Thí sinh Trần Thị Ngọc Bích (SN 1999, quê Hà Tĩnh) là một trong 5 thành viên của nhóm thí sinh thực hiện dự án nhân ái “Hy Vọng”, với công trình xây trường mầm non cho trẻ em tại thôn vùng cao của tỉnh Hà Giang. Ngọc Bích cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là về thời tiết nhưng Bích cùng các thành viên trong nhóm đã cố gắng hết sức mình để đem lại hy vọng cho bà con nơi đây.
Bích chia sẻ: “Nhờ có dự án nhân ái mà em có cơ hội được đến với bà con dân tộc Dao. Ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là môi trường giáo dục. Với dự án của mình, chúng em hy vọng sẽ giúp trẻ emthuận tiện hơn trong việc đến trường cũng như hy vọng sẽ có nhiều ngôi trường được mọc lên ở các xã vùng cao khác”.
Nhóm thí sinh đầu tiên hoàn thành phần thuyết trình về dự án nhân ái của mình.
Thí sinh Phan Cẩm Nhi (SN 2000, đến từ Đà Nẵng), thành viên nhóm thực hiện dự án tri ân thương binh liệt sĩ chia sẻ: “Đây là dấu ấn rất lớn ở tuổi 18 trong cuộc đời em. Khi được nhận dự án của hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đưa ra, em chỉ nghĩ đơn thuần đây là một dự án và mình tới đó để thực hiện. Nhưng không ngờ, em được rất nhiều thứ, được đặt mình vào hoàn cảnh đó để cảm thông và hiểu hơn cuộc sống của những người xung quanh. Em muốn sau dự án những bạn trẻ như em cũng sẽ hiểu hơn về những người liệt sĩ đã nằm xuống, giúp chúng ta có được cuộc sống thanh bình hôm nay”, Cẩm Nhi chia sẻ.
Cẩm Nhi cho rằng, người đẹp nhân ái không chỉ đẹp về hình thể bên ngoài mà cần tấm lòng, sự bao dung, thấu hiểu... “Dù kết quả như thế nào thì em cũng đã nhận được rất nhiều từ cuộc thi, được học hỏi, trải nghiệm để trưởng thành hơn trong cuộc sống, hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn”.
Phần chia sẻ của các thí sinh nhận được sự đánh giá cao của Ban Tổ chức cũng như Ban bình luận gồm nghệ sỹ Trấn Thành, nhà báo Trác Thuý Miêu và Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.
Phát biểu tại buổi ghi hình, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong – Trưởng ban tổ chức chia sẻ: “Sau các dự án nhân ái, sau khi bước ra khỏi cuộc thi hoa hậu Việt Nam, các bạn có thể trở thành những người nổi tiếng, có thể trở thành người thành đạt, có thể trở thành những người bình thường. Nhưng, các bạn sẽ thấy rằng nhiều người dân trên đất nước ta đang sống với những điều kiện khó khăn như thế. Cần biết, cần thấy những điều như thế, để chúng ta phấn đấu sống tốt hơn và sẽ làm điều gì đấy để giúp đỡ người dân. Tôi tin rằng các thí sinh hôm nay sẽ phấn đấu để làm nhiều điều tốt hơn cho những người dân cần”.
Bà Kim Dung, Tổng giám đốc công ty Sen Vàng, Phó trưởng ban tổ chức cho biết, các dự án nhân ái sẽ những kỷ niệm rất đẹp cho hành trang vào đời của các thí sinh. Tôi mong điều các thí sinh suy nghĩ ngày hôm nay sẽ không phải là điều một sớm một chiều các thí sinh sẽ quên, mà hãy giữ nó để trở thành hành trang, kỷ niệm ý nghĩa, những điều ghi khắc trong lòng. Để sau này, chắc chắn những người xinh đẹp, nhiều kiến thức và trình độ học vấn như các em sẽ thành công. Hãy nhớ một lúc nào đó, nếu có thể hãy quay lại những nơi các bạn từng đến để thực hiện dự án nhân ái.
Bà Ngô Lan Chi, đại diện Cty Cổ phần Cơ Điện Lạnh Đại Việt, đơn vị tài trợ phát sóng chương trình Người đẹp nhân ái cho biết, đây là lần thứ hai Đại Việt tham gia hỗ trợ các dự án Nhân ái của cuộc thi HHVN với mong muốn lan tỏa tính vì cộng đồng nhiều hơn nữa.
“Với các thí sinh, tôi nghĩ đây là những trải nghiệm rất đáng trân quý và ý nghĩa, bởi khi chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh thì không chỉ các em là những người đẹp giàu lòng nhân ái, mà thông qua chương trình, các em đang lan tỏa tấm lòng nhân ái đến cộng đồng xã hội. Đối với tôi, người ta chỉ đẹp khi họ có tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ. Đó chính là lúc họ tỏa sáng và đẹp nhất”, bà Chi nói.