Mỗi thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQGHN đều phải trải qua 50 câu hỏi tư duy định tính - kiến thức Ngữ văn dưới dạng trắc nghiệm trong thời gian 60 phút.
Thầy Đặng Ngọc Khương phân tích: “Trước đây, thi trắc nghiệm chiếm tỉ lệ rất ít trong bài thi và kiểm tra của học sinh và được ra theo hướng kiểm tra khả năng nhận biết, tái hiện kiến thức ghi nhớ để học sinh gỡ điểm. Nhưng ở đề thi Đánh giá năng lực, những câu hỏi trắc nghiệm yêu cầu học sinh có năng lực đọc hiểu, sử dụng tiếng Việt rất chắc chắn và có phần tinh tế thì sẽ làm tốt”.
Với bài thi ĐGNL, ĐHQG Hà Nội muốn kiểm tra kiến thức toàn diện của thí sinh có mong muốn trở thành sinh viên của trường, trong đó có thí sinh theo khối tự nhiên. Vì vậy, việc ra đề thi thuận tiện cho việc đánh giá như thế nào rất quan trọng.Cách thi trắc nghiệm với phạm vi kiến thức bao quát toàn bộ chương trình THPT sẽ phù hợp với nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, chiều sâu của các câu hỏi trong đề bài nói chung, phần tự chọn nói riêng vẫn phản ánh được năng lực của thí sinh.
Trên cơ sở đó, thầy Khương cho rằng, cách ra đề thi này sẽ tác động tích cực đến định hướng học tập của học sinh. Về phần định tính, liên quan đến phần Tiếng Việt, thầy Khương tư vấn: học sinh nên hệ thống kiến thức đã học từ cấp THCS.
Trong những năm cấp 2, kiến thức Tiếng Việt liên quan đến từ láy, ghép, đồng âm, đồng nghĩa, động từ, tính từ… được trình bày cụ thể, chi tiết sẽ giúp các em củng cố năng lực sử dụng từ ngữ.
Với phần Văn học, đề thi sẽ tập trung vào những phần, đoạn văn giàu giá trị nội dung, nghệ thuật để kiểm tra khả năng hiểu và cảm nhận tác phẩm của học sinh.
Những dạng bài thường gặp của phần định tính liên quan đến môn Văn sẽ là:
Trắc nghiệm dạng ngắn: các nhóm bài thường xuất hiện trong dạng bài này chủ yếu kiểm tra năng lực tiếng Việt và có những cách ra đề như chọn từ sai, chọn từ điền vào chỗ trống, chọn từ không cùng nhóm với các từ trong đáp án…
Phần trắc nghiệm dạng ngắn có những câu hỏi yêu cầu thí sinh có trực cảm tiếng Việt tốt. Để làm tốt phần này, học sinh cần luôn luôn xem xét các từ trong mối quan hệ với những từ xung quanh trong cùng nhóm từ của đề bài. Có đôi khi, để xác định ý nghĩa của một từ tiếng Việt, học sinh cần tìm kiếm những ngữ cảnh, trường hợp mà từ ngữ đã xuất hiện trong đời sống.
Trắc nghiệm dạng đọc hiểu: Đây là phần trắc nghiệm có khá nhiều thách thức với học sinh khi đề thi không chỉ sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa (thông thường sẽ sử dụng một tác phẩm thơ, một tác phẩm văn xuôi) mà còn sử dụng ngữ liệu bên ngoài. Giải quyết phần đọc hiểu ngoài sách giáo khoa chính là lúc các em huy động vốn kiến thức tiếng Việt và tập làm văn để hoàn thành tốt. Các em hãy chú ý đến nội dung chủ đề, thuật ngữ, cách thức lập luận, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Với lượng câu hỏi lớn và đòi hỏi khả năng tư duy, phân tích tốt từ thí sinh, để có thể làm hết được câu hỏi, thầy Đặng Ngọc Khương chia sẻ, học sinh hãy chú ý đến kỹ năng làm bài. Theo thầy Khương, học sinh hãy phân bố thời gian hợp lý, phù hợp với từng nhóm câu hỏi. Các em nên làm nhóm câu hỏi trắc nghiệm ngắn trước, trắc nghiệm đọc hiểu sau.
Đặc biệt, thầy Khương bật mí với học sinh bí quyết để không mất nhiều thời gian cho bài trắc nghiệm đọc hiểu như sau: Với những đoạn văn đọc hiểu, học sinh hãy đọc qua một lượt. Sau đó, với từng câu hỏi liên quan, các em nên đọc kỹ và ghi chép từ khóa của câu hỏi ra giấy nháp. Khi đọc lại ngữ liệu lần thứ hai, các em hãy đọc thật kỹ và đọc đến đâu thì bám từ khóa, trả lời đến đó. Với cách này, thay vì mỗi lần trả lời câu hỏi là một lần đọc lại ngữ liệu, học sinh chỉ cần đọc hai lần, giúp các em tiết kiệm thời gian làm bài.
Một điểm khá tinh tế và yêu cầu học sinh vững kiến thức, rành mạch trong tư duy đó là, có những câu hỏi đưa ra đáp án rất giống nhau. Tuy nhiên, thầy Khương cho biết, khi đọc kỹ đáp án, học sinh sẽ nhận thấy sự khác nhau về sắc thái và nội hàm ý nghĩa của một từ ngữ nào đó trong đáp án. Đó sẽ là căn cứ quan trọng để các em xác định câu trả lời.
Với những đặc trưng của đề thi ĐGNL ở phần định tính này, thầy Đặng Ngọc Khương cho biết, đề thi không cần có bài luận nhưng vẫn có thể đánh giá được năng lực viết của thí sinh. Khi thí sinh biết chọn lọc từ ngữ, phát hiện lỗi sai, hiểu và có trực cảm tốt với sắc thái ý nghĩa của từ ngữ và đọc hiểu tốt thì học sinh đã làm chủ cấu trúc văn bản. Theo thầy Khương, đó là năng lực gốc của người học văn. Với năng lực này, các em hoàn toàn có thể tổ chức văn bản một cách rõ ràng, mạch lạc và làm chủ phong cách ngôn ngữ mình viết.
Năm 2016 là năm thứ hai ĐHQG Hà Nội áp dụng hình thức thi ĐGNL thông qua bài thi kéo dài 195 phút với 140 câu hỏi bao quát chương trình THPT trên một diện rộng với kiến thức từ rất nhiều môn học. Theo thầy Khương, đây là giai đoạn đầu của quá trình đổi mới thi cử. Xu hướng trong tương lai, với ngân hàng đề thi phong phú, các dạng bài, câu hỏi phần định tính trong đề thi ĐGNL sẽ ngày càng phong phú và thay đổi nhiều hơn.