấm gương sáng trong cộng đồng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông của địa phương.
Trần Ngọc Thắng - Tuổi trẻ dũng cảm
Học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều người trẻ dũng cảm, đương đầu hiểm nguy để bảo vệ cuộc sống bình yên như Trần Ngọc Thắng (Tỉnh Đoàn Nam Định) mới được T.Ư Đoàn trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm sau khi dũng cảm đấu tranh với tội phạm trộm cắp hộp đen xe container, Thắng đã bị một đối tượng bất ngờ dùng kiếm chém đứt rời bàn tay trái phải điều trị trong thời gian dài.
Cụ thể ngày 4/4/2013, Đồn Công an Khu Công nghiệp Hòa Xá, TP Nam Định nhận được tin báo có 3 đối tượng trộm cắp hộp đen xe container đỗ gần Công ty TNHH Young One.
Lực lượng bảo vệ công ty phát hiện, ngăn chặn, bị các đối tượng manh động dùng kiếm uy hiếp. Đồn Công an Khu Công nghiệp Hòa Xá đã nhanh chóng triển khai lực lượng đến trấn áp, bắt giữ đối tượng. Trong quá trình truy bắt đối tượng, Thượng sỹ Trần Ngọc Thắng đã bị một đối tượng bất ngờ dùng kiếm chém đứt rời bàn tay trái.
Được cấp cứu kịp thời và sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ, bàn tay trái của đồng chí Thắng đã được nối liền và sẽ phải điều trị trong thời gian dài từ 3 đến 6 tháng.
Trần Ngọc Thắng đã được Chủ tịch nước trao tặng “Huân chương dũng cảm”; đạt danh hiệu thanh niên công an Nam Định tiêu biểu năm 2013.
ĐÚNG 13H30, CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU TRỰC TUYẾN BẮT ĐẦU.
Kính thưa bạn đọc,
Nhân dịp Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội (15-17/8), báo Tiền Phong phối hợp với Ban Tuyên Giáo T.Ư Đoàn tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc và một số đại biểu của Đại hội.
Tiền Phong lấy chủ đề giao lưu Người trẻ nơi đầu sóng và mời các đại biểu là thuộc lực lượng quân đội, công an, kiểm ngư... với mong muốn làm rõ hơn những cống hiến, sự chấp nhận hy sinh, gian khổ của những người trẻ dũng cảm, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với Tổ quốc, với nhân dân, đang có mặt ở những nơi khó khăn, gian khó, hiểm nguy mà chúng ta vẫn dùng cụm từ “nơi đầu sóng ngọn gió” để nói.
Đó là Đại úy Cấn Ngọc Sơn đến từ Trường Sa; Kiểm ngư Phạm Thành Trung, chỉ huy tàu kiểm ngư KN765 vừa qua đã tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Hiệp sỹ giao thông Trần Minh Trung (TP Cần Thơ) và Trần Ngọc Thắng, Công an tỉnh Nam Định, huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.
Lấy chủ đề này, Tiền Phong cũng muốn hướng tới biển đảo, hướng tới những chiến sĩ Hải quân, những con người trong các lực lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam – Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cán bộ, nhân viên thuộc các ngành dân sự, ngư dân và nhân dân sống trên các đảo tiền tiêu, những người đang ngày đêm đối mặt sức mạnh của thiên nhiên khắc nghiệt và điều kiện địa lý cách trở, đối mặt cả những mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chủ đề Người trẻ nơi đầu sóng còn hướng tới một nghĩa rộng hơn nữa, đó là ca ngợi và hun đúc lý tưởng cách mạng, lý tưởng sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân, thậm chí cả tính mạng của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc của bao thế hệ người Việt, của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.
Trân trọng cảm ơn bạn đọc và các vị khách mời.
Chúc quý vị có một cuộc giao lưu thú vị, bổ ích.
Kính thưa Đồng chí Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cùng toàn thể các đại biểu thanh niên tiến tiến tham dự chương trình giao lưu trực tuyến.
Cho phép tôi được thay mặt BTC Đại hội xin chia sẻ một số thông tin về Đại hội lần này:
Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ III – 2014 có 200 đại biểu, họ thực sự là những bông hoa nổi bật trong vườn hoa ‘Học tập và làm theo lời Bác’ của tuổi trẻ Việt Nam. Ban tổ chức đã lựa chọn 10 gương mặt tiêu biểu để giới thiệu tham gia chương trình giao lưu trực tuyến tại báo Tiền Phong với chủ đề ‘Người trẻ nơi đầu sóng’ và tại báo Thanh Niên với chủ đề : ‘Nói thật, làm thật’.
Trong 200 đại biểu dự Đại hội lần này, có tới 45 đồng chí đến từ lực lượng vũ trang. Việc lựa chọn này là hàm ý của đại hội nhằm tuyên dương, tôn vinh những người trẻ đang ngày đêm chiến đấu, lao động nơi đầu sóng ngọn gió, những nơi khó khăn, gian khổ nhất, đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, đấu tranh với các loại tội phạm bảo vệ sự yên bình cho cuộc sống của nhân dân.
