Tôn vinh vẻ đẹp tinh tế
Nhà thiết kế áo dài Lan Hương (giữa) có cơ duyên với áo dài nhờ thí sinh HH Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
Dù rất bận với nhiều dự án NTK Lan Hương đồng ý đồng hành với concept chủ đề “Mộc” và màn Áo dài sân khấu đêm chung khảo. Ðạo diễn gửi cho NTK hình ảnh phác thảo sân khấu với những cái nơm, đó đan tre cách điệu và nhắn “chị phiêu đi!”. NTK chỉ có một tháng để thực hiện đề bài: Trong sự mộc mạc phải có sự mềm mại thướt tha của lụa. Phải kết hợp vẻ đẹp mộc và tinh tế của văn hóa kinh Bắc. Các họa tiết hoa sen, cánh hạc, cổng làng cổ, tranh Ðông Hồ Hàng Trống… biểu trưng vẻ đẹp dung dị của thiên nhiên kinh Bắc được thể hiện trên lụa và 100% thêu tay, hai mặt đẹp đều nhau. 40 chiếc áo dài trong bộ sưu tập “Nét son” sẽ có tông màu chủ đạo nóng ấm. Mỗi nhóm thí sinh có một chủ đề tông màu và họa tiết riêng, sinh động nhưng vẫn hài hoà với nền tổng thể của Mộc.
Xưởng 200 thợ của Lan Hương phải tạm dừng mọi đơn hàng, tập trung hoàn thiện 40 tác phẩm áo dài. NTK cho biết áo sẽ có dáng truyền thống, mặc quần trắng “đây cũng là mẫu tôn đường cong duyên dáng nhất của người phụ nữ Việt Nam”.
Qui trình thực hiện một tác phẩm Áo dài Lan Hương khá kỳ công. NTK tự tay vẽ phác thảo từng chiếc áo với tỉ lệ 1/1 trên giấy can. Có một đội ngũ thợ châm kim lên nét vẽ, sau đó đặt giấy can lên áo (đã lên form lụa) dùng bột màu in. Tiếp đó tấm vải đã in được căng khung để thêu. Thêu xong rồi mới hoàn thiện. Lan Hương chỉ sử dụng lụa Vạn Phúc dệt tay 100%, thêu tay cũng 100%. Dù đường thêu tỉ mỉ như một bức tranh, tà áo vẫn bay nhẹ khi có gió.
Bước ngoặt sự nghiệp
NTK Lan Hương có cơ duyên chuyển từ thiết kế áo cưới, đầm dạ hội sang áo dài cũng là do các thí sinh Hoa hậu VN từ hồi những năm 2000. Hồi đó ở Hà Nội, hầu hết các thiếu nữ đi thi nhan sắc chỉ trông chờ vào một hai nhà thiết kế độc quyền. Một lần có một em sinh viên đặt may áo dài để thi Hoa hậu, gặp phải thái độ phũ phàng của nhân viên nhà may tên tuổi, em này về khóc nức nở chia sẻ với Lan Hương. Thương hiệu Lan Hương lúc đó chỉ gắn với áo cưới và trang phục dạ hội, các thí sinh đến đặt may nhân thể nhờ chị Hương đi cùng tư vấn mẫu áo dài. Lan Hương cùng các em đi tìm mà chính chị không thấy ưng mẫu nào. Trong đầu chị nảy ra ý nghĩ “hay là mình may áo dài”. Chiếc áo dài đầu tiên chị đã tự thực hiện từ khâu cắt, vẽ phác thảo, in màu và may. Từ đó đến nay, chị vẫn tự tay vẽ phác thảo họa tiết của từng chiếc áo dài.
Rất nhiều thí sinh, Hoa hậu, Á hậu của HHVN từng mang áo dài Lan Hương trong và sau cuộc thi sắc đẹp. Bùi Bích Phương, Ngọc Hân, Kỳ Duyên, Huyền My, Thuỵ Vân…đều tìm đến Áo dài Lan Hương vào những dịp quan trọng . Riêng mùa thi HHVN 2008, một nửa số lượng thí sinh mang áo dài Lan Hương trong hành trang đến Hội An.
Theo kịch bản của Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam, tiết mục chào sân Ðêm Chung khảo phía Bắc là màn Áo yếm (NTK Brian Võ) với áo yếm trắng, váy đụp đen quyến rũ giúp các thí sinh thể hiện được phần eo, phần lưng nuột nà. Tiếp đó là màn Áo dài của nhà thiết kế Lan Hương giúp thí sinh khoe nét duyên riêng có của phụ nữ Việt Nam, đồng thời quảng bá vẻ đẹp của văn hóa truyền thống vùng kinh Bắc qua hoa văn thêu độc đáo trên tà áo dài.
Sáng sớm ngày 12/7 thị xã Cửa Lò đón các thí sinh dự Chung khảo phía Bắc trong thời tiết mát dịu. Buổi chiều cùng ngày, sau phần gặp gỡ Ban tổ chức, phổ biến qui chế, các thí sính bước vào buổi tập catwalk đầu tiên.