Đó là những quan điểm của ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền trước câu chuyện nâng điểm, sửa điểm tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 khiến dư luận càng ngày càng bất bình khi những danh sách thí sinh, bố mẹ thí sinh mới được hé lộ, dù chưa công khai tên tuổi.
Phải công bố danh tính người mua điểm
Rất bức xúc, “không tin là sự thật” khi xuất hiện danh sách phụ huynh có con được nâng điểm, sửa điểm tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho biết: trong bảng danh sách này tìm mỏi mắt không thấy con em nông, công nhân tầng lớp lao động.
Vị đại biểu này chua chat giải thích cho câu chuyện này là bởi “con thành phần này toàn nhà nghèo, chỉ giàu nỗi thiệt thòi…”. Theo dõi toàn bộ diễn tiến vụ việc, dù không đủ thông tin, căn cứ chứng minh phụ huynh học sinh là người tham gia vào quá trình sửa điểm, nâng điểm của con nhưng ĐB Phạm Minh Hiền cho rằng: Phải công bố danh tính của người mua điểm.
“Không biết rằng có đúng là phụ huynh học sinh mua điểm hay không, tôi nói là nói người mua điểm. Nếu trước đó đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với những người tham gia sửa điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương: Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thì tất nhiên là cơ quan chức năng phải công khai cả danh tính người mua điểm.
Bởi vì khi người mua điểm có nhu cầu thì người bán điểm mới có cơ sở để thực hiện hành vi bán điểm đó. Nếu người mua điểm không có nhu cầu, không đặt vấn đề thì làm sao, cơ sở nào người bán điểm thực hiện những hành vi xấu?” - ĐB Phạm Thị Minh Hiền nêu câu hỏi.
Do đó, theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền nhất thiết phải công khai danh tính người mua điểm. Và nếu như người mua điểm thuộc thành phần nào thì phải xử lý theo pháp luật nếu như chúng ta có căn cứ. Các hành vi này được quy định trong luật nào thì thì phải xử lý để làm gương cho xã hội.
Nhân đạo với thí sinh được sửa điểm, ai nhân đạo với thí sinh bị mất cơ hội?
Gay gắt phản đối quan niệm không công khai danh tính thí sinh cũng như phụ huynh vì lý do “nhân đạo”, ĐB Phạm Minh Hiền cho rằng: Nếu nhân đạo với những học sinh này thì ai sẽ nhân đạo với những thí sinh bị mất đi cơ hội trong khi đáng lẽ họ là người được đường hoàng bước vào cánh cửa ĐH?
“Các em đã bị cướp đi cơ hội như vậy thì không thể nào nhân đạo với người đã cướp đi cơ hội của người khác được. Và người mua điểm hay là thí sinh đều nằm trong đối tượng có hành vi cướp đi cơ hội của người khác. Vì vậy cần phải công khai cả danh tính thí sinh cũng như người mua điểm”, ĐB Minh Hiền nhấn mạnh.
Vị đại biểu dân cử tỉnh Phú Yên này lý giải, thí sinh tham dự kỳ thi đã đủ 18 tuổi- tuổi trưởng thành và không thể nào nói không có năng lực hành vi mà không biết rằng năng lực thực làm bài của mình tới đâu.
Sau khi làm bài thi, các thí sinh sẽ biết mình làm sai hay đúng ngay. Chưa kể, chỉ ít thời gian sau khi kết thúc bài thi, gợi ý đáp án các môn đã xuất hiện trên mạng, so kết quả không hề khó khăn, để ước lượng mình được khoảng bao nhiêu điểm.
Thế nhưng rất buồn là có những thí sinh tỏ ra đầy tự hào khi đạt danh hiệu thủ khoa, á khoa đầu vào… mà thực chất điểm rất thấp.
“Chứng tỏ các em không biết xấu hổ. Như vậy các em chẳng khác gì đồng phạm cả. Do đó, tôi kiến nghị cần phải xử lý và công khai.
Nếu vụ việc không vỡ lở, những thí sinh này chễm chệ học tiếp, học hết bậc đại học, ra trường đi làm… Một thế hệ, một đội ngũ ngay từ những năm đầu tiên bước vào đời đã có những hành vi dối trá như vậy, sẽ hình thành trong đầu các em một tư duy chạy quyền, chạy tiền. Một xã hội không thể nào để lực lượng xã hội chạy quyền, chạy tiền làm chủ được”, ĐB Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.