Chủ đề của Đại hội lần này là: ’Dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn’ nhằm kêu gọi Thanh niên cố gắng tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ khả năng của bản thân, xây dựng hoài bão vì đất nước, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hôm nay chúng ta ngồi đây để cùng chia sẻ với độc giả Tiền Phong nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung về những thành tích, kết quả học tập và làm theo lời Bác của mình. Qua đó, làm nổi bật hơn chủ đề của Đại hội và làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp đã được kết tinh sau 3 năm toàn Đoàn ra sức thi đua thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về việc Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cảm ơn Báo Tiền Phong đã giúp đỡ T.Ư Đoàn tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến này. Mong rằng, sau cuộc giao lưu này, báo Tiền Phong tiếp tục giới thiệu các tấm gương khác của Đại hội để các bạn trẻ trong cả nước được biết đến.
Đối với các đại biểu tiêu biểu tham dự chương trình giao lưu trực tuyến, thay mặt BTC Đại hội kính chúc các đồng chí có những câu trả lời hay, thú vị thảo mãn sự quan tâm của bạn đọc. Đồng thời rất mong các đồng chí sau Đại hội khi trở về địa phương tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp, những trải nghiệm, những kỷ niệm tại Thủ đô về Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đến đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân để trong đại hội lần tới chúng ta sẽ có thêm nhiều những tấm gương mới trong vườn hoa Học tập và làm theo lời Bác của Tuổi trẻ Việt Nam.
Dưới đây là phần trả lời câu hỏi của bạn đọc từ 4 vị khách mời.
- 1. Thời gian: Thứ năm, ngày 14/08/2014 - 13:00
- 2. Địa điểm: Trụ sở Báo Tiền Phong
Những chuyến công tác lênh đênh trên biển, các anh gặp những khó khăn gì? Các anh đã vượt qua như thế nào?
Trên biển có rất nhiều yếu tố khó khăn như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hạn chế về thông tin…, đặc biết là trong giai đoạn khó khăn vừa qua có những lần bị tàu Trung Quốc đâm va. Nhưng chúng tôi luôn xác định tốt ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tôi luôn có một tâm niệm mỗi người chỉ một lần sinh ra và chết đi. Trường hợp được hy sinh vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là sự ra đi đầy ý nghĩa. Điều này cũng được mình tâm sự trao đổi với anh em trên tàu KN765. Đây cũng là một trong những yếu tố để chúng tôi khắc phục mọi khó khăn, không hề nao núng để bình tĩnh xử lý các tình huống phức tạp trên biển trong những ngày biển Đông “dậy sóng”.
16h00, cuộc giao lưu trực tuyến kết thúc. Báo điện tử Tiền Phong trân trọng cảm ơn các vị khách mời và quý bạn đọc!Chi phí để anh thực hiện việc này đến từ đâu? Tiền xăng, xe đi lại cũng do anh tự bỏ ra tất cả?
Số tiền để mua vật liệu vá đường mình dành từ việc đi làm mướn, phu hồ, cắt lúa... Có lần mình còn dùng cả tiền bán bò của gia đình để làm việc này bởi mình thấy tính mạng con người là trên hết.
Sau khi biết được việc làm ý nghĩa của mình, nhiều cá nhân ở địa phương cũng đã ủng hộ vật liệu, tiền, dụng cụ, máy móc, xe ba gác... cho đội vá lộ của mình thực hiện được nhiều hơn.
Mỗi ngày đội của mình đi lại cả chục cây số, cũng tốn chi phí xăng xe nhưng mình và các thành viên đều chia sẻ, hỗ trợ nhau nên cũng phần nào công việc cũng thuận lợi.
Anh Trần Minh Trung từng bị tai nạn liên quan ổ gà, hay anh đã chứng kiến vụ tai nại nào vì người đi đường vướng ổ gà không?
Mình cũng từng là người gặp nạn do ổ gà, ổ trâu của đường. Đồng thời cũng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn của người dân. Vì thế, trong mình thôi thúc suy nghĩ làm công việc thiện nguyện vá đường này.
Thường anh thực hiện việc dặm vá đường lúc nào? Điều này có ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của anh và gia đình không?
Đội của mình thường thực hiện công việc cũng khá sớm, khoảng từ 6h sáng. Có những lúc thì bắt đầu từ đầu giờ chiều, hoặc cũng có khi là buổi đêm vì còn phụ thuộc vào thời gian, công việc của các thành viên.
Thực ra, công việc vá đường của mình cũng có ảnh hưởng đôi chút tới cuộc sống thường ngày và sinh hoạt của gia đình. Có những hôm mình không ăn cơm nhà mà làm miết từ sáng tới tối mịt, chỉ ăn tạm những đồ ăn vặt. Hoặc có khi xài những đồ mà bà con hảo tâm cho.
Theo em được biết, hiện đã thành lập Đội dặm vá lộ phường Tân Lộc. Đội có bao nhiêu thành viên và hoạt động như thế nào?
Đội dặm vá lộ của mình có 40 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ cụ già 82 tuổi đến các em nhỏ 13-14 tuổi cũng tự nguyện tham gia.
Hàng ngày, các thành viên của Đội đi dọc các con đường ở địa phương xem chỗ nào hư hỏng thì sửa chữa. Thậm chí còn sang cả các huyện khác như Cờ Đỏ, Trung Nhất, Trung Kiên, Thới Thuận.... Nói chung cứ chỗ nào hỏng đường là đội của mình có mặt.
Anh Thắng có thể chia sẻ chút thông tin về cuộc sống hàng ngày, cũng như nhiệm vụ phá án?
Một ngày của tôi, sáng 7h có mặt tại cơ quan để giao ban tình hình trong ngày và nhận nhiệm vụ mới của chỉ huy. Hôm nào đến lịch trực thì phải chấp hành nghiêm giờ giấc không quản trời nắng hay mưa. Khi có việc xảy ra, phải ngay lập tức có mặt tại hiện trường để giải quyết...
Vào buổi tối, trong mỗi ca trực chúng tôi tổ chức tuần tra quanh địa bàn được giao, phối hợp cùng lực lượng bảo vệ của các công ty trong Khu công nghiệp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Bây giờ tôi vẫn đang sống cùng bố mẹ trong một gia đình có 3 thế hệ. Hết giờ làm việc, cơ quan chúng tôi thường giao lưu thể dục, thể thao với các đơn vị xung quanh để nâng cao sự gắn kết, thiết lập mối quan hệ... giữa lực lượng công an với quần chúng nhân dân.
Theo anh Trần Ngọc Thắng, những điều khó nhất để trở thành một chiến sĩ công an giỏi là gì?
Để trở thành một sĩ quan công an giỏi, theo tôi, điều đầu tiên là phải luôn trau dồi lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật. Phải luôn học tập, bồi dưỡng kiến thức để luôn luôn bắt kịp mọi phát triển của thời đại. Ngoài ra, một điều không phải là mới mẻ, nhưng luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cán bộ, chiến sỹ CAND là luôn lấy Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND, Năm lời thề danh dự và 10 điều kỷ luật. Nếu hoàn thành tốt những điều trên thì sẽ luôn có ý chí vượt qua mọi thử thách trong công tác cũng như trong cuộc sống.
Điều khó nhất là có được sự tin yêu của quần chúng nhân dân vì quần chúng nhân dân là đôi mắt, là đôi tai, đôi tay của lực lượng CAND. Nếu được nhân dân tin yêu thì không có một trở ngại gì.
Không chỉ trong lực lượng CAND mà đối với toàn xã hội, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một điều căn bản giúp thế hệ trẻ như chúng tôi biết phát huy truyền thống cha ông đi trước, tu dưỡng bản thân, làm người có ích cho xã hội...
Câu hỏi cho anh Cấn Ngọc Sơn: Vừa rồi trong một chương trình tọa đàm của những người trẻ có chủ đề “Tôi và Đất nước”, có đặt ra vấn đề đất nước trong bạn là gì. Nay em cũng muốn hỏi anh “Đất nước” đối với anh là những gì? Nơi đầu sóng ngọn gió, anh nghĩ gì về tuổi trẻ, về đất nước, nhất là những ngày biển Đông dậy sóng vừa rồi?
Đất nước đối với tôi là những hình ảnh bình dị quen thuộc gắn với lũy tre làng, dòng sông quê, là mái trường học, cánh đồng lúa, nương ngô, là những tuổi thơ êm đêm. Lớn lên, trưởng thành, gia nhập lực lượng vụ trang, tôi may mắn được công tác ở đảo Trường Sa, tôi nhận thức rõ hơn về đất nước, đó là biển, đảo chủ quyền thiêng liêng, là lòng tự tôn và tự hào dân tộc.
Khi đất nước bị đe dọa chủ quyền, những ngày Biển Đông dậy sóng, tôi nhận thấy tình yêu đất nước vô cùng lớn lao trỗi dậy trong thế hệ trẻ, họ lên tiếng để bảo vệ chủ quyền trước hành động đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cụ thể, giới trẻ đã có nhiều hành động quyên góp, ủng hộ các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư đang , chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tôi cũng là một người trẻ, luôn xác định hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên từng cương vị công tác, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bám biển bảo vệ quê hương, các anh có bao giờ bị say sóng không? Những lúc ốm đau, trên tàu có bác sĩ khám sức khỏe cho các anh không?
Những ngày lênh đênh trên biển, vẫn có một số trường hợp bị say sóng, thường là những người mới ra biển. Trên tàu chúng tôi có nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho anh em.
Những kỉ niệm đội nắng vá đường đáng nhớ nhất của anh là gì, anh Trần Minh Trung?
Cho đến thời điểm này, mình làm công việc thiện nguyện này được khoảng 7 năm. Ban đầu, do mình không có nhiều chuyên môn về cầu đường, xây dựng nên cũng gặp khó trong thi công. Có những lần, vá xong đường không được bao lâu thì lại hỏng, rồi mình lại vá rồi lại hỏng. Tuy nhiên, mình không nản chí và tiếp tục làm bằng được.
Có những hôm, vừa vá xong một điểm thì gặp mưa xối xả, mình phải dầm mưa để che đậy. Thậm chí, còn bị người đi đường chửi vì cho rằng mình 'chiếm dụng' làn đường, gây 'cản trở' giao thông.
Khoảng 5 năm trước, đúng vào giờ tan tầm, khi đó lượng xe cộ đi lại đông, chỉ có một mình mang vật liệu ra vá đường và mình phải ngồi canh cả đêm để cho xe cộ không đi qua làm hỏng chỗ mình vừa vá. Mình phải ngồi canh vì không dám quây gạch hay đồ vật nào vào chỗ mới vá dễ gây ảnh hưởng an toàn giao thông. Mình cứ ngồi trông cho đến khi lượng xe qua lại ít dần thì mình mới về.
Cảm nghĩ của anh thế nào khi được phong Tuổi trẻ dũng cảm? Anh và đồng đội sẽ làm gì để xứng đáng với những sự tôn vinh ấy?
Sau thành tích cương quyết tấn công tội phạm đến cùng, tôi vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. T.Ư Đoàn cũng tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho tôi vì dũng cảm trong truy bắt tội phạm. Đó là sự ghi nhận những cống hiến, hy sinh của bản thân tôi cho công tác phòng, chống tội phạm.
Tôi luôn tâm niệm, ghi nhớ Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đó là: Đối với công việc, phải tận tụy, dù đó là nhiệm vụ thường ngày hay là nhiệm vụ quan trọng, tôi và đồng đội đều phải cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất để không phụ lòng tin của ngành đã giao cho chúng tôi.
Câu hỏi cho anh Phạm Thành Trung: Được biết, tàu của Việt Nam khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy rối, đâm va, gây áp lực, phun vòi rồng… Lúc đó, trên tàu, các anh có suy nghĩ gì?
Chúng tôi luôn chấp hành nghiêm phương châm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước kiên quyết đấu tranh bằng phương pháp hòa bình; Kiên trì, khôn khéo, không mắc mưu khiêu khích từ phía các tàu Trung Quốc.
Câu hỏi cho anh Cấn Ngọc Sơn: Trong cuộc sống, công việc hằng ngày, anh đã có những việc làm và suy nghĩ gì để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh? Cách lan tỏa và thuyết phục những người khác tham gia là gì?
Trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm là bản thân luôn nỗ lự dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong mọi công việc để đoàn viên thanh niên và cấp dưới neo theo, trong thời gian công tác ngoài đảo xa luôn rất nhiệt tình hướng dẫn cấp dưới những việc chưa biết để cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trách nhiệm từ việc nhỏ nhất và phải có cái tâm trong công việc.
Về chống chủ nghĩa có nhân, tôi luôn phê bình những quan điểm sai trái, sống vì có nhân vì gia đình mà không nghĩ tới tập thể. Đặc biệt hiện nay trong xã hội hiện nay có một số cán bộ đảng viên suy thoái về đạo đức làm ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân với Đảng như tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức quyền làm trái quy định của pháp luật.
Về nói đi đôi với làm, tôi luôn nói là làm và làm hết trách nhiệm của mình với từng công việc.
Rất vinh dự cho bản thân tôi về tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Đây cũng là một dịp để tôi được giao lưu, học tập và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Sau Đại hội, trở về với đơn vị, tôi sẽ truyền đạt những tinh thần và nội dung của Đại hội đến với cán bộ chiến sĩ và đoàn viên thanh niên trẻ nâng cao tinh thần, nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Vì sao trong nhiều năm qua anh lại đi tìm ổ gà trên đường để tự nguyện vá lại? Những lần làm việc đó, anh suy nghĩ gì và có được người thân ủng hộ không?
Hiệp sỹ giao thông Trần Minh Trung
Xin cảm ơn câu hỏi của bạn!Do đường Cù Lao Tân Lộc nơi mình ở 5 năm về trước mỗi khi nước lũ lên, nhiều đoạn đường ngập gây bị hư hỏng, nhiều ổ trâu, ổ gà... gây khó khăn cho việc đi lại của bà con và các em học sinh. Mình từng chứng kiến có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đoạn đường này mà phần lớn do chất lượng đường quá xấu. Là một thanh niên phường Cù Lao Tân Lộc mình thấy bức xúc, xót xa về những rủi ro đáng tiếc đó nên mình tự nguyện đi vá, sửa chữa những điểm hư hỏng của con đường.
5 năm trước, mình vá bằng xi măng nhưng chất lượng cũng không tốt lắm, sau đó mình chuyển sang vá bằng nhựa nên chất lượng bền chắc.
Thời gian đầu, một số người thấy việc làm của mình cho rằng 'kỳ kỳ', cha mẹ khi biết việc này cũng không đồng ý lắm vì thấy việc làm của con hàng ngày quá vất vả, không còn nhiều thời gian cho công việc khác của gia đình, phụ giúp cha mẹ. Thậm chí, lại còn mang tiền bán bò của gia đình đem mua vật liệu để sửa chữa đường.
Tuy nhiên, mình cũng điều chỉnh phù hợp thời gian để phụ giúp gia đình, hàng ngày vẫn cắt cỏ nuôi bò, đồng thời cũng trao đổi với cha mẹ về ý nghĩa to lớn của việc làm trên nên cha mẹ sau đó cũng đỡ phiền lòng và cảm thấy tự hào về những việc làm của mình. Thậm chí, nhiều người cũng ủng hộ tiền, vật liệu để cho mình tiếp tục đi vá đường.
Nhiều cấp chính quyền sau khi biết được việc làm của mình đã khen ngợi, động viên, tặng giấy khen cấp phường, quận, thành phố và trung ương. Gần đây nhất, mình được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng gởi thư khen ngợi, tặng quà 10 triệu đồng. Ngoài ra còn được tặng bằng khen 'Vì sự phát triển sự nghiệp Giao thông nông thôn' của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Giao thông vận tải..
Câu hỏi cho anh Phạm Thành Trung: Trong những ngày các anh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, người dân cả nước đã có nhiều hành động ủng hộ, quyên góp… Anh nghĩ gì về điều này?
Những tình cảm, hành động ý nghĩa của người dân cả nước dành cho những người nơi đầu sóng là nguồn động viên tinh thần to lớn để chúng tôi cố gắng khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Thắng đã lập gia đình chưa? Người thân của anh có bao giờ lo lắng đến sức khỏe của anh mà khuyên anh không đối đầu tội phạm nguy hiểm không?
Tôi hiện tại còn đang rất trẻ, SN 1989, vẫn chưa có ý định lập gia đình. Tôi còn có ý định sẽ học tiếp để nâng cao trình độ, phục vụ cho công tác.
Mỗi khi tôi có đi sớm về muộn hay gia đình biết đi làm nhiệm vụ thì câu nói thường trực của mẹ tôi là "Con phải hết sức cẩn thận". Bố tôi thì đợi cửa đến bao giờ tôi về chứ không bao giờ gọi điện vì bố tôi biết công việc của tôi giống như công việc của bố tôi đã từng trải qua.
Tôi thấy những chiến sĩ công an chân chính đương đầu với tội phạm nguy hiểm luôn là những tấm gương để học tập. Vì nhiệm vụ, vì sự bình yên của nhân dân, họ có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Những lần đánh án lớn, anh Thắng thường lo ngại điều gì nhất cho bản thân, gia đình nhé?
Điều tôi lo lắng nhất mỗi khi đi làm nhiệm vụ là các đối tượng hình sự hiện nay đều rất trẻ, khi phạm tội đều phạm tội đến cùng và rất manh động. Với tuổi trẻ như vậy, họ cần phải tu dưỡng bản thân để cống hiến cho gia đình và xã hội chứ không phải trở thành tội phạm, để đến lúc phải hối tiếc tuổi thanh xuân lầm lỡ.
Nơi đầu sóng ngọn gió, điều làm anh yên tâm công tác là gì?
Nắng gió là thế, xa xôi là vậy, điều làm tôi yên tâm công tác là được gia đình, người yêu và bây giờ là vợ luôn ủng hộ động viên, quan tâm trong thời gian tôi công tác ở đảo Trường Sa, đặc biệt hơn nữa là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Trong thời tôi công tác ở quần đảo Trường Sa cũng được rất nhiều các đoàn dân chính Đảng ra thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần cũng như vật chất (bánh kẹo, các tặng phẩm...). Điều quan trọng, bản thân tôi cũng xác định luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu hỏi cho anh Phạm Thành Trung: Lúc các anh đi làm nhiệm vụ thì gia đình, người thân, người yêu, vợ, con nhắn nhủ những gì? Lúc nhớ nhà, nhớ gia đình, vợ con thì các anh làm gì?
Gia đình luôn là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Những người thân luôn nhắn nhủ động viên chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Những lúc nhớ nhà, nhớ gia đình chúng tôi thường mang những tấm hình của vợ con, người thân ra xem và tự hứa với lòng mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có lẽ, là thuyền trưởng trẻ làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải ở Hoàng Sa thời gian qua là một trong những nhiệm vụ ý nghĩa nhất của anh Trung. Trở về đất liền, anh thấy bài học lớn nhất sau chuyến công tác vừa qua là gì? Cảm ơn anh.
Là mình được rèn luyện bản lĩnh ý chí và trình độ xử lý các tình huống phức tạp trên biển quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của quê hương, cũng như hỗ trợ, bảo vệ ngư dân bám biển khai thác ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam.
Câu hỏi cho anh Cấn Ngọc Sơn: Công tác ngoài hải đảo, những lúc bình thường, điều gì đã giúp anh vượt qua nỗi nhớ nhà, hay lo lắng cho người thân; vượt qua những khó khăn để can trường?
Để cho tôi vượt qua những khó khăn đó bản thân tôi đều luôn có ý chí quyết tâm, nỗ lực vươn lên, không ngại vất vả, không ngại gian lao, luôn xác định hoàn thành từ việc nhỏ nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Câu hỏi cho anh Trần Ngọc Thắng: Là người giữ vững an ninh trật tự xã hội nơi đất liền, anh thấy giữa anh và những chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió có điểm gì giống và khác nhau.
Lời đầu tiên, tôi rất cảm phục những người lính đang công tác ngoài đảo xa. Họ là những tấm gương để thanh niên trẻ như tôi phải học tập bởi vì họ đã hy sinh rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần để cống hiến sức trẻ gìn giữ bảo vệ Tổ quốc.
Đối với tôi và những người làm nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ trật tự, an ninh trên đất liền thì cũng chung một lý tưởng, một mục đích là bảo vệ bình yên cho nhân dân, cuộc sống của mọi người và cao nhất là bảo vệ Tổ quốc, theo lý tưởng "Không có gì quý hơn Độc lập, tự do".
Bảo vệ sự bình yên cho người dân và xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng để phát triển an ninh kinh tế đất nước, để các chiến sĩ đang công tác ngoài đảo xa vững tin về hậu phương của mình.
Anh Trần Ngọc Thắng có thể kể một vài kỉ niệm mà anh nhớ mãi khi làm nhiệm vụ không? Lúc đối đầu nguy hiểm, anh có lo sợ kẻ xấu không?
Tôi nhớ nhất một kỷ niệm, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2013, khi một công ty trên địa bàn KCN Hòa Xá báo mất trộm 150 triệu đồng. Số tiền để trong tủ có khóa, nhưng vẫn bị mất mà chiếc khóa ấy chỉ có vợ chồng giám đốc công ty có chìa khóa. Sự việc này làm cho hai vợ chồng giám đốc nghi ngờ lẫn nhau, nhất là lại trong dịp Tết.
Khi chúng tôi xuống, khám nghiệm hiện trường, kết quả điều tra cho thấy chỉ có một ô cửa sổ quên chưa hạ chốt hết, vẫn mở ra được. Qua truy xét thời gian những người làm trong công ty lúc đó có mặt gần hiện trường, chúng tôi đã tìm ra thủ phạm là người lái xe trong công ty. Chúng tôi đã thu lại số tiền bị mất, xóa đi sự nghi ngờ của hai vợ chồng giám đốc Công ty.
Lúc đối đầu với những đối tượng nguy hiểm, chúng tôi rất sợ. Sợ có thể ảnh hưởng đến những người dân vô tội khi chúng tôi làm nhiệm vụ. Sợ có thể chỉ một hành động nhỏ của chúng tôi làm cho những người khác hiểu nhầm để cho đối tượng lợi dụng điều đó gây khó khăn cho nhiệm vụ chúng tôi phải làm. Điều sợ nữa là gia đình của chúng tôi lo lắng, nhưng vì nhiệm vụ được giao, chúng tôi vẫn vui vẻ nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi Đảng, Nhà nước và Nhân dân cần đến.
Câu hỏi cho anh Phạm Thành Trung: Những ngày lênh đênh trên biển để bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam, một ngày sinh hoạt trên tàu của các anh gồm những gì?
Những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển của Tổ quốc, chúng tôi không kể ngày đêm luôn phân công ca kíp trực sẵn sàng đối phó với các tình huống, không để bị động bất ngờ.
Câu hỏi cho anh Trần Ngọc Thắng: Làm cảnh sát thì có nhiều nguy hiểm. Từ bao giờ và điều gì để Thắng có ý định trở thành một chiến sỹ cảnh sát?
Là người trong lực lượng vũ trang nhân dân, có sự đam mê, cống hiến để phục vụ bình yên đến cho nhân dân, là một thanh bảo kiếm của Đảng và Nhà nước thì sự nguy hiểm đó chỉ là một phần nhỏ trong tất cả công việc mà lực lượng công an nhân dân đã nhận và hoàn thành xuất sắc.
Từ khi nhận thức ông nội tôi là một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, và bố tôi cũng là một sỹ quan công an nhân dân, tôi có mong ước sẽ là người bảo vệ bình yên cho xã hội, nên ngay từ ngày học THPT, tôi đã có ước mơ khoác lên mình bộ cảnh phục xanh, được cống hiến sức mình, đem lại bình yên cho mọi người.
Gửi anh Trần Ngọc Thắng: Dù trong thời bình vẫn có những người chiến sỹ cảnh sát ngã xuống. Anh có suy nghĩ về điều này? Những tấm gương này có ảnh hưởng tới những người như anh thế nào? -Mọi người nói, cảnh sát thường rất khô cứng, nguyên tắc. Anh có vậy không? Ở công an có những điều gì lãng mạn? -Những ngày nằm trong viện điều trị vết thương, anh nghĩ gì cho tương lai khi vết thương hồi phục? Bị thương vậy anh có tiếp tục gắn bó với ngành?
Trong lịch sử 69 năm thành lập và lớn mạnh của lực lượng CAND, có những tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ bình yên cuộc sống. Có những tấm gương hy sinh âm thầm, lặng lẽ vì nhiệm vụ mà phải yêu cầu bí mật, có những tấm gương dũng cảm được mọi người biết đến, cảm phục. Nên khi bước chân vào ngành, khi khoác màu áo của lực lượng CAND, tôi càng thấm thía hơn sự vinh quang và trách nhiệm, trọng trách của công an được Đảng và nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao phó.
Những người cảnh sát trẻ như tôi trong công việc thì phải hết sức nghiêm túc để cho nhân dân hiểu và tin tưởng. Ngoài giờ làm việc, khi không thực hiện nhiệm vụ, thì chúng tôi cũng giống như bao thanh niên khác, cũng lãng mạn, cũng có các hoạt động giao lưu, thể dục, thể thao với các đơn vị khác...
Những ngày nằm điều trị vết thương, tôi hiểu hết được tình cảm của đơn vị, của lãnh đạo CA tỉnh nơi tôi công tác, tình cảm của các bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức chăm lo cho tôi từ giấc ngủ, chăm sóc vết thương...Cả tình cảm của nhân dân khi biết đến trường hợp của tôi khi truy bắt tội phạm đã đến động viên, thăm hỏi, coi như con em trong nhà. Đây là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc này và sẽ còn phấn đấu hơn nữa...
Anh Cấn Ngọc Sơn có thể kể cho chúng em cuộc sống của các anh nơi đảo xa không? Những lúc rảnh rỗi, ở đảo, các anh thường làm gì?
Cuộc sống ở đảo thường ngày chúng tôi học tập, canh trực, huấn luyện các phương án theo kế hoạch của cấp trên, tổ chức đơn vị, tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, chăm sóc vật nuôi (nuôi chó, heo, ở một số đảo nuôi gà, ở đảo nổi nuôi bò).
Những lúc rảnh rỗi tổ chức cho bộ đội giải trí bằng thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, tổ chức văn nghệ. Cán bộ chiến sỹ đều thuộc các bài hát về Trường Sa, yêu thích văn nghệ. Tôi cũng thường xuyên đi đầu trong công tác tổ chức giao lưu văn nghệ. Mỗi thứ bảy, chủ nhật, bộ đội Trường Sa hát karaoke.
Ngày lễ, Tết, dù điều kiện thiếu thốn nhưng cán bộ tổ chức nhiều trò chơi sáng tạo như ném vòng, ném bóng, thi đấu cờ tướng, thi văn nghệ giữa các tổ, nhóm, giải thưởng có thể là một chai dầu gội đầu, xà bông tắm, khích lệ tinh thần các đoàn viên thanh niên trẻ.
Thời gian rảnh rỗi chúng tôi cũng tận dụng để trồng rau dù thời tiết khắc nghiệt, trồng vào khay nhựa, đất và giống chuyển từ đất liền ra. Các loại rau thường trồng như rau muống, mồng tơi, cải, dền, rau bầu đất, sam... Mùa hè trời nắng to khi trồng rau mới nhú phải lấy bao, tấm lưới đen để che chắn. Khi thời tiết gió bão, quây gọn có những túi đóng chắn gió, bão. Cán bộ chiến sỹ đều nhiệt tình tiếp đón các đoàn ra thăm.
Xin hỏi cho anh Trần Ngọc Thắng: Từ khi bị thương ở tay, cuộc sống của anh thay đổi như thế nào? Hẳn sẽ có những trở ngại trong sinh hoạt, cuộc sống, và anh đã vượt qua như thế nào? Điều gì là động lực để anh vượt qua?
Trong cuộc sống hiện tại, lúc thay đổi thời tiết, bàn tay trái của tôi vẫn rất đau, và nhiều khi không thể làm được một số việc. Lúc đó thì gia đình sẽ hỗ trợ. Ở cơ quan thì tôi cũng được các đồng đội trong đơn vị hỗ trợ một số công việc.
Tôi nghĩ, dù bị thương ở tay nhưng đây vẫn là một may mắn lớn đối với tôi. Các đồng chí, đồng đội của tôi có những trường hợp còn bị thương nặng hơn, hay các bác, các chú đi trước, trong lịch sử 69 năm của lực lượng công an nhân dân trong công cuộc giữ gìn trật tự an ninh Tổ quốc.
Động lực để tôi vượt qua là những tấm gương của những thế hệ đi trước trong lực lượng công an nhân dân, và những tấm gương anh hùng khác trong lịch sử bảo vệ và giữ nước của dân tộc ta. Một phần cũng do được đào tạo và học hỏi trong nhà trường, học hỏi các đồng chí, đồng đội...
Anh Sơn có được hay về phép thăm gia đình không? Mỗi lần về phép có được dài ngày không anh?
Thường một năm tôi được phép một lần về thăm gia đình. Mỗi lần về được một tháng hoặc hơn một tháng. Khi đơn vị có nhiệm vụ cần gấp tôi quay trở lại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ.
Em xin gửi câu hỏi cho anh Trần Ngọc Thắng: Khi đối mặt với 3 đối tượng trộm cắp có hung khí vào ngày 4/4/2013, anh Thắng nghĩ điều gì? Nếu làm lại anh có chọn cách xử lý khác trước tình huống này. Ngoài trường hợp này, anh đã đối mặt với những trường hợp, đối tượng nguy hiểm nào khác không?
Vào lúc 1h30 rạng sáng ngày 4/4/2013, tôi đang trực tại đơn vị thì nhận được tin báo của Lực lượng bảo vệ công ty Young One ở địa bàn Khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định) về việc một nhóm đối tượng đi xe ô tô 4 chỗ dùng hung khí đe dọa, khống chế lực lượng bảo vệ của công ty nhằm trộm cắp tài sản trên xe container, xe chở thiết bị may trị giá khoảng 6 tỷ đồng đang đỗ trước cổng.
Ngay lập tức, tôi đã báo cáo cho đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Phó trưởng Đồn CA khu công nghiệp, đồng chí Hoa đã khẩn trương phân công tôi và 2 đồng chí khác trong ca trực xuống ngay hiện trường để truy bắt nhóm đối tượng này (vì đây là loại đối tượng có hành vi phạm tội mới thường xảy ra tại địa bàn các khu công nghiệp miền Bắc với cách thức hoạt động liều lĩnh).
Khi xuống hiện trường, các đối tượng đã bỏ chạy. Nhưng với quyết tâm phải bắt và làm rõ hành vi vi phạm này, chúng tôi đã truy đuổi nhóm tội phạm. Khi tôi gần bắt được 1 đối tượng từ gầm xe container chui ra thì bị đối tượng khác dùng kiếm chém từ đằng sau. Lúc đó, tôi chỉ kịp giơ gậy vụt về hướng của đối tượng cầm kiếm và né người sang bên.
Khi cảm thấy tay đau buốt, nhìn xuống thì thấy bàn tay trái bị đứt rời, máu đang chảy xối xả. Tôi lấy tay phải bịt lấy bàn tay trái bị đứt, tiếp tục hô đuổi để các đồng chí đi cùng biết, chủ động tấn công và truy bắt đối tượng. Sau đó, đồng đội của tôi đã bắt gọn cả ổ nhóm tội phạm nói trên.
Trong giờ phút phải đối mặt với sự hiểm nguy, có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình, nhưng tôi kịp suy nghĩ rằng, làm sao phải bắt gọn được các đối tượng nói trên để chúng không gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của nhân dân.
Nếu được làm lại, tôi không thể chọn phương án nào khác, vì không thể để nhóm đối tượng tẩu thoát được.
Trong thời gian công tác tại Đồn CA khu công nghiệp Hòa Xá, hoạt động trong tổ hình sự, tôi thường va vấp với nhiều loại tội phạm từ nhiều nơi khác đến, và có nhiều hành động nguy hiểm. Ví dụ có các đối tượng trộm cắp dây điện thoại trong thời điểm gần Tết Nguyên Đán năm 2012. Tổ chúng tôi phải mật phục về đêm, với thời tiết rét buốt, mưa lạnh. Với ý chí quyết tâm phải tìm ra thủ phạm, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo giữ an toàn thông tin liên lạc Khu công nghiệp...
Câu hỏi cho anh Phạm Thành Trung: 1, Được biết, anh là thuyền trưởng trên tàu kiểm ngư 765 - một trong số các tàu tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Khi thực hiện nhiệm vụ, anh và đồng đội suy nghĩ gì?
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ của một kiểm ngư viên, chúng tôi luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Việt Nam của một người công dân yêu nước.
Trong quá trình đấu tranh trên thực địa có nhiều khó khăn, thách thức, tôi và những đồng đội luôn động viên nhau quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.